Phía trước là sự sống

(Baohatinh.vn) - “Các bạn mong muốn sau này lớn lên đạt được những hoài bão bấy lâu thường ấp ủ. Nhưng với em, ước mơ lớn nhất chỉ đơn giản là có thể tự bước đi trên chính đôi chân của mình”. Lời tâm sự của cô bé Trần Thị Hà (học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Kỳ Liên, TX Kỳ Anh) khiến không ít người xót xa bởi đôi chân em đã vĩnh viễn mất đi trong vụ tai nạn kinh hoàng 4 năm về trước…

Phía trước là sự sống ảnh 1

Ban ATGT tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên bà Lê Thị Thanh (tổ dân phố Đồ Gỗ, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh) có chồng mất vì TNGT.

Đối với những nạn nhân và gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), cuộc sống của họ không chỉ trải qua trong nỗi đau thương, mất mát không thể bù đắp mà còn phải đối diện với ám ảnh luôn thường trực về ký ức kinh hoàng. Theo thống kê, mỗi năm, TNGT cướp đi sinh mạng của 7.300 người, khiến 25.000 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Tại Hà Tĩnh, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 147 vụ TNGT, làm 126 người chết, 106 người bị thương; trong đó, có đến 70% là thanh niên.

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Phạm Thị Trường (thôn Phú Thượng, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh). Có lẽ, trong số các gia đình nạn nhân tử vong do TNGT, người phụ nữ này phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất khi TNGT đã tước đi sinh mạng người bạn đời và 2 con trai của bà. Sự ra đi đột ngột của người chồng vào năm 2005 những tưởng là nỗi đau lớn nhất bà Trường phải trải qua trong cuộc đời. Thế nhưng, năm 2013, đứa con trai sinh năm 1996 đã tử vong trên đường đi học về. Sau đó chưa đầy 2 năm (tháng 1/2015), nỗi đau chôn chặt của người phụ nữ một lần nữa bị khơi dậy khi người con trai sinh năm 1990 đã vĩnh viễn ra đi.

“Nhìn thân xác con tím tái nằm bất động, tôi quay cuồng trong nỗi đau tột cùng. Tôi lại phải oằn mình đối diện với sự ra đi của 3 người thân trong chưa đầy 10 năm…”, bà Trường nấc nghẹn. Nghe con dâu nhắc lại ký ức đau thương, cụ bà 90 tuổi gắng gượng ngồi dậy, nước mắt chảy dài từ đôi mắt mù lòa khiến ai nấy đều lặng người.

Cứ đến ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, gia đình chị Trần Thị Hạnh (tổ 4, thị trấn Cẩm Xuyên) lại ngổn ngang bao cảm xúc. Chồng chị đã mãi mãi ra đi trong vụ TNGT vào năm 2014. Cũng từ đó, gia đình chị Hạnh vắng hẳn tiếng cười, đứa con trai năm nay mới lên 8 thường xuyên thở dài: “Cháu ước sáng nào cũng được bố chở đi học”, điều ước giản dị nhưng quá đỗi xa vời với đứa bé.

“Hạnh phúc” hơn người đã ra đi, nhiều người may mắn sống sót sau những vụ TNGT nhưng thân xác không còn lành lặn. Quãng đời còn lại, họ chỉ biết phụ thuộc vào chiếc xe lăn hoặc nằm bất động trên giường bệnh. TNGT không chỉ gieo rắc nỗi mất mát tinh thần quá lớn cho nhiều gia đình mà còn để lại hậu quả nặng nề cho toàn xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó, lỗi chủ yếu do ý thức chủ quan của người cầm lái như thiếu kỹ năng, trách nhiệm tuân thủ pháp luật; cẩu thả, tùy tiện, thiếu đạo đức nghề nghiệp khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; một số chủ doanh nghiệp vận tải, lái xe còn ít quan tâm tới việc đầu tư, sửa chữa đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu hành; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, xuống cấp…

Một mái ấm yên vui, hạnh phúc bỗng chốc rơi vào cảnh tang tóc, đau thương. Bất hạnh bất ngờ ập đến từ những vụ TNGT, đẩy những số phận rơi vào nỗi đau cùng cực: vợ mất chồng, cha mẹ mất con và những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa. “Phía trước là sự sống”, “Hãy lái xe bằng cả trái tim”… TNGT qua đi nhưng nỗi đau vẫn khắc sâu, nhắc những người ở lại càng trân trọng, giữ gìn cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast