Nơi “tái sinh” những mảnh đời lầm lỗi

(Baohatinh.vn) - Đắm chìm trong làn khói vật vờ đầy ma lực của “nàng tiên nâu”, tưởng rằng, những phận người lạc lối sẽ sống nốt quãng đời còn lại trong vũng lầy tội lỗi. Nhưng bằng tình thương và hơn hết là trách nhiệm, các cán bộ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) đã đánh thức mầm thiện bị “bỏ quên” trong con người họ.

Một góc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
Một góc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội

Chúng tôi đặt chân đến Trung tâm CB-GD-LĐXH vào một buổi chiều nắng ráo, khi từng cơn gió lạnh đầu mùa vẫn đang len lỏi. Cánh cổng sắt cao lớn đóng im ỉm, “án ngữ” giữa bức tường vững chãi cùng dãy hàng rào thép gai kiên cố bao quanh. Tất cả tạo nên sự uy nghiêm, cách biệt.

Trái ngược với suy nghĩ, mở cổng đón khách là một cô gái còn rất trẻ. Đằng sau cánh cổng sắt lạnh lùng, một khung cảnh ấm áp dần xuất hiện. Dường như cảm giác giữa “2 thế giới” không còn tồn tại khi thầy và trò đang cùng nhau khởi động cho một trận đấu bóng. Cách chỗ chúng tôi không xa, một số học viên vẫn tiếp tục công việc cắt tỉa cây cảnh. Không khí làm việc trở nên sôi nổi khi Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Sỹ trò chuyện, động viên từng người.

Trung tâm CB-GD-LĐXH được khởi công xây dựng vào cuối năm 2008, trên khuôn viên 27,8 ha với 103 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu. Năm 2012, các hạng mục cơ bản hoàn thành, Trung tâm bắt đầu tiếp nhận học viên. “Đến thời điểm hiện tại đã có 37 học viên gồm 31 trường hợp bắt buộc và 6 trường hợp tự nguyện. Các đối tượng phần lớn đã có tiền án, tiền sự và một số sử dụng ma túy đá” - ông Sỹ cho biết.

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm, các đối tượng nghiện ma túy đá nguy hiểm hơn so với đối tượng tiêm chích. Từng cơn ma túy đá dai dẳng, gây đau đớn khiến họ mất tự chủ và đôi khi đánh mất bản năng con người. Các đối tượng này buộc phải cắt cơn trong căn phòng trống “2 tầng cửa sắt”. Chứng kiến cảnh “học trò” quằn quại trong những lần cắt cơn, không ít lần cán bộ Trung tâm cảm thấy xót xa. Vượt qua khoảng thời gian đau đớn tưởng chừng “dưới 7 tầng địa ngục”, từng học viên bắt đầu được điều trị phục hồi chức năng, dần ổn định sức khỏe.

Các học viên chơi thể thao sau giờ học
Các học viên chơi thể thao sau giờ học

Với những người mới vào, các cán bộ phải dành thời gian để tìm hiểu lý lịch, quá trình nghiện ngập cũng như hoàn cảnh gia đình để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Trung tâm cũng thường xuyên đào tạo, rèn luyện cho học viên kỹ năng sống, học nghề trong lao động. Có được những kinh nghiệm thực tiễn, họ có thể vận dụng vào cuộc sống và trang bị kiến thức để tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều học viên đã nhận thấy giá trị từ cuộc sống mà trước đây họ thờ ơ; biết quý trọng, trân trọng những gì mình có và phấn đấu, cố gắng hoàn thiện tốt chương trình cai nghiện, chữa trị.

Tuy vậy, Trung tâm còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, một số khu vực chưa có hàng rào kiên cố nên các đối tượng bên ngoài xâm nhập, gây kích động, quấy rối học viên. Chưa kể việc người dân đưa thuốc lá, thuốc lào, rượu và các chất kích thích từ bên ngoài vào khiến cho công tác phục hồi điều trị gián đoạn. Những cám dỗ này luôn “giăng bẫy”, nếu chẳng may học viên “thèm muốn”, việc quản lý của quản giáo sẽ trở nên vất vả.

Trung tâm có 12 cán bộ thuộc diện biên chế và 5 cán bộ hợp đồng. 17 con người kiêm luôn các vị trí, từ công việc hành chính, nấu ăn, giáo dục và cả… bảo vệ. Hiện tại, Trung tâm chưa lắp đặt hệ thống hàng rào cứng và camera nên bắt buộc cán bộ quản lý luôn phải trực 24/24h. Cơ sở vật chất vẫn chưa hoàn thiện, khuôn viên lại quá rộng cộng thêm đội ngũ cán bộ còn thiếu, không được đào tạo cơ bản và ít kinh nghiệm trong việc quản lý các đối tượng khiến công tác quản lý hết sức khó khăn.

Hàng tháng, Trung tâm đều tổ chức gặp gỡ từng người để họ được giãi bày tâm tư, nguyện vọng. “Những trung tâm khác thường có từ 3-6 phòng kỷ luật cho học viên vi phạm nhằm cách ly nhưng chúng tôi muốn làm mềm hóa mọi quy định. Các cán bộ ở đây vừa là người thầy lại vừa là người thân, bằng mọi cách phải làm cho các em tốt hơn” - ông Sỹ cho biết thêm.

Bằng tấm lòng nhân ái, gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ, cán bộ Trung tâm CB-GD-LĐXH đã cảm hóa, đánh thức mầm thiện trong tâm hồn những con người tội lỗi. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là tết - cái tết đầu tiên của Trung tâm, mọi người đã bắt đầu sắm sửa. Dẫu công việc trong những ngày cuối năm khó khăn và vất vả, nhưng bằng tình thương và niềm tin, các cán bộ luôn cố gắng để hoàn thành tốt. Học viên dần trở thành người có ích cho xã hội, đối với họ đó chính là niềm hạnh phúc, là món quà ý nghĩa nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast