Quản lý người lang thang: Nhiệm vụ bất khả thi?!

(Baohatinh.vn) - Tháng 6/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 248 về thu gom, trợ giúp đối tượng lang thang trên địa bàn Hà Tĩnh. Thế nhưng, sau hơn 1 năm thực hiện, việc quản lý, trợ giúp đối tượng lang thang vẫn nằm ngoài tầm tay các ngành chức năng.

quan ly nguoi lang thang nhiem vu bat kha thi

Người ăn xin chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Nhiều người trong số này xem đây là một nghề mưu sinh.

Muôn kiểu… lang thang!

Sau dịp lễ hội, tình trạng ăn xin ở các khu di tích tâm linh, đền chùa tạm thời lắng xuống. Thế nhưng, những ngày hè, người ăn xin xuất hiện trở lại ở các vùng trung tâm với số lượng đáng kể. Tại TP Hà Tĩnh, hầu hết các tuyến phố ẩm thực, khu vực bệnh viện, các chợ... được xem là địa chỉ hoạt động thường xuyên của các "đệ tử cái bang".

Chị Nguyễn Thị Tịnh - chủ quầy quần áo ở Chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Người ăn xin với đủ loại đối tượng, người già, trẻ em, người khuyết tật, thậm chí có những người còn rất khỏe mạnh. Có những trường hợp mình cho vì sự thương cảm, nhưng cũng có những trường hợp đành tặc lưỡi cho xong để khỏi bị quấy rầy”.

Chẳng riêng gì trung tâm tỉnh lỵ, gần như ở các khu vực thị xã, thị trấn đều ít nhiều xuất hiện người ăn xin. Điều đáng nói, ngoài những người hành nghề bất đắc dĩ thì còn có những người xem đây là nghề mưu sinh. Đối tượng của loại hình này hầu hết là trẻ em, phụ nữ bế con mang những mặt hàng đơn sơ, nghèo nàn như: bánh, kẹo singum, tăm tre, móc chìa khóa… được bán với mức giá đắt gấp đôi so với thông thường.

Len lỏi qua từng bàn ăn trên tuyến phố Nguyễn Du, bé gái đen nhẻm, gầy gò với mẹt hàng chỉ vỏn vẹn vài thứ nhiệt tình giới thiệu cho các thực khách đang ăn uống ồn ào. Mua một thỏi kẹo singum với giá 10.000 đồng, chúng tôi đã làm quen được với cô bé. Được biết, em tên là L. - học lớp 3, người ở Quảng Xương (Thanh Hóa). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dịp nghỉ hè này, L. cùng anh trai (hơn em vài ba tuổi) vào Hà Tĩnh để bán hàng rong, đánh giày kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ và mua sách vở. Thường thì khách ăn uống rất ít mua đồ, bởi họ không có nhu cầu nên những đồng tiền kiếm được chủ yếu từ sự thương cảm.

Giải pháp chưa khả thi

Kế hoạch 248/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 10/6/2015 ra đời với mục tiêu chung là huy động sự tham gia của cộng đồng, gia đình và xã hội trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng lang thang.

Mục tiêu là vậy, nhưng thực trạng đang diễn ra không giống với tinh thần được xem là quyết liệt trước đó. Bà Lê Thị Thúy Nhàn - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm tham mưu các cơ chế, chính sách, hướng dẫn quy trình cấp cho địa phương. Theo đó, khi địa phương báo lên, cơ quan chuyên môn sẽ điều tra, xác minh, nếu đúng đối tượng không nơi cư trú, không người nuôi dưỡng thì đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng của tỉnh, còn không thì giao địa phương đưa về gia đình”.

Ở TP Hà Tĩnh, Phòng LĐ-TB&XH gần như “vanh vách” tên từng người, địa chỉ của các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng lang thang trên địa bàn nhưng vẫn “bó tay” trước hiện tượng “tái xuất” của các “đệ tử cái bang”. Ông Lê Tâm - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Đó là trường hợp của Phan Nhân Nhàn (tổ dân phố 7, phường Nam Hà), đã được thành phố hỗ trợ làm nhà ở, nhưng không tìm được nghề gì để kiếm sống nên quay lại ăn xin; hay ông Hải (phường Đại Nài) đã từng được hỗ trợ vay vốn sản xuất, cũng chẳng thành công để “chuyển đổi nghề”...

Đến nay, TP Hà Tĩnh đã thu gom được 5 trường hợp, trong đó, 2 trường hợp liên hệ cho về quê. Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh cho biết thêm, để hạn chế việc người lang thang (ăn xin, bán hàng rong) tụ tập ở các điểm trung tâm, gây mất trật tự, mỹ quan đô thị, Phòng LĐ-TB&XH “tung quân” xuống tận nơi. Có điều, mặc dù đã giải thích, vận động, các đối tượng vẫn “bỏ ngoài tai”. Không chế tài, không lực lượng, lại thiếu sự phối hợp của các ngành chức năng nên quản lý đối tượng lang thang với ngành LĐ-TB&XH chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH thị xã Kỳ Anh, trong năm qua, thị xã đã thu gom được một số đối tượng là người tàn tật, tâm thần về các trung tâm nuôi dưỡng. Còn đối tượng ăn xin thì giao trách nhiệm cho các đội quản lý đô thị ở 12 phường, xã, nếu phát hiện là báo ngay với phòng để xác định, điều tra danh tính, tìm phương án xử lý. Tuy nhiên, với một địa bàn có các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động, dân số luôn biến động, ngành chức năng rất khó kiểm soát đối tượng lang thang.

Thực tế cho thấy, các giải pháp thực hiện Kế hoạch 248 của UBND tỉnh đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các cấp, ngành để thu gom các đối tượng lang thang được triển khai nhưng thiếu kinh phí thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, các địa phương có người lang thang lại chưa định hướng, hỗ trợ nghề cho họ, nên mục tiêu mà Kế hoạch 248 của UBND tỉnh đề ra khó đi đến đích.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast