Ở trọ - bao mối hiểm nguy

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, ngoài số sinh viên của các trường đại học, cao đẳng còn có hàng ngàn công nhân, viên chức, lao động chưa có nhà ở. Điều đó có nghĩa là có hàng ngàn người phải đi ở trọ lưu niên và họ thường xuyên đối mặt với những gian nan cũng như bao mối hiểm nguy luôn rình rập nơi xóm trọ.

Những mối nguy hiểm luôn rình rập

Mất cắp có lẽ là điều thường xuyên và phổ biến nhất ở các xóm trọ. Nhỏ thì mất quần áo, giày dép, lớn hơn thì mất xe đạp, nồi cơm điện, điện thoại di động, laptop và xe máy. Gần đây, một người bạn tôi ở xóm trọ nhà ông T. (khối 12 phường Bắc Hà), trong một chút lơ đễnh đã bị trộm vào “khoắng” mất 2 chiếc di động xịn, 1 lap top, 1 ipad. Ngơ ngẩn vì mất hết đồ đạc, H. chỉ biết khóc và gọi công an phường đến điều tra dù biết việc tìm ra kẻ trộm trong trường hợp này là vô cùng khó khăn. Trước đó, tại xóm trọ này từng có người bị mất xe máy và quần áo. Trước tình hình đó, chủ nhà trọ cũng chỉ nhắc nhở người ở trọ là phải tự ý thức giữ gìn đồ đạc chứ cũng không có giải pháp nào giúp thắt chặt an toàn cho xóm trọ.

Những xóm trọ kiểu này là "mồi ngon" cho kẻ trộm

Những xóm trọ kiểu này là "mồi ngon" cho kẻ trộm

Chuyện trộm vào các xóm trọ hiện nay xảy ra thường xuyên và cũng muôn hình muôn vẻ. Tại xóm trọ nhà anh N. ở khối phố Trung Lân (phường Thạch Quý) đã từng xảy ra một vụ trộm có một không hai khiến nhiều người rùng mình mỗi lần nhắc đến. Số là phòng đó chỉ có 2 mẹ con chị Th., cứ buổi chiều cho con ăn, chị Th. phải bế con đi lại khắp xóm. Lợi dụng lúc xóm vắng người, kẻ trộm đã lẻn vào nằm dưới gầm giường phòng chị Th. đợi đêm đến thì lục lọi đồ đạc ăn cắp rồi đi ra và chốt cửa ngoài. Chị Th. không bị mất gì đáng kể nhưng từ đó ở xóm trọ này nhà nào cũng nhìn xuống gầm giường trước khi đi ngủ. Còn xóm trọ nhà ông Thanh ở khối 1 phường Tân Giang thì cảnh mất cắp lại xẩy ra trắng trợn hơn. Kh. – sinh viên trường Cao đẳng Y tế cho biết: “Chủ nhà có làm cổng nhưng không làm khóa nên bọn nghiện ma túy thường xuyên vào đây chích và ăn trộm, thậm chí là ăn cướp. Việc mất quần áo xẩy ra thường xuyên như cơm bữa, thậm chí có chị trong xóm từ đầu năm đến nay mất đến 8 chiếc điện thoại di động”. Chị H. - một người từng ở xóm trọ này cho biết: “Có lần trộm cạy cửa vào phòng tôi và cầm 1 xilanh máu dọa nạt rồi ngang nhiên lấy hết những đồ có giá trị. Tôi ngồi nhìn chúng cướp đồ của mình một cách trắng trợn mà không làm được gì”. Điều đáng nói là tất cả những vụ việc đã được phản ánh với chủ nhà nhưng họ đều tỏ thái độ thờ ơ, bất cần kiểu như: “Thích thì ở không thì thôi!”. Vì đây là xóm trọ gần trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, giá cũng khá mềm nên nhiều sinh viên nghèo đành tặc lưỡi “sống chung với trộm” và tự bảo nhau nâng cao tinh thần cảnh giác.

Xóm trọ này có cổng nhưng không có khóa nên các con nghiện thường vào chích thuốc phiện và có khi còn ăn cắp trắng trợn

Xóm trọ này có cổng nhưng không có khóa nên các con nghiện thường vào chích thuốc phiện và có khi còn ăn cắp trắng trợn

Ngoài vấn nạn mất cắp, gần đây ở một số xóm trọ còn xẩy ra hiện tượng hút tài mà và “đập đá” ngay trong phòng trọ khiến những người ở cùng xóm cảm thấy bất an. Thường hiện tượng này chỉ xảy ra ở những xóm trọ cách biệt với chủ nhà.

Không chỉ thế, gần đây, tại các xóm trọ có nhiều nữ còn xuất hiện một tệ nạn nữa là vào khoảng thời gian vắng người qua lại, những kẻ bị bệnh kim - la (phô dâm) cứ đứng ở cổng hoặc ngoài cửa sổ và gây chú ý. Nhiều bạn nữ lần đầu tiên bắt gặp cảnh này đã bị hoảng loạn tinh thần, không dám ra ngoài một mình.

Muôn nỗi gian nan

Cùng với việc phải đối mặt với những hiểm nguy khi đi ở trọ, những người thuê nhà còn phải đối mặt với muôn nỗi khó khăn khi giá nhà trọ hiện không được quản lý chặt chẽ. Thường thì mỗi lần giá cả thị trường tăng là y như rằng các chủ nhà trọ cũng ép giá. Tâm lý muốn yên ổn nên đa số người thuê nhà ngậm ngùi để chủ nhà “chém đẹp”. Chẳng những tăng giá nhà mà giá điện, nước cũng bị thu vô tội vạ. Theo Thông tư số 05/2011/TT-BCT ngày 25-2-2011 thì đối với sinh viên, người lao động thuê nhà, bên bán điện sẽ thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Trong đó, điểm mới của thông tư là cho phép chủ nhà trọ được cộng thêm không quá 10% tiền điện mỗi tháng theo hóa đơn để bù đắp chi phí tổn thất, chiếu sáng và bơm nước dùng chung. Nếu sai phạm, chủ nhà sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các chủ nhà trọ đều chưa làm theo hướng dẫn và cũng chưa thấy chủ nhà trọ nào bị xử lý. Cả dãy trọ có đến 10 phòng ở hoặc hơn thế nữa cũng chỉ được chủ nhà lắp 2 công tơ và tính giá điện “trên trời”. Như 1 xóm trọ ở khối phố Trung Lân (Thạch Quý) có tháng người thuê nhà phải trả giá điện lên tới 3.500 đồng/kW. Đã thế, người ở trọ cũng không có cách nào quản lý được số lượng điện mình sử dụng vì cứ theo công tơ của chủ nhà mà trả. Trong khi đó, cũng chừng ấy đồ điện và chừng ấy thời gian sử dụng, phòng bên cạnh có công tơ riêng thì số điện sử dụng chỉ bằng 2/3. Thắc mắc thì chủ nhà trả lời: “Đã có công tơ”. Bức bách là thế nhưng trước tình hình người thuê nhà đông, phòng trọ đẹp khó tìm nên nhiều người cũng đành chấp nhận.

Cùng với việc phải dùng điện với giá đắt thì mất nước cũng là một nỗi gian nan mà phần đông người ở trọ phải đối mặt, nhất là trong mùa nắng nóng. “Cả dãy phòng trọ với hơn 20 người sinh hoạt mà chủ nhà không lắp đặt bể chứa, chỉ có một đường ống nhỏ cấp nước theo giờ của nhà máy thì lấy đâu ra nước mà dùng” – S. một người ở trọ lâu năm than thở. Đó cũng là tình hình chung của nhiều xóm trọ trên địa bàn thành phố hiện nay. Một vấn đề nữa là môi trường. Phòng trọ thường được bố trí nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng và không khí, chủ yếu lợp prôximăng, diện tích chật hẹp nên nóng về mùa hè, ẩm ướt về mùa đông.

Trong điều kiện nhà trọ mọc lên ngày càng nhiều và các loại tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp, những vấn đề nêu trên càng khó xử lý. Và điều đó có nghĩa là những công chức nghèo, người lao động và sinh viên ở trọ còn phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm dài dài…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast