Nỗi niềm của mẹ

(Baohatinh.vn) - Mẹ bỏ lại cho cha căn nhà 3 gian cùng ruộng vườn, bò, lợn để theo con lên thành phố. Thành phố dầu nhỏ bé nhưng là một cuộc sống khác đối với người nông dân. Với mẫu tính trời ban hay nói đúng hơn, với nỗ lực âm thầm của người mẹ Việt, mẹ chịu đựng tất thảy, nén vào lòng những nỗi niềm, những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ với con mình.

Con, người con của nông dân, chăm chỉ học hành và may mắn có được công việc trên thành phố. Để bám trụ lại đó trong khi nhà ở xa, không có cách nào khác, con phải thuê nhà trọ. 15m2 một gia đình gồm chồng vợ, con và mẹ. Tất cả chung sống trong không gian không thể tồi tệ hơn thời buổi @.

Nỗi niềm của mẹ ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Mẹ hiểu, vì mẹ là nông dân, mẹ chẳng thể có cho con cơ đồ, sự nghiệp, chỉ có nỗ lực của con mới giải quyết được các vấn đề. Mẹ chấp nhận làm quen với cách sống mới trong thao thiết nỗi nhớ quê, tự thích nghi với chật chội của không gian và trút hết tình yêu thương lên Xíu.

Từ khi Xíu chào đời đến nay, không lúc nào mẹ rời tay chăm ẵm. Ngày hai buổi, con trai và con dâu mải miết đi làm. Trưa, chiều thường về rất muộn. Mẹ ở nhà mang nỗi nhớ âm thầm trò chuyện với đứa cháu chưa làm quen với ngôn ngữ. Nói với Xíu cũng là nói với mình. Mẹ trò chuyện, dỗ dành Xíu bằng những chuyện nhà nông, chuyện gọi điện cho ông, chuyện gọi gà con vào chuồng chiêm chiếp. Xíu chẳng hiểu gì, chỉ biết rằng, sau những câu chuyện đó, Xíu thường nín lặng, không nhè thêm. Chầm chậm của thời gian mang buổi tối về đúng hẹn. Sau bữa cơm đạm bạc của công chức thời kinh tế thị trường, sau màn xem phim Hàn xa lạ, mẹ khép cánh cửa, ra ngoài hiên nằm.

Đêm với mẹ là sự tưởng tượng vu vơ, là nhìn cái liếp trọ chật hẹp. Đêm với mẹ, với người già, là nỗi thao thức nhớ lợn, nhớ bò, nhớ vườn hoa mướp vàng rộm, là nỗi thao thức của người mất ngủ. 15m2 không đủ cho một gia đình với 4 thành viên. Để tiện cho sinh hoạt, mẹ phải nằm dưới cái hiên che bằng tấm fibro xi măng do con trai mẹ cơi nới. Mẹ biết, con mẹ rất thương mẹ nhưng chẳng có cách nào hơn. Con mẹ bảo: “Thương mẹ quá! Nhưng mẹ về quê thì con không đủ tiền để thuê người ta ở trọ. Khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng, lương con không đủ”.

Trên cái chõng tre tàm tạm, mẹ tưởng tượng đủ chuyện trong một đêm khuya. Không có Xíu trên tay, một mình thấy trống huơ, trống hoác, tưởng tượng đủ chuyện để kéo ban mai tới trong sự lặp lại. Một ngày, hai ngày…

Cứ thế, sự nhàm chán làm mẹ thành người ngụ cư của thành phố đến 3 năm. 3 năm, thời gian về thăm cha cộng nối chỉ tính bằng tuần. Mỗi ngày, mẹ chỉ biết đi ra, đi vào trong cái gian phòng chật hẹp và cái liếp trọ 6-7m2. Mẹ nén tất cả vào lòng, kể cả những lệch pha với người con dâu thành phố. Mẹ hiểu, nó là đứa hiền lành nhưng khác nhau tuổi tác và cách sống đã làm nên những mâu thuẫn nhỏ nhặt đàn bà.

Chuyện mẹ nấu thức ăn quên thêm rau gia vị. Chuyện mẹ nấu cháo bằng nồi cơm điện chưa nhừ. Chuyện mẹ dễ dàng để Xíu chơi tự do… Ngàn chuyện nhỏ nhặt hàng ngày, mẹ làm quen hết thảy. Theo thời gian, những nhỏ nhặt ấy đi qua, khuất lấp trong tình yêu ngày nối ngày của mẹ, mảy may chỉ đọng lại, gợn lại một chút buồn lòng rồi thôi. Mẹ đã làm cho gia đình con, gia đình mẹ thêm êm đềm, thắm thiết.

Vì con, mẹ phải từ bỏ thói quen ở thôn quê, âm thầm học thói quen nơi thành thị. Vì con, mẹ học cách làm mẹ lần thứ 2 theo xu thế đương thời… Tất cả là những nỗ lực lặng lẽ, đọng lại những cảm xúc bùi ngùi. Ngày Xíu vào mẫu giáo, mẹ chỉ mong sao con thuận lợi công việc, tậu được mảnh đất, nếp nhà. Mẹ chỉ mong âm thầm chứ chẳng dám nói ra. Mẹ hiểu, vì mẹ chẳng thể lo được cho con như những người có điều kiện. Mẹ chỉ mong bảo toàn sức khỏe, đừng liên lụy nhiều đến con. Từng con lợn, con gà đều vào quỹ tiết kiệm. Mẹ và cha thầm nhủ nhau phải có trách nhiệm với chính mình.

Thế đó, gia đình là tình yêu thương, là chia sẻ và trách nhiệm. Gắn bó và tâm tình không phải chỉ khi quây quần sớm tối mà có khi là xa nhớ mênh mông. Nỗi niềm của mẹ đã hằn in trong tâm trí nhiều người, mang nặng trong lòng những người con trên các ngả đường sinh sống. Rời xa quê, mang theo khát vọng đổi đời, có khi chỉ là mưu sinh, những người con có thể làm công chức, công nhân hay đủ thứ nghề đều có chung một nỗi vất vả. Nỗi vất vả của con cũng là của mẹ, của tất cả các thành viên trong gia đình. Chỉ có tình yêu thương và chia sẻ mới làm cho mỗi khó khăn dễ dàng vượt qua, làm đầy thêm tình máu mủ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast