Rác thải nông thôn - Bài toán chưa có lời giải!

Việc thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn lâu nay vẫn được nói nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và, khi các cơ quan chức năng đang loay hoay tìm ra lời giải cho bài toán khó này thì rác thải nông thôn vẫn đang đặt ra những thách thức lớn cho toàn xã hội.

Rác từ nhà ra đồng

Rác ở nông thôn không nhiều nhưng của cả làng, cả xã gộp lại thì đó là một gành nặng khá lớn cho vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng quê. Mặc dù quỹ đất rộng nhưng phần lớn lại không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của mình.

Rác thải được người dân đổ ra lề đường QL 1A tại huyện Cẩm Xuyên

Rác thải được người dân đổ ra lề đường QL 1A tại huyện Cẩm Xuyên

Chị Nguyễn Thị Mai (Khánh Lộc – Can Lộc) cho biết: “Vì không có hướng dẫn, quy định cụ thể về xử lý rác thải của địa phương do vậy rác thải nhà nào, nhà ấy tự xử lý theo cách riêng của mình. Nhà tôi thường xử lý rác bằng cách đốt, đào hố chôn. Tuy nhiên, ở đây không ít nhà vẫn vứt rác ra đồng, hoặc con kênh ngay trước nhà. Không đổ ra sông không lẽ lại đổ vào vườn nhà mình! Nhà nọ thấy nhà kia vứt được thì mình cũng tham gia và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp xóm. Mỗi ngày tích tụ một ít cho đến khi số rác thải đó bốc mùi.”

Vậy là cánh đồng, con kênh dẫn nước bỗng nhiên phải ghánh thêm một nhiệm vụ nữa, đó là làm bãi đổ rác. Mà cũng không chỉ có rác thải sinh hoạt, tất cả bao bì của đủ các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ cũng được những người nông dân này “hồn nhiên” vứt tại chân ruộng, bờ kênh. Tất cả các loại rác thải đều được tống xuống kênh và trôi theo dòng nước. Tất cả các loại rác, từ rác hữu cơ đến các loại rác khó phân hủy khác đều được cho vào bao tải rồi cho ra kênh.

Một nơi tập kết khá nhiều rác của các vùng quê đó là các khu chợ làng. Hầu hết các chợ ở nông thôn đều là chợ tạm bởi vậy rất ít chợ có thể xây dựng được hố rác cho mình. Thế nên người dân đành phải đào hố rác tạm bợ và xử lý rác bằng cácg đốt. Mỗi khi ban quản lý chợ đốt rác thì cư dân quanh chợ chỉ còn nước đóng chặt cửa, cố thủ trong nhà vì sản phẩm của hàng trăm thứ cháy khét bốc mùi.

Thay đổi ý thức người nông dân

Hiện rất ít vùng nông thôn có thể tự xây dựng được bãi rác riêng cho mình. Nhưng khi đã có bãi rác thì việc thay đổi thói quen đổ rác bừa bãi của những người nông dân này cũng không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Nhiều địa phương đã đưa vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa nhưng hình như khi xét duyệt thì lại quên mất tiêu chí này. Vả lại khi người dân đi dổ rác thì chính quyền cũng không thể biết được họ đi lúc nào, nếu biết được cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở chứ cũng không thể phạt họ được.

Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ phương tiện thu gom rác thải cho nông dân

Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ phương tiện thu gom rác thải cho nông dân

Ông Mai Khắc Tám – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (Can Lộc) cho biết: “Phải mất rất năm làm việc cật lực của chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể cơ sở mới mong xây dựng được nếp sống văn hóa cho nhân dân toàn xã. Hiện nay chúng tôi đã đưa vấn đề xử lý rác thải của từng hộ gia đình vào thiết chế văn hóa, nhà nào vi phạm chúng tôi sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm mà sẽ cắt danh hiệu gia đình văn hóa”

Đoàn thanh niên hiện là tổ chức tích cực nhất trong việc xử lý rác thải ở nông thôn. Ngoài việc hỗ trợ, thành lập các tổ thanh niên làm vệ sinh tại nơi cư trú, mới đây nhất Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh còn mở lớp tập huấn các ĐVTN và các hộ nông dân được giới thiệu về quy trình xây dựng chuồng trại, thiết kế mẫu chuồng trại, hố xí, các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau lớp tập huấn này, tổ chức này còn triển khai xây dựng, cải tạo, di dời chuồng trại xây dựng công trình vệ sinh cho 63 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo trong toàn xã Khánh Lộc.

Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo các đội thanh niên tình nguyện xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc hỗ trợ ngày công giúp các hộ dân di dời chuồng trại và xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình. Theo kế hoạch trong năm 2012, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp các sở, ngành, các xã Khánh Lộc (Can Lộc), Phù Việt (Thạch Hà) và Hương Trà (Hương Khê) triển khai xây dựng, cải tạo, di dời chuồng trại và xây dựng các công trình vệ sinh hộ gia đình đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại 300 hộ gia đình, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.

Chính những khó khăn về quy hoạch và sự thiếu ý thức của người dân mà vấn đề rác thải ở nông thôn vẫn chưa đang là một bài toán chưa có lời giải. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng kế hoạch xử lý rác thải là nhiệm vụ hàng đầu của các chính quyền từ cấp xóm đến cấp xã để đảm bảo một không khí trong lành ở các vùng nông thôn hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast