Ô nhiễm phun sơn ở làng mộc (Bài 1): Đặc mùi hóa chất

(Baohatinh.vn) - Hoạt động phun sơn diễn ra tràn lan tại các làng nghề mộc khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đời sống người dân...

Sống chung với... ô nhiễm!

Từ lâu, làng mộc Thái Yên (Đức Thọ) đã nức tiếng gần xa với thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, song, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt từ phun sơn. Vừa đặt chân vào cổng làng Thái Yên, một mùi hắc nồng xộc thẳng lên mũi, gây cho chúng tôi cảm giác ngột ngạt, khó thở. Dọc đường vào làng là những xưởng mộc san sát, nối tiếp nhau cùng tiếng đục gõ liên hồi, bụi bay mù mịt. Những tốp người làm việc say sưa. Người đục, người bào, người sơn, người phun trong bầu không khí đặc mùi hóa chất…

Ô nhiễm phun sơn ở làng mộc (Bài 1): Đặc mùi hóa chất ảnh 1

Sử dụng sơn bằng bình máy gây ảnh hưởng môi trường

Chúng tôi ghé vào một xưởng mộc trên trục đường chính dẫn vào trụ sở UBND xã. Một người đàn ông nói giọng Bắc đang tập trung hoàn thiện sản phẩm với bình xịt trên tay. Thấy người lạ, anh nhanh chóng dừng công việc: “Nếu các cô đi chọn mua hàng thì đợi phun xong hãy vào chứ độc lắm, chịu không nổi đâu. Sân nhà không còn chỗ nên phải đem ra đường làm cho tiện”. Theo lời anh, trước đây, người dân làm mộc và sơn thủ công, nhưng những năm gần đây, họ chuyển sang phun sơn bằng bình máy. Sử dụng sơn bằng bình máy gây ảnh hưởng môi trường vì bán kính lớn tới hàng trăm mét và dễ dàng hòa tan, khuếch tán vào không khí và nguồn nước...

Ông Phan Công Nghệ - người dân xóm Bình Tiến A bức xúc: “Mùa mưa còn đỡ, chứ trời nắng nóng thì khỏi phải bàn. Mỗi khi các xưởng phun sơn là nhà tôi phải đóng cửa kín mít, chỉ tội mấy đứa cháu nhỏ”.

“70% số dân Thái Yên sống bằng nghề mộc, trong đó, 16 doanh nghiệp kinh doanh. Năm 2002, xã quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề diện tích 5,5 ha với 30 cơ sở tham gia. Song, nhiều lí do khác nhau nên đến thời điểm này, số hộ vào khu công nghiệp còn hạn chế. Đến nay, xã chỉ có 3 cơ sở phun sơn được đầu tư đúng quy chuẩn, còn lại thì “được chăng hay chớ”. Thực trạng này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân” - ông Nguyễn Minh Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Yên cho biết.

Ô nhiễm không khí, nguồn nước cũng đang diễn ra ở làng mộc Tràng Đình - xã Yên Lộc (Can Lộc). Nơi đây có tới 320 hộ chuyên sản xuất các sản phẩm như: nhà gỗ, giường, tủ, bàn, ghế, trần nhà… tập trung ở 2 thôn Đình Sơn và Tràng Sơn. Tuy nhiên, hiện xã vẫn chưa có nổi một xưởng phun sơn đảm bảo quy chuẩn. Hầu hết các cơ sở sản xuất cũng như các cửa hàng đồ gỗ Tràng Đình đều nằm ven đường, xen lẫn khu dân cư đông đúc. Mặc dù, các hộ đã xây tường ngăn hoặc căng bạt che, sử dụng máy thông gió… nhằm giảm sự ô nhiễm, song, cũng không ngăn nổi sự ngột ngạt của bụi gỗ và mùi sơn.

Anh Võ Mai - chủ doanh nghiệp Mai Đoan (thôn Tràng Sơn) - người đã 30 năm làm nghề chia sẻ: “Nghề mộc đã nuôi sống chúng tôi, song, chúng tôi phải chấp nhận sự hành hạ của tiếng ồn, bụi bặm và đặc biệt là sự độc hại của hóa chất từ phun sơn”.

Báo động tác hại đối với sức khỏe con người

Những năm gần đây, hầu hết người dân Thái Yên hoang mang, lo lắng bởi bệnh ung thư và nhiều bệnh lạ có chiều hướng gia tăng mà theo họ là hậu quả của việc sử dụng các loại sơn PU, véc-ni… trong sản xuất đồ gỗ. Chị Nguyễn Thị Hoa - nhân viên điều dưỡng Trạm Y tế xã Thái Yên cho hay: “Mỗi năm, xã có trên 10 người chết vì ung thư, tỉ lệ người dân bị các bệnh hô hấp, phổi, da liễu, mắt… rất lớn. Trẻ em thì ho hen, viêm phổi, viêm họng, người già thì hen phế quản, phụ nữ bị viêm phụ khoa do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Nguy hại hơn, đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ sơ sinh nhiễm dầu phun gây chướng bụng, chảy máu rốn…”.

Ô nhiễm phun sơn ở làng mộc (Bài 1): Đặc mùi hóa chất ảnh 2

Ngoài mùi hóa chất thì bụi từ mụn cưa cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng

Cũng theo chị Hoa, việc chữa dứt điểm các bệnh này là rất khó vì người dân luôn sống trong môi trường ô nhiễm hóa chất trầm trọng.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định: “Các loại sơn mà người dân sử dụng phổ biến trong làng mộc như PU, véc-ni… chứa chất độc hại rất cao, gây hại sức khỏe con người. Hơn nữa, việc phun sơn không đảm bảo quy chuẩn sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp và các bệnh dị ứng ngoài gia, đau đầu, chóng mặt… Về lâu dài có thể là nguồn gốc phát triển thành ung thư”.

Tác hại của phun sơn ngay cả những người trong cuộc cũng thẳng thắn thừa nhận. Vợ ông Nguyễn Công Lý - một thợ phun nổi tiếng ở làng mộc Thái Yên cho biết: “Trước đây, chồng tôi ngày nào cũng đi phun sơn thuê cho làng. Mỗi ngày kiếm triệu bạc là chuyện thường, song, từ năm 2013 lại nay, sức khỏe giảm sút nhiều, cơ thể suy yếu, ho hen kéo dài nên ông đã nghỉ hẳn”.

Ông Nguyễn Viết Thược (thôn Bình Tiến A – Thái Yên) chia sẻ: “Tôi đã hơn 10 năm làm phun sơn, ai thuê đâu làm đấy. Các loại sơn chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc, độc tố cao nhưng nhu cầu cuộc sống bức bách, biết mà vẫn phải làm”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Huy Tập - thôn Tràng Sơn (Yên Lộc) ái ngại: “Xưởng nhà tôi sản xuất khá nhiều sản phẩm, cứ hoàn tất các công đoạn, đến bước phun sơn là tôi thuê thợ từ Thái Yên về làm và chủ yếu là người Bắc. Nghe nói phun sơn có thể dẫn tôi vô sinh nên không dám trực tiếp làm”.

Cũng theo anh Tập và nhiều người dân trong các làng mộc, trên thực tế, những người chuyên làm nghề phun sơn về sau sức khỏe yếu và có trường hợp còn ảnh hưởng đến thể chất, trí tuệ của con cái…

(Còn nữa...)

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast