"Rốn lũ" hồi sinh!

Những thời khắc khốn khó đã tạm qua và sự hồi sinh đang dần trở lại trên vùng "rốn lũ" Vũ Quang (Hà Tĩnh). Sự nỗ lực, gồng mình của Đảng bộ và nhân dân huyện Vũ Quang trong các trận lũ dữ vừa qua đã được đền đáp.

Đảng cùng dân vượt qua lũ dữ

Nằm về phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, huyện miền núi Vũ Quang được coi là “chảo lửa, túi mưa”. Đời sống của các cộng đồng cư dân xứ núi Vũ Quang vốn đã nghèo càng thêm khốn khó vì quanh năm phải gồng mình chống chọi với thiên tai, lũ lụt. Liên tiếp 2 trận lũ lớn vừa qua đã gây thiệt hại rất nặng nề về tài sản của nhà nước và nhân dân Vũ Quang.

Vết hằn lũ dữ
Vết hằn lũ dữ

Sau khi nước rút, Vũ Quang đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung các nguồn lực giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý vệ sinh môi trường, sửa sang nhà cửa cho nhân dân; hỗ trợ gạo cứu đói cho hộ khó khăn, đảm bảo không để dân bị đói, bị rét, thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu nước sinh hoạt, không để dịch bệnh bùng phát; tổ chức tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân một cách kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Đồng thời, huyện tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của các lực lượng, huy động toàn dân ra quân khôi phục hệ thống giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, điện, nước sạch... nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Nhờ sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân và sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái khắp mọi miền tổ quốc, sau cơn đại hồng thuỷ, đời sống của đồng bào vùng lũ huyện Vũ Quang từng bước ổn định.

Còn đó những trăn trở...

Vũ Quang có 8/12 xã thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa bão. Dù đã có sự chủ động nhưng thiệt hại do lũ lụt gây ra là rất lớn. Đặc biệt, trận "lũ chồng" vừa qua để lại hậu quả nặng nề cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện miền núi Vũ Quang. Hàng trăm ha ngô, rau đậu các loại hư hỏng, hơn một nghìn tấn nông sản các loại trôi, hàng trăm nghìn khối đất đá của hệ thống giao thông, thủy lợi sạt lở với tổng thiệt hại ước tính khoảng 538 tỷ đồng. Những ngày qua, cùng với sự giúp đỡ của T.Ư, đồng bào cả nước, chính quyền và nhân dân Vũ Quang đang tập trung ổn định đời sống an sinh xã hội, dốc sức khôi phục sản xuất để chống đói. Đặc biệt, những chuyến hàng cứu trợ đến với Vũ Quang từ khắp mọi miền của Tổ quốc là nguồn động viên vô cùng quý giá sưởi ấm lòng người dân vùng lũ.

Những tấm lòng nhân ái đến với đồng bào vũng lũ

Những tấm lòng nhân ái đến với đồng bào vũng lũ

Tuy nhiên, Vũ Quang vẫn còn nhiều trăn trở do hạ tầng còn thiếu thốn, tạm bợ; thu nhập của dân vùng lũ hiện còn thấp (8,2 triệu đồng người/năm) nên phần đông không có điều kiện làm nhà kiên cố. Ðợt lũ lịch sử vừa qua khiến nhiều gia đình bị mất hết lương thực, thực phẩm, tài sản. Một số vùng dân sinh sống gần bờ sông chưa thể di dời vì còn khó khăn về kinh phí. Vũ Quang đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời của trung ương và của tỉnh để địa phương có đủ nguồn lực triển khai nâng cấp cở sở hạ tầng, kiên cố hoá các công trình phúc lợi; đầu tư xây dựng dự án sống chung với lũ cho 8 xã vùng ngập lụt đủ điều kiện ứng phó được với lũ.

Bí thư huyện ủy Nguyễn Thanh Sơn cho biết, thời gian tới, để chủ động hơn trong công tác PCLB, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ gây ra thì cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, huyện tiếp tục ưu tiên đầu tư, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống, ứng cứu như: phao bơi, thuyền máy, xây dựng nhà chống lũ có quy mô lớn ở các thôn, xóm. Đó là giải pháp hữu hiệu giúp đồng bào vùng lũ huyện Vũ Quang hạn chế thiệt hại thiên tai, ổn định cuộc sống để phát triển bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast