Ô nhiễm phun sơn ở làng mộc (bài cuối): Gian nan tìm lời giải

(Baohatinh.vn) - Việc phun sơn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe lao động và người dân xung quanh là điều đã rõ mười mươi ở các làng nghề mộc. Tuy nhiên, để đưa các cơ sở sản xuất vào khu vực tập trung hay đầu tư xây dựng hệ thống lò phun, xưởng sản xuất khép kín theo đúng quy chuẩn lại đòi hỏi một sự quan tâm, đầu tư tương xứng và bài bản...

>> Ô nhiễm phun sơn ở làng mộc (Bài 1): Đặc mùi hóa chất

Quy hoạch trên... giấy

Ông Nguyễn Minh Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Yên (Đức Thọ) cho biết: “Khi xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống, địa phương cũng đã có kế hoạch xây điểm phun sơn tập trung, cách xa khu dân cư với diện tích 1 ha, nhưng hiện chưa có kinh phí. Chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi các dự án đầu tư”.

Ô nhiễm phun sơn ở làng mộc (bài cuối): Gian nan tìm lời giải ảnh 1

Nghề mộc giúp người lao động có nguồn thu nhập khá song họ đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, đặc biệt từ phun sơn

Cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) - làng nghề truyền thống Thái Yên đi vào hoạt động nhưng số hộ tham gia vẫn còn hạn chế, mới chỉ có một số doanh nghiệp, hộ sản xuất lớn. Một hộ làm nghề mộc ở Thái Yên ái ngại: “Quanh năm đóng mấy cái bàn, cái tủ chứ có làm nhiều như người ta đâu mà phải ra cụm TTCN. Với lượng sản phẩm ít ỏi ấy thì làm ra không đủ nộp thuế chứ đừng nói đến chuyện thuê đất”.

Còn ở làng mộc Tràng Đình - Yên Lộc (Can Lộc), “UBND xã đã có quy hoạch 12 ha cụm TTCN, thương mại dịch vụ làng nghề nhằm đảm bảo an sinh xã hội cũng như vệ sinh môi trường chung nhưng đến nay, tất cả vẫn đang nằm... trên giấy và chờ chủ trương của trên” - ông Trần Nam Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho hay.

Mặc dù các xã có nghề mộc Thái Yên và Yên Lộc đã thành lập hợp tác xã môi trường và đưa vào hoạt động nhưng chỉ đơn thuần thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất, còn hóa chất độc hại phát tán ra môi trường, đặc biệt là nguồn nước, không khí từ việc phun sơn thì đành “bó tay”...

Cần thêm “nhân tố” mới

Khu TTCN - làng nghề Thái Yên hiện đã có 3 cơ sở (DN Nga Thế, DN Á Châu và cơ sở Công Hương) mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống phun sơn khép kín theo tiêu chuẩn, vừa phục vụ cơ sở, vừa làm dịch vụ cho các hộ có nhu cầu.

Ô nhiễm phun sơn ở làng mộc (bài cuối): Gian nan tìm lời giải ảnh 2

Cơ sở phun sơn đảm bảo quy chuẩn của Doanh nghiệp Nga Thế (Thái Yên - Đức Thọ) góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.

Theo tìm hiểu, các phòng phun sơn khép kín này đều được trang bị hệ thống buồng hút bụi sơn màng nước. Nguyên lý làm việc của một thiết bị hút, lọc bụi sơn khá đơn giản nhưng hiệu quả. Theo đó, nước tưới vào hộp phân phối (khay, máng) nằm bên trên vách chảy tràn (màng nước) qua các ống nối với bơm nước. Khi tràn qua mép máng, nước tạo thành màng liên tục để bám và giữ bụi sơn. Phía sau màng nước là tổ hợp các vách ngăn và hệ thống vòi phun làm nhiệm vụ phân ly nước khỏi không khí, đồng thời, rửa sạch bụi sơn một lần nữa trước khi qua quạt, theo đường ống thải ra ngoài. Nước tuần hoàn được bơm lại vào máng, do vậy, nước sạch được thay theo chu kỳ.

“Thực tế cho thấy, hệ thống phun sơn có khả năng hút - lọc bụi sơn cao, vệ sinh thiết bị dễ dàng lại tiết kiệm điện năng và nguồn nước. Khi đưa vào sử dụng, đã làm giảm đáng kể tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người lao động và người dân khu vực xung quanh. Đồng thời, việc vận hành mô hình này sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho làng nghề chế biến gỗ tại Thái Yên và là cơ sở để nhân rộng ra các làng mộc khác” - ông Nguyễn Minh Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.

“Xây lò phun sơn không chỉ đảm bảo sức khỏe cho gia đình, công nhân mà quan trọng hơn còn góp phần bảo vệ lợi ích cộng đồng, đảm bảo tiêu chí môi trường để làng nghề phát triển bền vững. Vừa qua, chúng tôi vừa khai trương thêm 1 cơ sở phun sơn với quy mô lớn hơn, trong đó, 6 công nhân có thể làm việc cùng lúc để phục vụ nhu cầu của bà con tốt hơn” - Giám đốc Doanh nghiệp Nga Thế - Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Trước khi các nhân tố mới này được nhân rộng, để giải quyết vấn đề môi trường ở các làng mộc, chính quyền địa phương cần kiên quyết dẹp bỏ các điểm phun sơn tự phát, không đảm bảo quy chuẩn; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn lao động, vệ sinh môi trường ở các cơ sở sản xuất; chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để người sản xuất nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng...

Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo: “Để bảo vệ sức khỏe, người phun sơn cần đeo kính an toàn, găng tay cao su, khẩu trang khi làm việc với sơn; cần mặc quần áo bảo hộ lao động, tránh phun sơn trực tiếp lên cơ thể; làm việc trong một khu vực thông thoáng để ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp và chóng mặt. Nếu đang phun sơn trong nhà, hãy mở tất cả các cửa phòng. Không tiến hành phun sơn trong phòng kín hoặc những nơi có nhiều người, nhất là người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là phụ nữ mang thai”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast