Sân chơi cho trẻ em: Nghèo nàn, tự phát!

(Baohatinh.vn) - Từ nhiều năm nay, sân chơi cho trẻ em đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Ngay ở thành phố trung tâm tỉnh lỵ, việc tìm những sân chơi hấp dẫn, an toàn trong kỳ nghỉ hè cho trẻ cũng thật khó khăn. Vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn khi ngày càng nhiều trẻ em chọn các trò chơi điện tử trực tuyến có yếu tố bạo lực để giải trí thay vì tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích khác.

san choi cho tre em ngheo nan tu phat

Toàn thành phố Hà Tĩnh có một vài khu vui chơi được đầu tư với quy mô nhỏ

Bí thư Thành đoàn Hà Tĩnh - Nguyễn Duy Ngân cho biết: “Thực tế cho thấy, hiện nay, các công trình văn hóa vui chơi cho trẻ em trên địa bàn thành phố hầu như không có. Các điểm vui chơi chủ yếu là của tư nhân đầu tư, phát triển một cách tự phát và số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chất lượng chưa đảm bảo, thiếu hấp dẫn. Với số lượng hơn 13.000 trẻ em trên địa bàn thành phố thì sân chơi hiện có mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu. Đó là chưa kể những ngày lễ, khi trẻ em ở các vùng phụ cận lên thành phố vui chơi càng khiến các điểm vui chơi tự phát này quá tải, lộn xộn”.

Hiện tại, toàn thành phố có một vài khu vui chơi được đầu tư với quy mô nhỏ ở các siêu thị. Số còn lại chỉ hoạt động vào buổi tối là điểm vui chơi tự phát do tư nhân mở tại khu vực tượng đài Trần Phú, Trung tâm Văn hóa điện ảnh... Trẻ em thành phố trông chờ vào các hoạt động của Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cơ sở vật chất của trung tâm đã xuống cấp nên không đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi cho trẻ.

Anh Trần Mạnh Hiền - Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Được xây dựng từ năm 1993, qua hơn 20 năm hoạt động, cơ sở vật chất của trung tâm đã xuống cấp. Các phòng học nhỏ hẹp, trang thiết bị cũ kỹ, thiếu thốn trong lúc nguồn kinh phí dành cho việc tu bổ, sửa sang chẳng đáng là bao. Chính vì thế, mặc dù thời gian qua, chúng tôi cũng đã có nhiều đổi mới, đa dạng hóa nội dung hoạt động nhưng mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi cho khoảng 700 em, kể cả 200 học sinh tham gia học kỳ quân đội”.

san choi cho tre em ngheo nan tu phat

Dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ em đá bóng ở những khu vực không phù hợp

Để con mình có không gian thư giãn, vui chơi, các bậc phụ huynh đành bằng lòng với những điểm vui chơi tự phát trên địa bàn. Chị Kiều Oanh ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nhà ở trung tâm nhưng việc tìm kiếm sân chơi cho con thật khó khăn. Những điểm vui chơi do tư nhân đầu tư, bán vé tại tượng đài Trần Phú hay Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh hết sức đơn điệu, qua nhiều năm vẫn không phát triển thêm trò chơi mới. Đó là chưa nói đến những băn khoăn về chất lượng, độ an toàn khi cho con tham gia những trò chơi này”.

Từ thực trạng thiếu sân chơi nên chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ em chạy nhảy, nô đùa, đá bóng, đánh cầu lông, nhảy dây ngay trên đường, ngõ xóm. Nhiều em lại lựa chọn giải pháp là ở nhà xem phim hoạt hình và chơi điện tử. Cháu Minh Hằng 8 tuổi, ở phường Thạch Quý cho biết: “Mỗi tuần, cháu có 2 buổi học lớp năng khiếu tại nhà văn hóa và 2 buổi học tiếng Anh, còn lại là xem phim”.

Thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ phát triển toàn diện diễn ra ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Ngoài các điểm vui chơi như nhà văn hóa, sân vận động của huyện, xã, thị trấn thì các em không có điểm vui chơi tập trung nào. Hơn nữa, các nhà văn hóa lại hoạt động không thường xuyên, cơ sở vật chất hạn chế nên không hấp dẫn thiếu nhi. Không có chỗ chơi tập trung, ổn định, không người quản lý, định hướng chơi nên các em dễ sinh ra chơi bời, lãng phí thời gian.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hoàn – Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Lâu nay, nói đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chúng ta vẫn nhắc tới việc tạo sân chơi, xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ. Nhưng trên thực tế, thiếu nhi Hà Tĩnh vẫn còn thiệt thòi bởi thiếu sân chơi, thiếu các thiết chế khu vui chơi. Vai trò của đoàn cũng chỉ dừng lại ở mức độ tạo cho các em một số sân chơi thông qua hoạt động đội trên địa bàn dân cư, mở các lớp dạy bơi hay tuyên truyền kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích… Vì thế, để có một sân chơi nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện cho trẻ rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và địa phương trong việc huy động nguồn lực, ưu tiên xây dựng các công trình vui chơi tại cộng đồng dân cư và phát huy hơn nữa vai trò xã hội hóa trong đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí ở thôn, xóm, khu dân cư.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư 13 dự án trung tâm hoạt động thanh thiếu niên do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quản lý, trong đó, có Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Hà Tĩnh. Dự kiến, trung tâm được xây dựng tại khu đô thị mới và sẽ khởi công vào năm 2017. Đây là tin vui chung của tầng lớp thanh thiếu nhi, các bậc phụ huynh và những người luôn trăn trở với thực trạng này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast