“ Sa tặc” tung hoành trên sông La

Những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý đã khiến “cuộc chiến” chống “sa tặc” trên sông La rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”. Không thể nói là các ngành chức năng không quyết liệt trong việc xử lý vấn nạn này, tuy nhiên mọi nỗ lực mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết phần ngọn, còn phần gốc sâu xa hơn hiện vẫn bế tắc

Phóng sự điều tra: Hoài Nam-Thăng Long

Dòng sông La đang bị bức tử
Dòng sông La đang bị bức tử

I. "Sa tặc" và những hệ lụy

Trên sông La vẫn chưa có sự cố về trôi dạt và tàu thuyền bị chìm nhưng dù lạc quan, không mấy người tin rằng an toàn trên sông La đã đảm bảo ở mức tuyệt đối khi sóng ngầm vẫn diễn ra ở đáy sông do nạn khai thác cát tràn lan. Đời sống của hàng chục vạn dân sống dọc theo tuyến đê La Giang và nhiều công trình trọng điểm đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng…

Tận diệt sông La

8 giờ sáng ngày 9-7, có mặt tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Đức Vĩnh và Đức Quang chúng tôi không khỏi bàng hoàng vì tình trạng khai thác cát trắng trợn tại khu vực này. Ngay giữa lòng sông, hàng chục chiếc xà lan và thuyền nhỏ đang sục những chiếc ống như vòi bạch tuộc cắm sâu vào lòng sông hút cát. Bên bờ tả sông La cũng có khoảng gần chục chiếc đang chọc những ống hút xuống dòng sông. Cả một khúc sông ầm ầm tiếng máy như một đại công trường. Cát từ những chiếc “vòi rồng” tuôn xối xả vào thân xà lan, thuyền trông đến nhức mắt. Dòng sông này đang oằn mình đớn đau khi bị những chiếc vòi bạch tuộc “rút ruột”. Cả một khúc sông đục ngầu dòng nước. Sông La “khóc ra máu".

Chừng 2 tiếng đồng hồ, 3 chiếc xà lan có tải trọng gần 100 tấn đã đầy ắp. Mớn nước dật dờ như chuẩn bị chìm. Từng chiếc xà lan đấy ắp “da thịt” sông La nặng nề trôi. Cùng lúc đó, những thuyền nhỏ hơn (tải trọng chừng 20-30 tấn) ngược xuôi tìm điểm dừng chân hút cát. “Sa tắc” thi nhau tận diệt sông La.

Xót xa trước cảnh tượng này, anh Hữu - một công nhân đang thi công kè phía bờ hữu sông La chua chát: Liệu bờ kè 2 bên mà chúng tôi đang thực hiện với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng có ý nghĩa gì không khi mà lòng sông đang “thủng đáy”. Hướng cặp mắt xa xót nhìn ra giữa sông, hình như các thao tác cho công việc kè bờ của những người công nhân trở nên chậm rãi hơn. Không rạch ròi thành 2 chiến tuyến nhưng chúng tôi biết rằng, nhiệm vụ bảo vệ dòng sông của “những người trên bờ” và việc phá hoại long sông La của “sa tặc” đang là một cuộc chiến không cân sức. Không phân định thắng – thua nhưng được - mất thì quá rõ ràng khi mà việc đầu tư hàng chục tỷ đồng để da cố bờ sông La nhiều khi trở nên mong manh trước sự tàn phá của những chiếc tàu hút cát. Và, với hiện tượng khai thác cát trái phép, không tuân thủ bất kỳ một quy trình kỷ thuật nào đã dẫn đến biết bao hệ luy.

Hệ luỵ

Hiện tượng sạt lở đất cứ “đến hẹn lại lên” và chẳng theo một quy luật nào đã khiến nhiều hộ dân lo âu thấp thỏm. Đê La Giang là “tấm khiên” có nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 20 vạn dân, 35.000 ha đất canh tác và nhiều cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng quốc gia và quốc tế là trọng điểm số 1 trong chiến lược phòng chống lũ lụt của Hà Tĩnh. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, những nhà khoa học, các vị chức trách đã kịp nhận ra giá trị, tầm quan trọng của nó và đã bắt tay xây dựng tuyến đê này. Nhờ có Đê La Giang, một dãi đất màu mỡ dọc dòng sông La trở thành đất canh tác, cho những mùa vàng bội thu của người dân Đức Thọ. Cũng từ đó, bao làng, xóm trù phú mọc lên và bám lấy dọc sông La. Hàng năm con đê đã “ngốn” khá nhiều ngân sách của tỉnh. Đỉnh điểm của nguồn chi phí nâng cấp là vào ngày 17-12-2009, tỉnh Hà Tĩnh tiến hành triển khai khởi công dự án nâng cấp tuyến đê đã lên đến 967 tỷ đồng.

Bờ hữu sông La với chiều dài hơn 19 km đi qua nhiều vùng địa chất bất lợi mà chủ yếu cát có độ thấm cao, tạo những bãi sủi như ở Tùng Ảnh, Yên Hồ, thị trấn Đức Thọ và vùng nên đất sét mềm yếu nên tình trạng nứt gãy, sụt lún vẫn thường xuyên xảy ra. Cùng với nó, nạn khai thác cát bừa bãi, những chiếc vòi rồng tàn nhẫn “rút ruột” sông La khiến chân đê bị hổng, đê La Giang nhiều khi chông chênh như đứng trên “nạng gỗ”. Cũng vì thế, vào mùa mưa lũ, có nhiều đoạn thân đê bị “kiệt sức” và sông La đã xâm lấn hàng chục mét đất bên bờ, cuốn trôi hang trăm ha hoa màu. Riêng năm 2011 sông La tiếp tục bị khoét sâu vào đất liền hàng chục điểm trên tổng chiều dài hơn 1km tại xã Trường Sơn. Anh Lê Xuân Hội ở thôn Ninh Thái bàng hoàng nhớ lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên xảy ra vào năm 2011: “Đêm đó, cả gia đình đang ngủ bỗng “oạp. rào” và những cơn dư chấn. Sáng ra nhìn về phía bờ sông, “hà bá” đã “nuốt” chửng cái cổng và một đoạn tường rào. Nhìn khoảnh đất liền ngập sâu trong dòng nước đục, sống lưng tôi ớn lạnh”.

Cát “lậu” từ sông La về xuôi.
Cát “lậu” từ sông La về xuôi.

Cũng vì nỗi ám ảnh này, những năm 2002 trở về trước dân số xã Đức Quang giảm từ 4.000 xuống chỉ còn 2.000 người. Nguyên nhân được xác định là người dân bất lực vì lo sợ tính mạng khó bảo toàn bởi tình trạng xâm thực của sông La.

Nhằm giúp đê La Giang tránh “hụt chân”, trong khoảng gần 10 năm qua chính quyền địa phương đã đầu tư xây kè tránh sự “lấn chiếm” của thuỷ thần. Trong đó, đáng chú ý là hệ thông kè dài hơn 5 km tại 2 xã giáp ranh là Đức Vĩnh và Đức Quang ( km 3+km4 được đầu tư với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Kể từ khi kè được xây dựng nhiều hộ dân mới an tâm “bám đất giữ làng” để mưu sinh. Nhưng những năm gần đây tâm trạng hoang mang lo lắng lại bao trùm khắp toàn xã bởi nạn khai thác cát tràn lan. “Đức Quang là khu vực thường xuyên diễn ra nạn khai thác rầm rộ, cá biệt có ngày lên đến gần 30 thuyền máy và xà lan các loại, vì vậy “tuổi thọ” của hệ thống kè chắc chắn bị rút ngắn” - Chủ tịch UBND xã Đức Quang Chu Đình Lưu nói sau tiếng thở dài.

“Hàng ngày có khoảng 2.000m3 cát bị “móc” khỏi long sông đã khiến dòng chảy bị biến dạng, là ẩn họa nguy hiểm đối với các phương tiện tàu thuyền lưu thông. Cho đến nay, dù chưa xảy ra tình trạng trôi dạt và tàu thuyền bị đắm nhưng dù tự tin đến mấy cũng không ai nghĩ rằng an toàn trên sông La là tuyệt đối” - Phó Giám đốc Công ty CPXDCTGT( đơn vị đảm bảo an toàn giao thông tuyến sông La) Mai Đình Hồng lo ngại cho biết.

Sông La vốn là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh. Dòng sông thơ mộng này đã đi vào thi, ca, nhạc, họa dân gian. Từ thượng nguồn chảy về sông La, bến Tam Soa còn là nơi hội tụ của đôi dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Dòng chảy chở nặng phù sa ấy quyện vào trong cát, trong nước được chắt chiu từ lòng đất, quê hương, từ mưa nguồn nắng hạ nên Hến của sông La ngon đến lạ. Hương vị ấy đã thấm sâu để nhớ trong lòng người ở, người đi. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức nói một cách nuối tiếc “Đặc sản thiên nhiên ban tặng, Hến là nét riêng không lẫn vào đâu với bất cứ miền quê nào. Đặc sản này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn khai thác cát tràn lan”

Bao giờ sông La lại trở về với chính mình: hiền lành và thơ mộng? Điều mong ước này có lẻ chỉ nằm lại trong ký ức mà thôi!

II. Gian nan cuộc chiến chống sa tặc

Hàng chục chiếc thuyền và xà lan máy nổ rền thi nhau “rút ruột” từ lòng sông khi con nước lên. Thấy bóng dáng lực lượng chức năng tiến lại, lập tức những chủ phương tiện thu ống hút rồi tăng tốc bỏ chạy, để lại làn nước đục ngầu trong sự bất lực của những người truy đuổi. Đó là tất cả những gì diễn ra cả ngày lẫn đêm trên khúc sông dài 13km từ xã Đức Vĩnh đến xã Tùng Ảnh( Đức Thọ).

Cuộc chiến không cân sức

Xã Đức Quang là nơi có khối lượng tàu thuyền và xà lan hoạt động rầm rộ nhất. Tưởng rằng xã được thiên nhiên ban tặng cho loại cát da mịn màng hóa ra đó lại là miếng mồi hấp dẫn gia tăng nạn “sa tặc”. Hàng ngày có không dưới 30 thuyền và xà lan thi nhau “móc ruột” lòng sông. Mỗi lần phát hiện ra có sự xuất hiện tàu thuyền vào khu vực, xã lại huy động một lực lượng hùng hậu và đông đảo. Tuy nhiên, nếu so với sự hung hãn của đội quân “sa tặc” thiện chiến thì lực lượng của xã chẳng thấm tháp gì. Trong một cuộc chiến không cân sức xảy ra trong tháng 3 năm nay, 3 công viên thi hành công vụ lại trở thành “nạn nhân” khi bị chính những người khai thác trái phép bắt giữ làm con tin và đưa về nhốt làm “ tù binh” tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ an). Chỉ đến khi loa phát thanh của xã ra rả thông điệp thả người vô điều kiện, bấy giờ những công an viên này mới được trả tự do. Dù không bị hành hạ và bị đánh đập nhưng ý chí chiến đấu bảo vệ sông La – cũng là bảo vệ cho làng mạc, đất đai của lực lượng chức năng phần nào lung lay.

Nhếch nhác dưới chân cầu Linh Cảm
Nhếch nhác dưới chân cầu Linh Cảm

Trên địa bàn huyện Đức Thọ, chỉ có Đức Quang có 4 chiếc xuồng gắn máy đủ công suất truy đuổi mỗi khi có thuyền và xà lan xuất hiện mà cũng không thể phát huy hết hiệu quả. Những xã còn lại, trừ Đức La có một chiếc còn lại hầu hết chỉ dùng thuyền nan nhỏ bé với không nhiều người có trách nhiệm tham gia nên công tác chống “sa tặc” lại càng trở nên mong manh hơn. Mỗi lần thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, chủ thuyền và xà lan lập tức thu ống hút rồi tăng tốc, để lại dưới sông dòng nước đục ngầu trong nỗi bất lực của người tham gia truy đuổi. Vì vậy, mỗi khi thấy xuất hiện xà lan và thuyền vào hút cát, các xã đã thông báo với công an huyện để tổ chức truy bắt.

Cắt phần ngọn

“Phương tiện khai thác trái phép ngày càng được đầu tư công suất lớn nên rất khó kiểm soát, đẩy đuổi và truy bắt. Truy quét là việc của công an, nhưng mỗi khi chúng tôi quay lưng thì mọi việc lại đâu vào đó như chưa hề xảy ra chuyện gì. Ngày còn đỡ chứ đêm xuống, “sa tặc’ từ trong bóng tối nhìn ra ánh sáng còn chúng tôi thì ngược lại” - Trưởng Công an huyện Đức Thọ Nguyễn Xuân Chính mở đầu câu chuyện về nạn khai thác cát trái phép một cách đầy lo lắng. Cũng theo lời ông Chính thì cuộc chiến chống “sa tặc” trong những năm gần đây ngày càng có nhiều hành động chống đối một cách quyết liệt. Trong một lần vây bắt một thuyền khai thác cát “lậu” vào ban đêm, một công an viên xã Liên Minh đã bị các đối tượng hung hãn “ném” xuống sông. “Lần ấy may nhờ “màu áo” của lực lượng công an huyện mới khóng chế và bắt giữ được một số tàu thuyền vi phạm chứ nếu cứ hoạt động đơn lẻ thì hậu quả xảy ra không biết đường nào mà lần” Đội phó Đội CSGT công an huyện Đức Thọ Nguyễn Văn Định tiếp lời.

Sông La là nơi được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên khá dồi dào và phong phú: cát đẹp. Cũng chính vì thế mà không chỉ “sa tặc” trong tỉnh mà các các địa bàn khác như : Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương ( Nghệ An) vào tranh nhau xâu xé. Tình trạng giành giật địa điểm “đục khoét” đã gây ra nhiều cuộc hỗn chiến trên sông. Khó khăn nhất là: “ Phần lớn tác thuyền và xà lan có tải trọng lớn đều từ Nghệ An vào. Những phương tiện này thường chọn địa bàn giáp ranh và ngã 3 sông để khai thác. Mỗi khi phát hiện thấy lực lượng chức năng chúng thu vội ống hút rồi chuyển hướng. Ra khỏi địa bàn quản lý chúng tôi rất khó khống chế và bắt giũ” Trưởng Công an huyện Đức Thọ phân tích.

Với nỗ lực của các cơ quan chức năng, năm 2011 Công an huyện Đức Thọ đã bắt giữ 136 trường hợp vi phạm với tổng số tiền lên đến 640 triệu đồng. 6 tháng đầu năm đến nay đã phát hiện và bắt giữ 55 vụ vi phạm, phạt 260 triệu đồng; tịch thu 10 ống hút. Tuy nhiên, đấy chỉ là “cắt phần ngọn”, để giải quyết tận gốc của vấn đề, cần nhiều lắm những giải pháp. Một trong số đó là làm thế nào để giải quyết tình trạng xuất hiện nhiều bến bãi tập kết trái phép dọc theo bờ sông La. Những bãi tập kết này là “đầu ra” cho cát khai thác trái phép và vì thế, cuộc chiến chống “ sa tặc” ngày càng lâm vào bế tắc.

III. Loạn bãi cát - sa tặc gia tăng

Cát sông La đi về đâu?. Ngoại trừ một số lượng cát tập kết về Nghệ An và các huyện khác trong tỉnh thì hầu hết được tiêu thụ tại Đức Thọ. “Cung- cầu gắn với nhau như một quy luật tất yếu, để giải quyết “đầu ra” nhiều địa phương đã “vô tình” “vẽ đườngcho hươu chạy”. Trong số 11 bãi cát trên tuyến sông chỉ duy nhất một bến bãi được cấp phép.

Hợp đồng hết hiệu lực vẫn thu tiền…

Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đức Thọ Thái Sơn Vinh nhấn mạnh : “trên tuyến sông này có 11 bãi tập kết mua bán cát. Tuy nhiên duy nhất 1 mỏ khai thác và mua bán cát ở xã Đức Hòa của doanh nghiệp Công Tiến là có giấy phép hoạt động hợp pháp”. Đây chính là “ đầu ra” tạo nên những cơn “sốt” gia tăng nạn....sa tặc. Sông La lại trở thành “nạn nhân’ từ sự hủy diệt của con người

Những năm trước ngoài cơ sở Công Tiến được cấp phép khai thác thì tại khu vực Bãi Soi thôn Hà Châu ( Tùng Ảnh) còn có mỏ cát của Công ty Minh Đức và Công ty CN Việt Nam 1 ( trú sở tại thị xã Hồng Lĩnh). Do không đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, tất nhiên mỏ cát tại Bãi Soi đã buộc phải dừng “chân” vào năm 2010. Cũng tại bởi “Lực bất tòng tâm” không có được máy móc trang thiết bị như cơ quan chức năng yêu cầu. Giá như có một đối tác nào hợp tác hẳn nhiên mọi chuyện sẽ khác” Giám đốc Công ty CP Việt Nam 1 Trần Quốc Hương tiếc rẻ nói. Mỏ bị đóng nhưng không có nghĩa là mọi việc đã kết thúc, mà ngày cũng như đêm khu vực này thường xuyên bị các “ sa tặc”… “viếng thăm”. Theo nhiều người dân địa phương thì khi hiện thấy bóng dáng cơ quan chức năng các đối tượng vội vàng thu gọn phương tiện rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường

Sông La đang ngày đêm bị móc ruột
Sông La đang ngày đêm bị móc ruột

Trong số 11 bến cát đang hoạt động có 3 bến tại thị trấn Đức Thọ, 2 bến tại xã Bùi Xá…Tùng Ảnh là địa phương đi “tiên phong” trong việc tạo cơ chế “mở” với 3 bến cát hoạt động. Trong đó chính quyền xã quản lý 2 bến còn lại 1 bến thuộc chủ đất là Công ty TNHH MTV thủy lợi Linh Cảm. Năm 2009, trước thực trạng khai thác cát trái phép tran lan trên sông La, UBND huyện Đức Thọ đã ra văn bản chỉ đạo chính quyền xã giải tán 2 bến cát này, tuy nhiên, “sức nặng” chưa đủ để được lưu tâm, chính quyền xã đã nhiều lần phớt lờ. Mãi đến tháng 5 năm 2012 các văn bản chỉ đạo của huyện mới bắt đầu phát huy được hiệu lực. Kể từ đó, xã mới ngừng việc thu khoản tiền trên dưới 2 triệu đồng/ bến đối với 2 cơ sở trên. Điều khiến nhiều người bất ngờ là Hợp đồng ký kết giữa xã Tùng Ảnh đối với hai bến cát đã hết hiệu lực từ năm 2010 nhưng xã vẫn thu khoản tiền này để…tăng ngân sách cho địa phương

…Loạn bến cát- huyện bó tay

Không phải là ngọn núi như nhiều người từ xa nhầm tưởng, dưới chân cầu Linh Cảm là núi cát khổng lồ qua nhiều năm tích tụ của một bà chủ tên Hạnh. Dù thủ tục chuyển nhượng của bến cát này chưa hoàn tất nhưng mọi hoạt động “xuất- nhập” vẫn diễn ra ngày này qua tháng khác. Nằm ở Tùng Ảnh nhưng chủ đất của bến cát này lại thuộc về Công ty TNHH MTV thủy lợi Linh Cảm. Đối tác của họ làm gì, hoạt động như thế nào?. Không cần biết miễn hàng tháng cứ trả đủ tiền là được. Bởi theo lời khẳng định của Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Linh Cảm Trần Quốc Hùng thì: “ Chúng tôi cho họ thuê đất còn làm gì chẳng phải là vấn đề chúng tôi quan tâm”.

Khuất sau chợ Tùng Ảnh có hai bến cát chuyên thu mua và tiêu thụ cát do ông Phạm Văn Cẩn và Trần Anh Đức làm chủ. Không nhiều, nhưng bến cát của ông Cẩn vẫn có 3 chiếc thuyền mà theo lời ông thì đó là phương tiện để thu mua cát từ Đức Hòa chuyển về. Nói vậy, nhưng nhiều người vẫn cho rằng những phương tiện này vẫn thường xuyên xuất hiện và hút cát tại bãi Soi. Theo tường trình của hai chủ cơ sở này thì bến cát chính là nơi tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động tại địa phương. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu hai cơ sở trên hoạt động hợp pháp với đầy đủ các thủ tục cần thiết. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra, ngày 7-802009 Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện và tiến hành lập biên bản 2 chủ bến cát do: Chưa có hồ sơ kinh doanh bến cát; chưa có hồ sơ về thiết bị PCCC; chưa có bảng niêm yết giá. Cho đến nay tại 2 cơ sở trên vẫn chưa có bàng niêm yết giá và các trang thiết bị. Ông Phạm Văn Cẩn nại ra lý do là “trận bão vừa rồi “thổi” bay nên chưa kịp làm lại.

Lý giải về tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, Phó Chủ tich UBND xã Tùng Ảnh Nguyễn Năng Quế phân trần : “ Khu vực 2 bến thu mua cát nằm trong quy hoạch xây dựng chợ và hơn thế trong quá trình xây dựng chợ nhu cầu sử dụng cát lớn nên chúng tôi cứ… nấn ná. Cho đến nay chợ đã cơ bản hoàn thành và chờ bàn giao để đưa vào sử dụng”. Nấn ná hay cố tình? Câu trả lời chỉ có những người trong cuộc mới biết

Các bến cát hoạt động ở Tùng Ảnh không bị dẹp bỏ đã gây nên phản ứng dây chuyền, nhiều xã khác cũng cố tình làm ngơ cho các bến bài thuộc khu vực mình quản lý. Để rồi hàng tháng lại có thêm một khoản bổ sung ngân sách. Từ năm 2009 đến nay huyện Đức Thọ đã nhiều lần yêu cầu các địa phương dẹp bỏ các bến cát nhưng vẫn chưa thấy bất kỳ mặt bằng sạch nào được trả về nguyên hiện trạng. Theo lời ông phó phòng tài nguyên thì: “ Huyện vẫn còn bế tắc trong việc xử lý và dẹp bỏ các bến cát này”. Cung - cầu có mối liên kết chặt chẽ với nhau nhưng việc dẹp bỏ 10 bến cát được chính quyền địa phương các xã thờ ơ chính là cách “vẽ đường cho hươu chạy”. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi “căn bệnh” nan y: “sa tặc” cho đến nay lại càng trở nên trầm trọng hơn. Sự phối kết hợp của các cơ quan chức năng không đem lại kết quả như mong muốn. Thất vọng hơn là khi chưa có các giải pháp đồng bộ và bền vững mang tầm chiến lược không ai có thể nói rằng cuộc chiến chống “sa tặc” trên sông La sắp đến hồi kết

IV. Còn thiếu một quy hoạch đồng bộ, bền vững

Nhu cầu tiêu thụ cát trên địa bàn toàn tỉnh rất lớn. Ngặt nỗi cả tỉnh chỉ duy nhất một mỏ cát được cấp phép. Giải pháp làm thế nào để khai thác tận thu nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng, đồng thời khơi thông dòng chảy của con sông vẫn không ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm và GQVL cho người lao động hiện đang lâm vào bế tắc do thiếu một tầm nhìn chiến lược.

Sự phối hợp của các cơ quan chức năng: Thiếu đồng bộ

Nếu nói chính quyền các xã và cơ quan chức năng huyện Đức Thọ “đơn phương độc mã” chống chọi với nạn “ sa tặc” là không đúng. Nhưng cũng chẳng sai khi cho rằng sự phối hợp giữa huyện với các cơ quan chức năng khác không đạt hiệu quả như mong đợi, nếu không muốn nói là rất thấp.

Đảm bảo an toàn các công trình trên toàn bộ tuyến sông La- trách nhiệm thuộc về: Công ty CPXDCTGT, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy. Tuy nhiên hoạt động của các đơn vị hầu hết đều manh tính đơn lẻ theo kiểu.. mạnh ai nấy làm Việc duy tu bảo dưỡng hệ thống biển báo, phao ở những công trình trọng điểm bây giờ thuộc Công ty CPXDCTGT sau khi được Cục Đường thủy ủy thác với chi phí hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên ngoài việc thống kê phát hiện các công trình trọng điểm có nguy cơ hư hỏng vì nạn khai thác cát đơn vị này chỉ có thể thông báo với thanh tra giao thông sau khi các xã ký xác nhận. Xử phạt là việc của thanh tra giao thông. Thế nhưng từ tháng 6 năm 2011 trở về sau thanh tra giao thông đã “đoạn tuyệt” với việc tuần tra kiểm soát khi ngày 1-6-2011 phát đi văn bản số 71/TTr-CN gửi Cục đường thủy Việt Nam về việc đề nghị xử lý vi phạm luồng, hành lang ATGT trên các tuyến sông do trung ương quản lý.

Không đủ thẩm quyền xử lý và không được bố trí kinh phí nên thanh tra giao thông tỉnh đã thẳng thừng từ chối.“ Trước đây dù không nhiều nhưng hàng năm chúng tôi có thể nhận được khoản tiền khoảng gần 40 triệu để tổ chức tuần tra nhưng nguồn kinh phí này đã bị cắt hẳn. Trên tuyến sông La còn có sự hiện diện của thanh tra cục, đủ thẩm quyền để xử lý” Chánh Thanh tra Sở Giao thông & Vận tải Phan Ngọc Quyết thẳng thắn chia sẻ.

Làm gì có? đại tá Nguyễn Phúc Tiến- Trưởng phòng CSGT đường thủy tỏ ra ngạc nhiên đồng thời phủ nhận thông tin có sự hiện diện của thanh tra giao thông Cục đường bộ Việt Nam trên tuyến sông La. Rồi ông khẳng định “ Lực lượng đủ mạnh để có thể trấn áp được nạn “sa tặc” là cảnh sát giao thông đường thủy. Ngặt nỗi điều lo sợ của chúng tôi không phải là đối mặt với “ sa tặc” mà cảm thấy đau lòng khi xử lý những người dân coi khai thác cát là công việc mưu sinh hàng ngày của mình. Hàng ngày trên tuyến sông La có khoảng 60 thuyền máy và xà lan của người dân địa phương trong tỉnh và lượng thuyền xà lan ngoại tỉnh “ xâm nhập” cũng tương tự con số đó. Bắt cả ngày không xuể vì vậy chúng tôi chỉ xử lý những trường hợp vi phạm tại các công trình trọng điểm ở các xã Liên Minh,Trường Sơn, Đức Quang. Tuyên truyền vận động vẫn là sự lựa chọn số 1 của chúng tôi.”. Năm 2011, lực lượng CSGT đường thủy cũng đã xử lý 178 trường hợp vi phạm phạt với số tiền 455 triệu đồng; từ đầu năm đến nay đã xử lý 164 trường hợp, phạt 325 triệu đồng.

Và lối ra

Tăng cường tuần tra và tịch thu ống hút- việc làm chưa từng có trong tiền lệ; đồng thời phạt ở mức cao nhất và đối với người “ngoại bang” rồi trục xuất ra khỏi địa bàn- cách xử lý mà thời gian gần đây huyện Đức Thọ triển khai chỉ là giải pháp mang tính tình thế, bởi sau mỗi lần rầm rộ ra quân, rồi rút lui mọi việc cứ thế tiếp tục lặp lại theo kiểu “đá ném ao bèo”. Bản chất của vấn đề lại nằm ở chỗ: Làm thế nào để khai thác và tận thu được nguồn vật liệu “ trời cho” nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế, đồng thời đáp ứng cung cấp đủ cát xây dựng các công trình công cộng và dân sinh và không để thất thoát nguồn thu nguồn thu phí tài nguyên. Cùng với đó là khơi thông dòng chảy do lượng phù sa bồi đắp đảm bảo lưu thông tàu thuyền bằng đường thủy nhưng không ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm cũng như GQVL cho những lao đông chuyên nghề khai cát trên sông và cả lao động ở các bến bãi.

Mặc dù huyện Đức Thọ trong suốt thời gian qua đã tăng cường công tác tuyên truyền khuyến khích những người chuyên nghề “nao vét” lòng sông chuyển đổi nghề nhưng thử hỏi đến nay đã có bao nhiêu người có được việc làm với mức thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình trong khi trong tay không có một “tấc đất cắm dùi”?.

Cần có một tầm nhìn chiến lược, biết vậy nhưng nên bắt đầu từ đâu.? Khó nhưng không phải không có cách giải quyết mà muốn xử lý dứt điểm được tình trạng khai thác cát vô tội vạ, trước hết huyện Đức Thọ cần sớm hoàn thiện quy hoạch khu vực khai thác cát và bến bãi tập kết. Bởi theo Phó phòng Tài nguyên & Môi trường huyện thì: “ Công tác quy hoạch nay cũng đã được quan tâm nhưng đang nằm trong chiến lược dài hạn”

Bất cập lớn nhất được thể hiện là “Cho đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chỉ duy nhất mỏ cát của DN Công Tiến là hoạt động có đầy đủ thủ tục pháp lý” Trưởng Phòng Tài Nguyên & Khoáng sản Trần Duy Trinh cho biết. Nếu vậy không riêng Đức Thọ mà lượng cát khai thác lâu nay trên các địa bàn khác ở hầu hết các huyện hóa ra là cát “lậu”. Không quản lý được thì cấm. Điêp khúc này đã trở nên quen thuộc và khiên nhiều người nhàm chán và giải pháp này sẻ chẳng bao giờ mang lại hiệu quả khi “cầu” vượt quá “ cung” sẽ gây nên tình trạng thuyền và xà lan tỉnh khác vào tranh giành lãnh địa và khai thác một cách chụp giật, gây nên tình trạng sạt lỡ đất và đẩy hệ thống kè bên bờ hữu trước nguy cơ sụp đổ. Đồng thời làm thất thoát nguồn thu phí tài nguyên khiến cuộc chiến chống nạn khai thác cát trái phép ngày một trở nên nóng bỏng hơn. Nếu quá trình điều tra, xác minh trên toàn bộ tuyến sông La có những địa điểm có thể khai thác tận thu mà không ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm, cơ quan chức năng mà cụ thể là Sở Tài nguyên & Môi trường cũng cần cân nhắc, xem xét và cấp phép cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân nếu có đủ điều kiện.

Muộn còn hơn không, đã đến lúc các ngành chức năng và huyện Đức Thọ cùng nhau bàn bạc rồi đệ trình lên UBND tỉnh một phương án tối ưu nhằm xử lý dứt điểm vấn nạn “sa tặc” kéo dài từ nhiều năm khiến dư luận quần chúng bức xúc. Có như vậy “Nước mô trong bằng dòng nước sông La’ con sông này mới trở lại với chính mình trong khúc hát năm xưa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast