Phóng xạ tại Việt Nam không ảnh hưởng tới sức khoẻ

Các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại các trạm quan trắc phóng xạ ở nước ta đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.

Tổ công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 thông báo, theo tính toán của các tổ chức quốc tế từ cuối ngày 9/4, đám mây phóng xạ có cường độ mạnh vào khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Tiến sỹ Đặng Thanh Lương, Cục phó Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại các trạm quan trắc phóng xạ ở nước ta đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.

Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, đám mây phóng xạ sẽ tồn tại trong vùng Đông Nam Á một vài ngày. Đám mây phóng xạ mạnh nhất được dự đoán sẽ phân tán nhanh trong ngày 9 và 10/4. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian. Trên cơ sở mô hình, mạng lưới cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO), dự đoán đám mây phóng xạ tiến vào Móng Cái (Quảng Ninh) và trong ngày 10/4, đám mây phóng xạ mạnh nhất sẽ bao phủ lên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Về vấn đề này, chiều 10/4, Tiến sỹ Đặng Thanh Lương, Cục phó Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Gần đây, các trạm quan trắc phóng xạ tại Việt Nam cũng ghi nhận được sự gia tăng nồng độ phóng xạ. Theo số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong son khí ở Đà Lạt và Ninh Thuận, ngoài các đồng vị phóng xạ có sẵn trong tự nhiên còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131. Ở Thành phố Hồ Chí Minh còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs- 137. Tuy nhiên các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại các địa điểm nói trên đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Trong những ngày tới nếu không có đột biến, nồng độ phóng xạ sẽ giảm trong không khí.

Tiến sỹ Đặng Thanh Lương cho biết: Việt Nam trong những ngày qua có ghi nhận được sự gia tăng chút ít nồng độ phóng xạ trong không khí như I-131, Cs-137 so với những ngày đầu tuần. Điều này thể hiện rất rõ đám mây phóng xạ đó đã vào Việt Nam trong những ngày 8, 9, 10 cho đến ngày 11. Với mức độ phóng xạ ghi nhận được hiện nay ở tất cả các trạm phóng xạ từ miền Nam ở TP HCM, Đà Lạt, Hà Nội, Lạng Sơn cũng như tại Ninh Thuận và đều cho thấy đang ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Nếu như trong thời gian tới ở phía Nhật không có thêm những vụ nổ phát tán nhiều chất phóng xạ thì khả năng trong những ngày tới lượng chất phóng xạ sẽ giảm đi trong không khí.

Về thông tin các nhà khoa học Việt Nam phát hiện nồng độ phóng xạ I-131 trong nước mưa và Cs-134 trong lá cây tại Hà Nội, Tiến sỹ Đặng Thanh Lương cho rằng mức độ phóng xạ có trong nước mưa là rất thấp không ảnh hưởng tới sức khoẻ. Còn với nồng độ phát hiện được trong mẫu lá thông lấy tại Hà Nội, đó có thể là lượng phóng xạ sẵn có trong cây chưa được tan rã từ những ảnh hưởng trước kia.

Cũng theo Tiến sỹ Đặng Thanh Lương, phóng xạ trong không khí qua nước thấm vào đất để ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây cần rất nhiều thời gian chứ không thể chỉ trong vài ngày mà phát hiện được.

Theo Vovnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast