“Phố đêm” internet (Bài 1): Náo nhiệt game online

(Baohatinh.vn) - Thành phố về đêm. Trái ngược với sự tĩnh mịch của phố phường thì tại các quán internet, không khí vẫn náo nhiệt như ban ngày. Sau cánh cửa khép hờ, những cô, cậu thanh niên, vị thành niên mắt đăm đăm vào màn hình game online, thi thoảng còn buột miệng chửi thề. Cứ thế, các “game thủ” say sưa trong thế giới ảo thâu đêm, suốt sáng...

Thú vui “cày” đêm

Nghe kể về thế giới “game over night” (chơi xuyên đêm) khá nhiều nên chúng tôi quyết định “đột nhập”. Dạo quanh các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ hay đường 26/3 đoạn từ QL 1A đến Đại học Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp các “game thủ” chơi đêm. Tôi và cậu bạn cũng chọn cho mình một quán net trên đường Nguyễn Công Trứ để “trải nghiệm”. 10–11h đêm, dường như không khí tại các quán net vào giờ này có phần rộn ràng và đông hơn hẳn ban ngày. Internet về đêm chủ yếu phục vụ các trò chơi online mà phần lớn tập trung vào các game chiến thuật như Liên minh huyền thoại (LOL), Dota, Đế chế (AOE)… Lượng khách chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, tầm này vẫn có thể bắt gặp một số bạn gái ngồi “chiến” game Đế chế hay Audition.

Quán Internet về đêm chủ yếu phục vụ trò chơi online, tập trung vào các game chiến thuật.

Quán Internet về đêm chủ yếu phục vụ trò chơi online, tập trung vào các game chiến thuật.

Tại các quán internet, mỗi giờ chơi được định giá 4-5 nghìn đồng. Thời gian này, khi học sinh, sinh viên đang nghỉ hè thì một số quán giảm xuống còn 2-3 nghìn đồng/giờ hoặc miễn phí trong mấy ngày đầu khai trương để “hút” khách. Ngoài ra, các cửa hàng này còn trang bị thêm máy điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát để phục vụ khách trong những ngày nắng nóng. Lân la bắt chuyện, Nguyễn Trung K. - sinh viên Đại học Hà Tĩnh vừa cười vừa nói: “Buổi tối biết làm chi mô, rủ mấy đứa bạn nữa vô “chém” cho vui. Tối ni, bọn mình ăn thua ở cái thẻ điện thoại, 20-50 nghìn đồng thôi. Có khi thì bữa ăn sáng, bữa nhậu, đủ các kèo. Nhiều đứa còn luyện game để tham gia đấu giải ấy chớ”. Nghe xong, tôi mới vỡ lẽ. Chơi đông, vui, lại còn có giải, có thưởng, hèn gì các cậu có động lực! Giải ở đây là các chủ quán đứng ra tổ chức. Phần thưởng thường từ vài triệu, cũng có khi hàng chục triệu đồng.

Một dịch vụ kinh doanh khá đắt khách đi kèm là thẻ game. Thẻ game nhằm tăng level (đẳng cấp), từ đó, người chơi có thể trang bị nhiều vật phẩm và thiết bị khác. Hầu hết các quán net trong thành phố đều kinh doanh loại dịch vụ này để phục vụ nhu cầu của người chơi. Một chủ quán net trên đường Nguyễn Công Trứ cho biết: “Các thẻ game có mệnh giá từ 10 nghìn, 50 nghìn, 200 nghìn, thậm chí lên đến 1 triệu, 2 triệu, 5 triệu đồng”. Thẻ game được mua trực tiếp ở cửa hàng hoặc có thể mua gián tiếp trên các trang web. Hiện các nhà mạng như Mobifone, Viettel, Vinaphone cũng có hình thức kinh doanh thẻ nạp game với nhiều mệnh giá khác nhau.

“Độ” và “xèng”

Nghe giới sành game nói về 2 từ “độ” và “xèng”, tôi háo hức muốn biết, vừa dịp anh bạn tên Thuyết rủ đi chơi game vì team (đội) đang thiếu người. Khoảng 9h tối, chúng tôi vào một quán game trên đường Vũ Quang, quán có không gian rộng

và thoáng, máy tính được bố trí ở 2 gian, ước chừng 80 máy. Đây là khoảng thời gian cao điểm nên quán rất đông khách. Thuyết dẫn tôi và một anh bạn vào gian trong.

Quan sát một lượt, hầu hết người ở đây chủ yếu chơi game và theo từng team, một số ít lướt web, xem video, vào mạng xã hội… Quán “sôi động” bởi tiếng chửi thề, chửi tục của các game thủ; có người đập tay rõ mạnh lên bàn phím tỏ vẻ ức chế. Chúng tôi chơi game Đế chế (Age Of Empire I), team có 3 người đánh với 3 người khác ở Hà Nội thông qua phần mềm Garena. Tôi yếu nhất nên được chọn quân và cũng chỉ là “vào chơi cho đẹp đội hình”. Đến khoảng 10h30’, có người khác đến thế chân tôi.

Quan sát kỹ, quán còn 19 người, đều ở lứa tuổi thanh niên, không có nữ. Ngồi đối diện với máy tôi là một cậu choai choai, đoán là học sinh khi nghe điện thoại cậu ta nói “con đang học” khá to. Cậu này cũng chơi trò đế chế, team có 4 người đấu với 4 người khác ở ngay trong phòng. Lâu lâu lại có một người cầm tiền chuyển từ team này sang team kia hoặc ngược lại. Về sau, tôi mới biết đây là thể thức “đánh độ”. Cứ mỗi C bên nào thua phải trả tiền cho bên thắng, mức tiền các team tự quy định với nhau, thường là 200 nghìn đồng, có khi lên đến cả triệu đồng. Mỗi C thường đánh chạm 3, bên nào thắng đến 3 trận trước là thắng chung cuộc, rồi lại đánh C mới.

Hơn 1h sáng, có người đưa xôi, cơm rang từ ngoài vào để bán cho khách. Lúc này, Thuyết mới giật mình, “xe máy đang để ngoài”, tôi cùng chạy ra xem thì xe đã được nằm gọn trong quán. Lân la hỏi chuyện một nhân viên trông coi thì được biết, khách chơi xuyên đêm chủ yếu là khách quen, đêm nay, tương đối ít, bình thường có khoảng 15-20 người. “Dân over night hầu hết đều đánh độ anh ạ” - anh nhân viên cho biết.

Để tiếp tục tìm hiểu, tôi quyết định tự mình “xuyên đêm” lần nữa ở một quán khác trên đường Nguyễn Công Trứ. Anh chủ quán đang sắp lại xe máy quay ra hỏi “xuyên đêm à?”. Tôi gật đầu. “Dắt xe vào đi” – anh nhắc. Khi vào, quán đang có 12 người. Quán này khá nhỏ với 22 máy tính. Phía trong có một máy điện tử xèng, 5 người đang ngồi chơi. Vừa vào thì chủ quán cũng kéo cửa cuốn xuống. Vẫn là những tiếng lách cách, chửi tục, chửi thề, cãi vã… Tôi ngồi gần một người đang chơi bài, cậu này là nhân viên phục vụ nước uống và tính tiền cho khách. Phần lớn khách hàng đều là khách quen của quán. 8 người đang chơi game đế chế, ở đây cũng đánh độ, tiền được chuyển qua chuyển lại. 2 người nữa chơi dota, một người trong góc xem phim 18+. Khoảng 2h sáng, có một người đi từ trong chỗ máy xèng ra, tức tối: “Tối ni lại mất 6 lít”. Có tiếng đáp lại “Có khi mô mi được tiền chưa? Ngu…!”.

Ở chỗ máy điện tử xèng có vẻ bớt ồn ào hơn. Tôi gặng hỏi về luật chơi, cách tính toán, đặt cửa nhưng không nhận được câu trả lời. Chỉ thấy một người phải ghi nợ 200 nghìn đồng và không chơi nữa. Hơn 4h sáng, khách chơi game nghỉ hết, chỉ còn lại khách chơi xèng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast