Nuôi dòng nước mát sông Nghèn

Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Can Lộc được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống sông hồ phục vụ gần 19 ngàn héc-ta đất nông nghiệp và diện tích nuôi trồng thuỷ sản dọc đôi bờ sông Nghèn thuộc toàn bộ huyện Can Lộc, Lộc Hà và một phần huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Thật không có gì khiên cưỡng khi gọi họ là những người nuôi dòng nước mát cho những cánh đồng tít tắp phù sa đôi bờ sông Nghèn.

Mùa hè năm nay dường như đến sớm hơn với những người làm công tác thuỷ lợi Can Lộc, bởi năm nay lượng mưa quá ít, diện tích và dung lượng cần phải tưới tăng gần gấp đôi các năm. Theo chân Giám đốc Công ty quản lý và khai thác Công trình thuỷ lợi Can Lộc Nguyễn Hồng Quang, chúng tôi đến thăm công trình cống Para Đò Điệm - một dấu ấn quan trọng của ngành thuỷ lợi Hà Tĩnh trong thập kỷ qua. Một hệ thống cống đóng mở tự động sừng sững vươn mình giữa biển nước bao la, được dựng lên từ bàn tay khối óc và biết bao giọt mồ hôi của những con người làm công tác thuỷ lợi, cho sông Nghèn được muôn đời ngọt mát.

Công trình Para Đò Điệm.
Công trình Para Đò Điệm.

Anh Quang cho biết: Para Đò Điệm là một trong những công trình ngăn mặn giữ ngọt đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ thi công giữa lòng sông sâu, có tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt cho lưu vực thượng nguồn sông Nghèn, tạo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp cho công nghiệp, sinh hoạt của người dân thuộc ba huyện Thạch Hà, Can Lộc và Lộc Hà. Từ vụ hè thu năm 2008, nước ngọt sông Nghèn đã tưới mát cho gần chục nghìn héc-ta lúa và đất nông nghiệp vốn nhiễm mặn, khô hạn ngàn đời nay. Đến vụ đông xuân 2009-2010, diện tích tưới tăng lên gần chục ngàn héc-ta lúa, màu và đất nông nghiệp của các huyện trong vùng.

Chiếc thuyền máy lao nhanh đưa chúng tôi ngược sông Nghèn lên phía thượng lưu. Nhớ lại cách đây ít năm về trước, những vùng đất nằm trong vùng hạ lưu này bị nước mặn xâm thực, chi chít lác năn và cỏ dại vậy mà hôm nay đôi bờ xanh tít tắp bởi lúa, bởi khoai. Khi sông Nghèn chưa đượ ngọt hoá, đời sống của những người dân làm nông nghiệp đôi bờ hạ lưu vốn chỉ dựa vào cây lúa trở nên khó khăn bởi thiếu đất cày. Nhớ lại chuyện xưa để thấy hết giá trị của sự sáng tạo, thấy được lợi ích thiết thực của chương trình ngọt hoá sông Nghèn.

Hệ thống kênh dẫn nước hồ Vực Trống.
Hệ thống kênh dẫn nước hồ Vực Trống.

“Mặc dù công trình đã đưa vào khai thác từ ba năm nay, nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa thể tin là sông Nghèn đã được ngọt hoá, nhất là những người sống dọc sông Nghèn xa quê đã lâu. Đúng là ước mơ ngàn đời nay đã thành hiện thực!” – Anh Quang tâm sự.

Rời những cánh đồng xanh tít tắp đôi bờ sông Nghèn, chúng tôi ngược đường 15A lên vùng thượng Can, thăm công trình đập Vực Trống - vùng đất giáp ranh giữa xã Phương Mỹ (Hương Khê) và 2 xã Gia Hanh, Phú Lộc (Can Lộc). Vốn là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhưng hôm nay thung lũng Vực Trống đã được bàn tay con người hàn gắn vết thương, trải ra trước mắt tôi một màu xanh miên man. Những căn nhà lúp xúp thấp thoáng giữa những vườn cây ven đồi bao quanh hồ Vực Trống. Một con đập đã nên vóc nên hình, sừng sững xuyên qua những trang trại trù phú bên mép núi dãy Trà Sơn, đỏ au trong nắng mới.

Giám đốc Quang cho biết, hồ Vực Trống có dung tích trên 13 triệu m3, phục vụ nước sinh hoạt và tưới tiêu cho 4 xã vùng thượng Can Lộc. Đập Vực Trống được đầu tư hơn 27 tỷ đồng nâng cấp, là một trong 3 công trình nằm trong chương trình an toàn hồ đập vừa được Công ty thi công. Đập Vực Trống đưa vào sử dụng, cùng với cống Đò Điệm, đập An Hùng, kè sông chợ Nhe, chợ Vi… tạo thành một hệ thống tưới tiêu liên hoàn được kiên cố hoá, phát huy tốt hiệu quả tưới tiêu. Tổng nguồn vốn Công ty đã huy động từ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình này lên đến gần 100 tỷ đồng, đánh dấu sự bứt phá quan trọng của công ty trong 5 năm qua.

Qua những lời tâm sự của Giám đốc Quang, tôi cảm nhận được rằng, vốn xuất thân từ nghề nông, trưởng thành từ cán bộ cơ sở, là người hiểu rõ giá trị của nguồn nước đối với sản xuất nông nghiệp nên khi được giao quản lý Công ty, anh đã cùng tập thể Đảng uỷ lãnh đạo đơn vị khai thác hiệu quả các công trình thuỷ lợi và sáng tạo khơi dậy mọi tiềm năng nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Để tiết kiệm nguồn nước và chủ động trong công tác tưới tiêu, Công ty giao kế hoạch cụ thể cho từng cụm trạm, đặc biệt là kế hoạch khoán gọn công trình kênh mương, diện tích tưới nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả sản xuất. Các cụm trạm xây dựng đề án tưới nước và phương án chống hạn hàng vụ, hàng năm để chủ động bổ sung nguồn nước kịp thời trong các vụ sản xuất, đồng thời bám sát việc tưới, không để thất thoát lãng phí nguồn nước, đảm bảo cấp đủ nước cho diện tích đã hợp đồng tưới. Đến nay, các cụm trạm đã khoanh được vùng tưới và lập được bản đồ tưới, thuận lợi cho việc phân định vùng tưới và công tác hợp đồng diện tích tưới.

Kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi ở xã Thanh Lộc (Can Lộc).
Kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi ở xã Thanh Lộc (Can Lộc).

Nhờ chủ động điều tiết nước hợp lý, xây dựng đề án tưới tiêu khoa học nên hàng năm gần 18 ngàn héc-ta đất nông nghiệp và hơn 750ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản do công ty quản lý được tưới mát, góp phần thiết yếu làm nên những mùa vàng.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, và điểm dừng chân cuối cùng là Khu du lịch sinh thái Tiểu Đồng – Khe Thờ, Trại Tiểu. Cảm giác mệt mỏi của cuộc hành trình chợt tan biến khi bắt gặp một không gian lãng mạn của bóng núi mây vờn in hình giữa biển nước bao la. Giám đốc Quang giới thiệu: Đập Khe Thờ - Trại Tiểu do huyện Can Lộc đắp vào những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước. Với diện tích 21km2 và sức chứa tới 15,6 triệu m3 nước, Khe Thờ - Trại Tiểu phục vụ tưới cho 9 xã vùng thượng và trung Can. Cách đây 3 năm, Công ty đầu tư xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái.

Nguồn thu từ lĩnh vực này được Công ty tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đến nay đã xây dựng nhà hàng quy mô phục vụ cho 300 khách và xây dựng được hệ thống nhà nghỉ thuỷ tạ 10 phòng khang trang. Ngoài điểm du lịch sinh thái hấp dẫn này, Công ty còn tận dụng lợi thế mặt bằng các công trình cụm trạm, đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Hoạt động trên lĩnh vực này năm 2009 đạt doanh thu 2 tỷ đồng, góp phần tăng doanh thu của Công ty lên gần 13 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân hiện nay lên 3 triệu đồng/người/tháng.

Gia cố, nâng cấp đập Cù Lây (Thuần Thiện, Lộc Hà).
Gia cố, nâng cấp đập Cù Lây (Thuần Thiện, Lộc Hà).

Chớm hè. Nắng trải dài nhuộm vàng mặt sông Nghèn. Những rặng bần đôi bờ xanh mướt triền đê. Những ruộng lúa trải dài tít tắp cứ mặc sức ưỡn mình bung ra những ngọn đòng căng sữa trắng phau trong nắng mới. Những bông hoa bần trắng muốt khoe sắc hương ngạt ngào trong gió quện với mùi hương lúa mới đơm bông tạo nên một cảm xúc no ấm, nồng nàn.

Tháng 4-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast