Sắm thuyền nan vượt lũ.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn để chủ động phòng trách lũ, giảm thiểu những thiệt hại, thời gian này nhiều hộ dân ở vùng rốn lũ xã Đức Hương(Vũ Quang) đã chủ động đan cho gia đình mình những chiếc thuyền nan. Bên cạnh những lợi ích thiết thực như: Chi phí đầu tư thấp, gọn nhẹ dễ cơ động trong vận chuyền người và tài sản khi nước lũ dâng cao thì chính những chiếc thuyền nan cũng đã từng gây nên nhiều hiểm họa đặc biệt đối với trẻ em.

Năm nào cũng vậy cứ vào đầu mùa mưa lũ gia đình ông Đặng Sỹ Ngô ở xóm Hương Thọ xã Đức Hương lại chuẩn bị sẵn một khối lượng lớn tre nứa để đan thuyền nan. Với ông Ngô giờ đây việc đan thuyền không chỉ để phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển tài sản của gia đình trong mùa mưa lũ mà còn là một cái nghề mang lại nguồn thu nhập chính. Bởi lẽ chỉ sau khoảng 5 ngày là ông đã có thể đan hoàn thiện một chiếc thuyền nan dài 2,5m, rộng 1,2m với giá bán từ 7 đến 8 trăm nghìn đồng. Theo ông Ngô mỗi chiếc thuyền nan có tải trọng gần ngang bằng thuyền gỗ, độ bền không thua kém nhưng giá lại rẽ hơn cả triệu đồng nên trước mùa mưa lũ năm nay nhiều người dân trong và ngoài huyện đã tìm đến đặt mua.

Ông Đặng Sỹ Ngô tập trung đan thuyền nan vượt lũ.
Ông Đặng Sỹ Ngô tập trung đan thuyền nan vượt lũ.

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt xã Đức Hương hiện nay gần 100% hộ dân ở 6/8 thôn xóm vùng hay bị ngập lụt bà con đều đã chuẩn bị sẵn từ 1-2 chiếc thuyền nan. Năm nay ông Đặng Chiểu ở xóm Hương Thọ đã 71 tuổi đời và bản thân ông cũng không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần phải dùng thuyền nan để sơ tán người, tài sản khi nước lũ ập đến. Chỉ biết rằng qua mỗi trận lũ dữ tính mạng, tài sản của gia đình được an toàn là nhờ những chiếc thuyền nan.

Ông Lê Văn Lợi- Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: Với người dân vùng rốn lũ trên địa bàn xã, thuyền nan thực sự là phương tiện quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích thiết thực thì việc sử dụng thuyền nan trong mưa lũ cũng đã từng gây nên nhiều hiểm họa. Bởi theo thống kê của xã từ năm 2007 đến nay trên địa bàn đã từng xẩy ra nhiều vụ lật thuyền nan làm 3 người chết, trong đó có 2 trẻ em. Đau thương là vậy thế nhưng qua quan sát của chúng tôi mỗi khi nước lũ dâng cao thì tại địa phương này rất dễ bắt gặp từng tốp em nhỏ chèo thuyền nan đùa dỡn trên sóng nước.

Chiếc thuyền nan gắn bó với ông Đặng Chiểu qua bao mùa lũ.
Chiếc thuyền nan gắn bó với ông Đặng Chiểu qua bao mùa lũ.

Công bằng mà nói để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hàng năm xã Đức Hương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc sử dụng thuyền nan. Thế nhưng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện kinh tế, thói quen sử dụng nên phải khẳng định rằng những chiếc thuyền nan vẫn là phương tiện thiết yếu của mọi người, mọi nhà trong mưa lũ.

Mùa mưa lũ đang đến gần. Với người dân xã Đức Hương nói riêng và nhiều hộ dân vùng lũ nói chung trong điều kiện kinh tế khó khăn việc chủ động mua sắm thuyền nan để vượt lũ là hết sức cần thiết. Hy vọng rằng rồi đây bằng những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và với ý thức của mình mọi người sẽ sử dụng các phương tiện thuyền bè một cách an toàn hơn, hạn chế tối đa những ẩn họa, rủi ro không đáng có.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast