“Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên”

Đó là chủ đề mà Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã chọn để kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, cũng nhằm hưởng ứng Năm quốc tế về Rừng. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống và hệ sinh thái, đồng thời đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng và suy thoái rừng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chủ yếu do hoạt động của con người gây ra.

Rừng che phủ một phần ba diện tích lục địa, thực hiện nhiều chức năng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự sống trên hành tinh. Hiện nay, sinh kế của 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng bởi nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra.

Rừng cũng tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán…

Độ che phủ rừng của Hà Tĩnh ngày càng tăng lên...
Độ che phủ rừng của Hà Tĩnh ngày càng tăng lên...

Tầm quan trọng của rừng còn thể hiện ở chỗ, rừng là hệ sinh thái có giá trị đa dạng lớn nhất và là nơi sinh sống của hơn một nửa các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn. Rừng đồng thời cung cấp nơi ở, việc làm, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan đến những cộng đồng định cư trong khu vực rừng. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, là yếu tố quyết định sự sống còn của hơn bảy tỷ dân trên hành tinh.

Những giá trị của rừng đối với cuộc sống là rất lớn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi ích vô giá của rừng về KT-XH, sinh thái và sức khỏe, con người vẫn tàn phá nhiều khu rừng cần cho cuộc sống và hơi thở của chúng ta. Nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đa dạng sinh học đang bị suy giảm trầm trọng.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của rừng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng ở Hà Tĩnh đã tập trung cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác có hiệu quả tiềm năng rừng.

Mấy năm gần đây, trung bình mỗi năm có 7.000 - 8.000 ha rừng được trồng mới và phục hồi nhờ khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh. Thông qua chủ trương giao đất khoán rừng, đã có hơn 90 ngàn ha rừng trồng được giao cho hơn 20 ngàn hộ dân quản lý, bảo vệ và khai thác tận dụng sản phẩm trung gian từ rừng.

Phong trào trồng cây được nhân dân tiếp tục phát triển rộng khắp từ hệ thống trường học, cơ quan công sở đến các đơn vị vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội với khoảng 8 - 10 triệu cây phân tán mỗi năm. Nhờ đó, độ che phủ rừng hàng năm của Hà Tĩnh không ngừng tăng lên (từ 34% của năm 1995 lên gần 53% vào năm 2011).

Song song với phát triển rừng, công tác bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc. Việc khai thác, trồng mới, chăm sóc, cải tạo rừng được giám sát chặt chẽ, đúng quy hoạch, kế hoạch, phương án điều chế và các quy định của Nhà nước. Nhờ tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, kết hợp với thực hiện tốt “4 tại chỗ”, tình trạng cháy rừng đã được kiềm chế giảm thiểu. Công tác thanh tra, kiểm tra thừa hành pháp luật đã phát hiện xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, tịch thu hàng chục ngàn m3 gỗ các loại…

... song, cuộc chiến bảo vệ rừng vẫn còn nhiều cam go, thử thách
... song, cuộc chiến bảo vệ rừng vẫn còn nhiều cam go, thử thách

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục đảng viên, đoàn viên, hội viên, CB-CNV và cộng đồng chấp hành tốt Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21-1-2009 của Ban Bí thư T.W Đảng về “Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.

Cùng đó là lồng ghép hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền, phổ biến tận các thôn, xóm và mọi người dân về nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái rừng… và những lợi ích mà rừng mang lại; hướng nhân dân tự giác hạn chế sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu, đồng thời tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, trồng rừng, PCCCR, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã…

Nhân ngày Môi trường thế giới 5 - 6, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các ban, ngành, địa phương, đơn vị cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển rừng, đồng thời nhắc nhở, phê phán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các ban, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức mít tinh và các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 2011 và Năm quốc tế về rừng 2011. Ra quân làm vệ sinh phát quang đường làng, ngõ xóm trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông cống rãnh, sửa chữa xây mới các công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải rắn trong mỗi doanh nghiệp, khu dân cư và từng hộ gia đình, trồng cây phủ xanh những khu vực công cộng, đất trống, đồi trọc… Treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề Ngày Môi trường thế giới và Ngày quốc tế Đa dạng sinh học nơi công cộng, các đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở mọi người cùng hành động bảo vệ môi trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast