Nốt lặng...

(Baohatinh.vn) - Anh sinh năm 1981, chị sinh năm 1989. Sau một thời gian đi lại, tìm hiểu, cuối năm 2009, P. và T. làm lễ kết hôn. Hết tuần “trăng mật” rồi đến tháng “trăng mật”, cặp vợ chồng son quấn quýt, líu lo như bao đôi uyên ương hạnh phúc...

Năm sau, chị sinh con trai. Đáng buồn, đứa bé vừa sinh ra đã bị tật nguyền, thiểu năng trí tuệ. Dù vậy, lửa tình vẫn cháy, anh chị vẫn yêu thương nhau.

Nốt lặng... ảnh 1

Minh họa: Huy Tùng

Thế nhưng, chẳng được bao lâu, những vất vả trong cuộc sống mưu sinh, những muộn phiền khi chăm sóc con cái và nhất là tâm lý ích kỷ, không quen gò bó, thiếu trách nhiệm với gia đình của cặp vợ chồng trẻ khiến họ thường xuyên cãi vã, xúc phạm nhau. Sau nhiều lần như thế, chị T. “đoạn tình”, ôm con về sống với bố mẹ đẻ. Để cắt đứt “nghĩa vợ, tình chồng”, anh P. đã viết đơn ly hôn.

Hội trường TAND huyện Hương Khê xét xử vụ ly hôn giữa anh Lê Thành P. và chị Đinh Thị T. vào một buổi chiều thu càng thêm ảm đạm, buồn se thắt. Hội trường lặng ngắt, thỉnh thoảng bật lên tiếng e e thoát ra từ cổ đứa bé tật nguyền. Không gian như đặc quánh, ngột ngạt khiến những người tham dự cảm thấy bức bối, ngộp thở. Thẩm phán Th. nới rộng thêm vòng ca-vát, mắt ngân ngấn nước. Trong suốt những năm làm thẩm phán, tham gia hàng trăm phiên tòa, đây có lẽ là phiên tòa khiến ông suy tư nhiều nhất. Tình tiết không phức tạp, chỉ là vụ án hôn nhân gia đình bình thường nhưng nó đã đưa ông chạm đến tận cùng sự xót thương, bi phẫn. Chứng kiến cảnh bố, mẹ không chịu nhận nuôi đứa con tật nguyền, ông mới thấu hiểu rằng, khi mất nhân tính, đánh mất tình mẫu tử, con người không bằng loài cầm thú.

Phía dưới, cặp vợ chồng trẻ cúi gằm mặt, không dám nhìn những người xung quanh. Đứa bé tật nguyền chừng 5 tuổi là con chung của họ đang nhễu nước dãi, ánh mắt vô hồn, mềm oặt trên tay người nhà. Tại phiên tòa, anh P. và chị T. đều tỏ ra bức xúc, căng thẳng và đổ lỗi cho nhau. Dù được hội đồng xét xử phân tích rõ thiệt hơn, thấu tình, đạt lý nhưng vì hết tình, hết nghĩa nên vợ chồng thuận tình ly hôn. Xét thấy tình cảm không còn, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên hội đồng xét xử chấp thuận.

Điều mà hội đồng xét xử và những người có mặt tại phiên tòa đau xót nhất đó là phần minh định nghĩa vụ nuôi con của các đương sự. Không xót xa sao được khi cả bố và mẹ đều không sẵn sàng nhận trách nhiệm nuôi con. Vì cháu bé bị tật nguyền mà cả hai đều nhẫn tâm chối bỏ. Anh P. thì nại ra lý do “vì điều kiện phải đi làm ăn xa nên… nhường quyền nuôi con cho vợ”. Trong khi đó, chị T. lại cho rằng: “không có việc làm, hiện đang sống phụ thuộc vào bố mẹ đẻ nên… không có nguyện vọng trực tiếp nuôi con”.

Nghe những lý sự này của 2 vợ chồng mới thấy được tận cùng của sự tàn nhẫn. Họ tự nguyện đến với nhau, tự nguyện kết hôn và chủ động sinh con, đẻ cái để xác lập gia đình - tế bào của xã hội. Vậy tại sao, họ lại nhẫn tâm chối bỏ đứa con đứt ruột đẻ ra?!.

Dù hội đồng xét xử đã khuyến khích, động viên, phân tích sâu sắc về tình người nhưng T. vẫn nhất quyết không nhận quyền nuôi con. Chị ta chối bỏ tình mẫu tử. Thậm chí, khi bế con đến phiên tòa, T. còn mang theo tất cả quần áo của cháu bé. Nghĩa là T. đã xác định từ trước rằng: sẽ không tiếp tục chăm nom đứa con tật nguyền. Hành vi này cho thấy sự vô tâm, mất nhân tính của người mẹ. Hai bên đùn qua, đẩy lại, cuối cùng, anh P. đồng ý nhận nuôi con nhưng “mặc cả” chị T. phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con suốt đời.

Phiên tòa chấm dứt sau khi vị thẩm phán nghẹn ngào đọc bản án phân chia nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử. T. cúi gằm mặt, bước nhanh như trốn chạy. P. bế cháu bé, kẹp thêm bọc đồ của con lếch thếch bước ra sau. Bất chợt, cặp mắt thất thần của đứa trẻ lóe lên khi nhìn theo mẹ nó. Hình như trong tâm thức của đứa bé tật nguyền vẫn luôn khao khát tình mẹ, tình cha...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast