Quan tâm việc phòng tránh cận thị cho trẻ em

Thời gian gần đây, nhiều trường học từ thành thị đến nông thôn, số học sinh cận thị không ngừng tăng, nhất là với học sinh các trường điểm như: THPT chuyên Hà Tĩnh, Phan Huy Chú (Thạch Hà), Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh), Hoàng Xuân Hãn (Đức Thọ)...; ước đoán số học sinh phải đeo kính cận có khi chiếm tới 15-25%. Đây là thực tế đáng báo động cho các bậc phụ huynh học sinh.

Gia đình anh Nguyễn Minh Hoà (TP Hà Tĩnh), chị Phan Thị Giang (Can Lộc) và nhiều gia đình khác có 2 con đang học phổ thông thì cả 2 cháu đều bị cận thị. Quả là một số lượng không nhỏ vì những ai đã từng là học sinh cách đây vài ba chục năm về trước số học sinh phải đeo kính cận chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tưởng rằng chỉ có học sinh các lớp trên, ở một số trường trọng điểm mới bị cận thị, nhưng không phải. Mới đây, khi đến trường Tiểu học thị trấn Hương Khê, vào thăm lớp 5, đã thấy có đến 3 học sinh bị cận thị. Rõ ràng, cận thị là một căn bệnh học đường khá phổ biến hiện nay cần được quan tâm phòng tránh.

Nhân viên hiệu thuốc Ngọc Thành (TP Hà Tĩnh) kiểm tra thị lực cho trẻ em
Nhân viên hiệu thuốc Ngọc Thành (TP Hà Tĩnh) kiểm tra thị lực cho trẻ em

Qua tìm hiểu, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Cận thị là một bệnh của mắt chỉ nhìn được vật ở gần mà không nhìn được vật ở xa do độ hội tụ của mắt tăng quá mức bình thường. Bệnh này thường mắc khi còn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Nguyên nhân phần lớn là do không duy trì thường xuyên khoảng cách từ mắt vào sách vở, song cũng còn yếu tố di truyền hoặc sau khi mắc một số bệnh truyền nhiễm. Những điều bất lợi tạo thêm cho mắc bệnh cận thị là tình trạng trường lớp thiếu ánh sáng, bàn ghế không đúng kích thước, bắt buộc phải nhìn gần, do đó mắt phải điều tiết và lồi dần ra, cho đến giai đoạn không hồi phục khoảng tiêu cự nữa thì mắc bệnh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa về mắt, để phòng tránh bệnh này, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn tư thế ngồi học ngay ngắn, khoảng cách từ mắt tới sách vở phải bảo đảm độ xa từ 30 - 40cm, không nằm sấp để đọc và viết; bàn ghế bảo đảm đúng kích cỡ, không để các em phải gò bó về tư thế ở lớp cũng như ở nhà; ánh sáng đóng vai trò quan trọng nên phải đủ và không được sấp bóng (nghĩa là không để đầu hoặc tay phải che mất phần ánh sáng).

Các gia đình nên có chiếc đèn chụp bóng tròn dành riêng cho việc học tập của con cái. Điều đáng nói là hiện nay ở nông thôn, nhà thì rộng mà chỉ có một đèn thắp sáng, lại mắc rất cao, ánh sáng chỉ lờ mờ, dùng vào việc học tập là không đủ ánh sáng.

Các thầy thuốc cũng khuyên các bậc cha mẹ không nên để cho trẻ quá ham mê việc đọc truyện với những chữ in quá nhỏ và mờ, hạn chế xem tivi và phải duy trì độ xa ít nhất là 3m. Đối với nhà trường, các thầy, cô giáo nên viết chữ to, rõ ràng trên bảng sẫm màu để các em ngồi ở bàn cuối nhìn được rõ chữ. Để phát hiện sớm và khắc phục kịp thời, hàng năm nhà trường nên tổ chức kiểm tra định kỳ thị lực, bố trí chỗ ngồi thích hợp cho từng em, ngăn chặn sự phát triển nhanh của bệnh. Trường hợp học sinh đã bị cận thị, nên nhắc các em phải đeo đúng số kính theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa mắt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast