Rác thải nông thôn (bài 1): Từ “điểm nóng” Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê, mỗi ngày, toàn huyện Nghi Xuân thải ra gần 100 tấn chất thải rắn nhưng chỉ 1/3 trong số đó được thu gom và xử lý. Thực trạng rác thải “bao vây” dân cư từ nông thôn đến đô thị đang làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết…

Dân chặn đường xe chở rác

Tháng 12/2014, trước chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư công tác thu gom và xử lý rác thải, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân tiếp quản bãi rác tập trung của huyện tại xã Xuân Thành. Theo đó, công ty chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của 13/17 xã, thị trấn trên địa bàn Nghi Xuân đến bãi rác tập trung và xử lý chôn lấp. Để đáp ứng nhu cầu công việc, công ty đã đầu tư các loại xe chuyên dụng phục vụ công tác thu gom và vận chuyển một cách chuyên nghiệp nhất. Chưa kịp ổn định, sự cố đã xảy ra khi bà con sống gần khu vực bãi rác Xuân Thành xuống đường biểu tình, không cho xe chở rác của công ty vào bãi xử lý...

Người dân Xuân Thành nhiều lần chặn xe của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân vì bãi rác quá đầy, môi trường xung quanh bị ô nhiễm trầm trọng.

Người dân Xuân Thành nhiều lần chặn xe của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân vì bãi rác quá đầy, môi trường xung quanh bị ô nhiễm trầm trọng.

Ông Hoàng Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi thu gom 42 m3 rác, phải chở 7 xe mới đảm bảo không có rác ứ đọng tại các bãi tập kết và khu vực dân cư. Ngặt nỗi, cả tháng nay, cứ hễ xe rác về là bà con chặn không cho vào nên có khi cả ngày “vật lộn” cũng chỉ đưa được một chuyến vào bãi chôn lấp”.

Điện thoại của vị giám đốc nóng ran, chốc chốc lại có cuộc gọi báo bà con vùng lân cận bãi rác Xuân Thành gây “khó dễ”. Liên lạc, vận dụng tất thảy các mối quan hệ từ người thân đến chính quyền nhưng không mang lại kết quả, ông phải đích thân xuống tận nơi. “Khổ lắm anh chị ạ, có hôm cánh lái xe của công ty phải giả vờ xe hỏng thì bà con mới chịu buông tha. Tiến độ vận chuyển bị kéo chậm nên rác ứ đọng khắp nơi” - Giám đốc Hải buồn bã.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là bãi rác Xuân Thành ban đầu quy hoạch cho khu du lịch Xuân Thành và các vùng lân cận (thị trấn Nghi Xuân, Xuân Thành, Xuân Viên, Xuân Phổ), tuy nhiên, trên thực tế thì những địa phương còn lại chưa đầu tư được hạ tầng cho khu vực tập kết và chất thải rắn. Tất cả đều đổ dồn về một bãi chôn lấp duy nhất tại xã Xuân Thành. Trong khi đó, bãi rác này đã đạt công suất chứa 2/3 thể tích, đến cuối năm nay, bãi chôn lấp này cũng sẽ đầy.

Chờ đợi phê duyệt mô hình lò đốt rác

Suốt tuyến đường 22/12, quốc lộ 1A, tuyến đê biển, đê sông đến các điểm công cộng, đâu đâu cũng bắt gặp những túi, bao tải rác vứt la liệt, chất thành đống bên vệ đường. Kinh hãi nhất là tại các bãi tập kết tạm của các địa phương, người ta không thể đứng lại dù chỉ vài phút vì mùi xú uế, ruồi nhặng. Trên địa bàn huyện Nghi Xuân, 15/19 xã, thị trấn đã có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thu gom chất thải rắn, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2007.

Rác tập kết không kịp thời xử lý càng tăng thêm ô nhiễm môi trường

Rác tập kết không kịp thời xử lý càng tăng thêm ô nhiễm môi trường

Tuy nhiên, thu không đủ bù chi, số hộ dân đóng phí chỉ chiếm 1/3 so với số hộ quy định, vốn cứ thế “cụt” dần. Trong khi đó, cơ sở vật chất thiếu thốn và chưa nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương nên nhiều HTX đành “ngậm ngùi” giải thể hoặc chuyển sang tổ thu gom hoạt động cầm chừng. Ông Ngụy Khắc Phúc - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho biết: “Trước đây, mỗi chuyến xe thuê vận chuyển rác từ điểm tập kết đến bãi rác Xuân Thành mất 300 - 400 nghìn đồng. Nếu muốn giải phóng hết rác thải thì mỗi tháng đều đặn phải vài chục chuyến”. Kinh phí HTX không kham nổi nên chuyển sang bàn giao cho Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân. Tuy nhiên, từ khi bãi rác Xuân?Thành quá tải thì đành tập kết tại bãi trung chuyển của xã, một phần thì cho tự đốt.

Với dân số trên 1 vạn người, huyện Nghi Xuân - cửa ngõ phía Bắc của tỉnh đang là một trong những trung tâm phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ và du lịch. Chưa kể đến việc bãi rác tập trung duy nhất của huyện được đầu tư đảm bảo quy trình không còn đủ sức chứa thì việc chôn lấp sẽ không còn phù hợp với sự phát triển chung, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí đất đai.

Trước tình hình này, huyện đã chủ trương xây dựng 4 điểm xử lý rác bằng công nghệ lò đốt. Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Sau khi tham quan một số mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ LOSHIO tại Nam Định do Sở Tài Nguyên & Môi trường tổ chức, huyện đã tạo điều kiện cho đơn vị đầu tư lò xử lý phù hợp hoàn tất thủ tục để khi tỉnh có quyết định chúng tôi có thể triển khai ngay”.

Tuy nhiên, được biết, công văn mới nhất của UBND tỉnh gửi Sở Tài Nguyên & Môi trường và các đơn vị liên quan vào ngày 31/3 vừa qua cũng chỉ dừng lại ở chấp thuận chủ trương cho phép nhập thiết bị lò đốt LOSHIO. Các bước đi tiếp theo về rà soát, đánh giá thực trạng để có quyết định cụ thể nếu không được triển khai khẩn trương sẽ khiến nỗi bức xúc về rác thải ngày càng gia tăng.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast