Phân cấp để thuận lợi và hiệu quả hơn.

Đó là một trong những lợi ích thiết thực nhất mà công tác cải cách thủ tục hành chính(CCTTHC) ở BHXH tỉnh đạt được trong thời gian qua. Phần lớn khối lượng công việc được phân cấp về BHXH cấp huyện không chỉ giúp đối tượng giảm thời gian, chí phí đi lại...mà cán bộ, công chức trong ngành giải quyết công việc nhanh, hiệu quả... hơn.

“Trong thực hiện CCHC theo cơ chế “Một cửa”(được áp dụng từ đầu năm 2007), phần lớn khối lượng công việc được phân cấp cho BHXH cấp huyện theo chức năng puản lý trên địa bàn. Với cách làm như vậy, vừa tăng thêm trách nhiệm của BHXH cấp huyện, vừa tạo điều kiện thuận lợi, giảm đáng kể thời gian, chi phí đi lại cho cá nhân, đơn vị đến giao dịch...”, ông Hoàng Văn Minh- Giám đốc BHXH tỉnh, nói. Cũng ông Hoàng Văn Minh nêu ví dụ: Trước đây, khi chưa thực hiện CCHC, cũng đồng nghĩa với chưa thực hiện phân cấp, chẳng hạn, để đổi được thẻ BHYT, có những người phải đi hàng trăm km đến BHXH tỉnh. Còn nay, khi BHXH tỉnh đã phân cấp thì người cần đổi thẻ BHYT chỉ cần trực tiếp đến giao dịch “Một cửa” của cơ quan BHXH nơi mình đang cư trú là được giải quyết ngay...Ông Nguyễn Xuân Quỳnh- Trưởng phòng Tiếp nhận-Quản lý hồ sơ BHXH tỉnh, cụ thể hơn: Trước khi chưa thực hiện phân cấp, việc giải quyết chế độ tuất cho đối tượng phải mất 30 ngày, nay xuống còn 15 ngày. Còn cấp lại hoặc đổi thẻ BHYT, theo quy định là 7 ngày, nay chỉ mất 3 ngày và có khi được giải quyết ngay...

Khách đến giao dịch tại “Một cửa” BHXH tỉnh.
Khách đến giao dịch tại “Một cửa” BHXH tỉnh.

Việc phân cấp từ thực hiện CCHC đưa lại hiệu quả thiết thực, rõ nét trên nhiều mặt đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức BHXH Hà Tĩnh. Đơn cử, chỉ lấy kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cũng cho thấy được một phần tính hiệu quả của việc phân cấp. Theo đó, chỉ 11 tháng đầu năm 2012, tổng số hồ sơ BHXH toàn tỉnh tiếp nhận là 811.448 và đã giải quyết 803.314. Và số người đến giao dịch “Một cửa” tại BHXH toàn tỉnh trong 11 tháng đầu năm 2012, ước khoảng 100.000 lượt. Riêng tại phòng Tiếp nhận-Quản lý hồ sơ BHXH tỉnh, 11 tháng đầu năm 2012 đã có 3.022 lượt người và cũng chừng ấy hồ sơ đến và được tư vấn về chế độ chính sách. Ông Nguyễn Xuân Quỳnh- Trưởng phòng Tiếp nhận-Quản lý hồ sơ BHXH tỉnh, cho biết: đối tượng hỏi và được giải đáp về chế độ, chính sách qua nhiều kênh: đến tại điểm giao dịch “Một cửa”; gọi điện thoại trực tiếp; truy cập qua mạng điện tử của ngành.... Tuy nhiên, dù qua kênh nào, nếu mình trả lời, giải quyết tốt thì giảm, thậm chí không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Và 11 tháng của năm 2012, ngành BHXH tỉnh chưa hề nhận được bất kỳ khiếu nại, tố cáo nào về giải quyết thủ tục hành chính.

Hỏi rộng thêm về hiệu quả của việc thực hiện cơ chế “Một cửa” trong toàn ngành BHXH tỉnh, ông Hoàng Văn Minh, cho biết: Việc thực hiện cơ chế “Một cửa” đã tạo chuyển biến rõ nét, nhất là quy trình phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ được công khai minh bạch và có sự kiểm soát lẫn nhau; chức năng tiếp nhận và xử lý công việc được tách bạch ở từng phòng, từng bộ phận; thủ tục hồ sơ được công khai, đơn giản theo đề án CCHC; hạn chế được sự giao tiếp trực tiếp giữa cán bộ BHXH với đối tượng, tức là loại bỏ được nguyên nhân có thể dẫn đến tiêu cực. Ngoài ra, cơ chế “Một cửa”còn tạo cho cán bộ, công chức trong ngành phong cách làm việc khoa học, khịch lệ tinh thần làm việc; giúp lãnh đạo đơn vị trong quản lý, giám sát, điều hành...

“Để phục vụ ngày càng tốt hơn cho trên 750.000 đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và trên 66.000 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện phân cấp những lĩnh vực công việc cho BHXH cấp huyện phù hợp với các quy định của BHXH Việt Nam trên cơ sở biến chế và năng lực thực hiện của BHXH cấp huyện...”, ông Hoàng Văn Minh, nói.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast