Rác "vây" Xuân Liên!

(Baohatinh.vn) - Do không hạch toán được thu chi, phải bù lỗ liên tục và không nhận được sự đồng hành từ các cấp chính quyền ở Nghi Xuân nên HTX Môi trường Xuân Liên vừa ra đời đã phải giải thể. Hệ lụy, hàng ngàn hộ dân ở đây sống chung với... rác!

Rác ngập làng biển

Làng Cam Lâm (Xuân Liên) có diện tích chưa đầy 0,5 km2 nhưng có gần 1.000 hộ với 3.500 nhân khẩu sinh sống, mật độ dân số đông chính là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiêm môi trường ở đây ngày thêm trầm trọng.

Rác bao vây bãi biển ở Xuân Liên.
Rác bao vây bãi biển ở Xuân Liên.

Thật khó có thể đứng quá một phút trên bờ biển chạy quanh làng bởi vì mùi hôi thối và hình ảnh gớm ghiếc của hàng trăm tấn rác thải. Dọc khoảng 500m bờ biển của thôn đầy rẫy những túi rác đủ loại, xác chết động vật thối rữa, ruồi nhặng bay khắp nơi. Mỗi ngày, người dân vứt ra hàng tấn rác thải, vì không được thu gom, xử lý nên rác từ năm này chất đống sang năm khác. Sau mỗi đợt thủy triều lên, rác lại dồn ứ, tấp thành đống cao dọc bờ biển. Ruồi nhặng, chuột bọ từ các bãi rác len lỏi vào tận mỗi căn nhà, ngõ xóm. Vào mùa hè, nhất là những ngày có gió nồm, những gia đình sống gần biển “ăn không được, ngủ chẳng yên”. Thậm chí, các hộ dân sống cách xa hàng km vẫn ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc từ các bãi rác. Quá bức xúc vì mùi xú uế, một số hộ dân đã đốt các đống rác, song càng đốt, mùi khét lẹt bốc lên khiến không khí càng khó chịu hơn.

Thôn Lâm Hoa là địa bàn phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Theo ông Trần Xuân Biệc - Trưởng ban đại diện làng Cam Lâm, rác không những chất thành đống ở bờ biển mà ngay tại nghĩa địa của làng, rác cũng bủa vây. “Rác không buông tha người chết, rác nằm lăn lóc trên từng nấm mộ; biển báo “Cấm đổ rác” vẫn bị rác đè chỏng chơ. Sau nhiều lần kiến nghị, chúng tôi vẫn không nhận được động thái gì từ chính quyền. Cứ đà này, một vài năm nữa, người làng chết cũng không có chỗ chôn” - ông Biệc bức xúc.

Vì sao HTX môi trường tan rã?

Quá bức bách với tình cảnh rác ngập làng, ông Nguyễn Nhạc (thôn Lâm Hoa) đã vận động 8 thành viên khác thành lập tổ thu gom rác và HTX Môi trường. Sau một thời gian ngắn chuẩn bị thủ tục giấy tờ, cuối năm 2008, HTX Môi trường Xuân Liên ra đời trước niềm vui của hàng nghìn hộ dân trong xã. Ngay sau khi HTX đi vào hoạt động, vấn nạn ô nhiễm môi trường tồn tại từ bấy lâu nay đã được giải quyết. Mỗi tuần, các thành viên HTX tổ chức thu gom, vận chuyển rác lên bãi tập kết của huyện để xử lý, với khối lượng hơn 50 tấn/tháng. Vẻ thanh bình vốn có của làng quê được trả lại, niềm vui, sự hứng khởi về cuộc sống mới cũng khiến bà con ngư dân nơi đây hăng say lao động hơn. Tuy nhiên, niềm vui của người dân “ngắn chẳng tày gang”. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, HTX Môi trường Xuân Liên tuyên bố giải thể do không cân đối được thu chi, cổ phần xã viên đóng vào dần dần bị cụt vốn.

Đến nghĩa trang cũng bị rác xâm lấn
Đến nghĩa trang cũng bị rác xâm lấn

“Để đảm bảo hoạt động, HTX Môi trường thu mỗi gia đình trong xã 10 nghìn đồng/tháng (về sau, thu 13 nghìn đồng). Thế nhưng, trong số hơn 900 hộ dân của xã, chỉ có chưa đầy một nửa đóng tiền cho HTX Môi trường. Trong khi mỗi tháng, HTX Môi trường phải đổ gần 20 chuyến rác, mỗi chuyến xe rác phải đóng 100 nghìn đồng, thuê người bốc lên xe mất 50 nghìn đồng/chuyến/ người, nên HTX liên tục thua lỗ. Tính ra, tháng mà HTX Môi trường thu được nhiều nhất thì mỗi xã viên cũng chỉ nhận được 400 nghìn đồng” - ông Nguyễn Nhạc cho hay.

Theo ông Nguyễn Nhạc, sự thờ ơ, thiếu quan tâm của chính quyền địa phương đã gián tiếp gây nên sự tan rã của HTX. Trong mấy năm hoạt động, xã chỉ hỗ trợ HTX 5,4 triệu đồng mua loa máy. HTX có kiến nghị thu thêm phí rác thải đối với các tổ chức xã hội như UBND xã, trạm y tế, trường học… để tăng thêm nguồn thu nhưng không được xã chấp thuận, ngay cả rác ở chợ HTX phải thu gom nhưng không hề thu được phí. Đặc biệt, đối với các hộ không đóng phí xử lý rác thải, xã chưa có hướng giải quyết. Được biết, trong mấy năm hoạt động, HTX Môi trường Xuân Liên cũng không nhận được bất cứ sự động viên nào của huyện Nghi Xuân, mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2010-2015, trong đó, quy định ngân sách huyện trích tối thiểu 50 triệu đồng để hỗ trợ các HTX môi trường.

Đem câu chuyện HTX Môi trường giải thể trao đổi với Chủ tịch UBND xã Xuân Liên - Hoàng Văn Cát, mặc dù ông Cát khẳng định xã luôn ủng hộ, quan tâm HTX Môi trường, nhưng ngay cả việc HTX Môi trường chính thức hoạt động từ năm nào ông chủ tịch cũng không nhớ rõ nói gì đến việc đồng hành, hỗ trợ bà con xã viên. Cũng theo chủ tịch xã Xuân Liên, thời gian tới, xã sẽ vận động tổ chức đoàn hoặc một tổ hợp sản xuất khác đứng ra thu gom rác thải. Song, như cách làm “đem con bỏ chợ” của các cấp chính quyền ở Nghi Xuân đối với HTX Môi trường Xuân Liên, liệu có tổ chức nào dám đứng ra để nhận nhiệm vụ này?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast