Phân phối hàng cứu trợ: Khó đảm bảm công bằng tuyệt đối

Sau 2 đợt mưa lũ vừa qua, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nhận được nhiều tấm lòng giúp đỡ của đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến việc phân chia hàng cứu trợ theo tiêu chí công bằng trở nên khó khăn…

Thắm tình đồng loại...

Chưa bao giờ người dân Hương Khê được đón nhận nhiều tình cảm như những ngày tháng 10 vừa qua. Trên khắp mọi nẻo đường, những chiếc xe tải lớn, nhỏ hối hả “cõng” trên mình hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn thùng mỳ tôm và nhiều nhu yếu phẩm từ khắp mọi miền quê đổ về. Nhiều băng rôn với dòng chữ: “Thương quá Hương Khê ơi!”, “Về với người dân vùng lũ Hương Khê” đã phần nào thể hiện được tình cảm thương yêu đùm bọc của đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài đối với người dân nơi rốn lũ.

Đại diện MTTQ huyện Hương Khê tiếp nhận quà ủng hộ
Đại diện MTTQ huyện Hương Khê tiếp nhận quà ủng hộ

Ông Trần Văn Tâm, đại diện cho hơn 100 hộ dân thôn 7 xã Phù Cát, huyện Quốc Oai (Hà Nội), nghẹn ngào khi nghe thông báo về mức thiệt hại của huyện, rồi nhanh chóng đăng ký với Ban tiếp nhận huyện Hương Khê món quà gồm 2,5 tấn gạo, 350 thùng mỳ tôm và 500 bộ quần áo bà con trong thôn quyên góp được để lên đường về xã Phương Mỹ - địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất

“160 triệu đồng là số tiền chúng tôi huy động được của bà con tiểu thương Trung tâm thương mại Mát-xcơ-va để giúp đỡ đồng bào bị nạn huyện Hương Khê”, ông Nguyễn Văn Nhiên – Trưởng đoàn cứu trợ từ Trung tâm thương mại Mát-xcơ-va gấp gáp nói, rồi tạm biệt những người làm công tác ở ban tiếp nhận hàng cứu trợ, đi về xã Hà Linh

“Đoàn cứu trợ của những tiểu thương chợ Ninh Bình đến huyện Hương Khê 2 lần. Họ mang theo những gói muối, lọ hạt tiêu, chai nước mắm... để ủng hộ các gia đình bị ngập sâu. Đặc biệt có đoàn đông đến hơn 120 người. Nhiều tăng ni phật tử ngủ lại trong xe ô tô để nhường lại màn, chăn mang theo khi đến với những vùng bị ngập sâu như xã Hà Linh, Phương Mỹ” - ông Trần Văn Đề Chủ tịch UBMTTQ huyện Hương Khê cảm động cho biết.

Tính đến chiều 1/11, huyện Hương Khê đã đón 305 đoàn cứu trợ với gần 4 tỷ đồng tiền mặt, 157 tấn gạo, 22.000 thùng mỳ tôm và hơn 28.000 suất quà. Không chỉ trao quà, nhiều đoàn cứu trợ còn tự nguyện ngủ lại nhiều đêm để động viên, an ủi những gia đình mất mát người thân

Những điều không thể lường trước

Khác với những năm trước, năm nay công tác tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ ở Hương Khê được giao cho UBMTTQ huyện. Mặc dù quân số lực lượng này đã lên đến 27 người (trong đó có 16 người giúp việc) nhưng do khối lượng công việc quá lớn nên làm hết sức vất vả. “Điện thoại từ khắp nơi điện về hỏi thăm những vùng bị ngập nặng bất kể giờ phút nào. Có đoàn ở xa nhưng cứ đi được khoảng 50 km họ lại điện thoại vì sợ… lạc đường nhưng chúng tôi vẫn niềm nở, hướng dẫn tận tình” - ông Đề cho biết.

Những địa phương, đơn vị bị thiệt hại nặng chưa hẳn đã được nhận nhiều quà
Những địa phương, đơn vị bị thiệt hại nặng chưa hẳn đã được nhận nhiều quà

Việc hỗ trợ tiền mai táng cho thân nhân những người tử nạn do mưa lũ rất dễ vì tỉnh và huyện đã có quy định. Toàn huyện có 7 người chết, thân nhân những người này được nhận 6 triệu đồng/người. Còn lại lượng tiền mặt mà các tổ chức cá nhân đăng ký với ban còn phải chờ địa phương lập danh sách đánh giá tình hình thiệt hại cụ thể đối với từng hộ gia đình mới có thể phân chia cụ thể được.

Theo lời ông Đề thì sau khi các đoàn đến đăng ký, huyện sẽ cử người dẫn đoàn về các địa phương trao quà, xã lập danh sách và phát phiếu cho từng hộ đến nhận. Nhưng khó khăn nhất là đến nay, Ban tiếp nhận không thể có con số chính xác về số đoàn đến các xã trong huyện để phân chia hợp lý; bởi có nhiều đoàn không đến đăng ký mà trực tiếp về trao tận từng thôn xóm của các xã. Vì vậy, cũng không thể biết số tiền mặt và hàng hóa mà các hộ đã nhận. Thế nên có những chuyện khôi hài xảy ra. Những người bị thiệt hại nặng nề nhất đương nhiên theo danh sách các xã lập thì họ được nhận cứu trợ đầu tiên. Thế nhưng món quà cứu trợ đầu tiên chỉ được mỗi hộ 1 thùng…mỳ tôm.

Những đoàn cứu trợ đến sau phải dành cho người chưa nhận. Tuy nhiên, lần thứ 2, thứ 3 có những hộ ít thiệt hại nhưng lại nhận món quà trị giá cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài 1 thùng mỳ tôm, 10 kg gạo, họ còn được nhận quà bằng tiền mặt. Ngoài ra, một số con em địa phương làm ăn xa thành đạt nay trở về họ một mực chỉ hỗ trợ cho địa phương nơi mình đã sinh ra (dù nơi đó thiệt hại ít) cũng gây nên thắc mắc ở người dân. Nhiều đoàn ở xa đến chỉ muốn trao quà nhanh rồi đi, họ trực tiếp trao cho những hộ gần nơi đổ hàng; vì vậy nảy sinh tình trạng có hộ nhận cùng lúc 2-3 suất quà, có hộ không có nên gây nên tình trạng mất an ninh trật tự.

“Có đoàn khi đăng ký với ban tiếp nhận trao tặng số tiền 40 triệu đồng. Họ giơ lên tấm biển trao cho tôi nhận rồi quay phim chụp ảnh nhưng đến nay chỉ mới chuyển 20 triệu đồng đến cho kho Bạc Nhà nước huyện. Không biết rồi đây tôi phải giải trình ra sao để người dân hiểu” - ông Đề trăn trở. Đó là chưa kể đến việc một số hộ gia đình coi việc lũ lụt gây ra, Nhà nước phải chịu trách nhiệm đền bù nên…ăn vạ, không chịu dọn dẹp nhà cửa để chờ cơ quan chức năng đánh giá tài sản.

Mất mát do thiên tai là điều khó tránh khỏi, nhất là đối với một địa phương có khí hậu khắc nghiệt như tỉnh ta. “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”, - thật đáng quý khi trong hoạn nạn có những tấm lòng hảo tâm chìa bàn tay cứu giúp ,nhưng nếu không có sự đồng thuận của người dân và cách tổ chức phân phối hợp lý thật khó để đảm bảo công bằng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast