Sẽ “nghe ngóng” tình hình kinh tế để trình phương án tăng lương

Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước để báo cáo việc điều chỉnh tiền lương.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường về Chế độ tiền lương trong lĩnh vực sự nghiệp, phụ cấp công vụ trong các cơ quan, các tổ chức, các đơn vị; chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức đơn vị; tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước…

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, thời gian qua Bộ đã xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đến năm 2020. Bao gồm các nội dung: mức lương cơ sở; quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa; hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương; các chế độ phụ cấp và cơ chế quản lý tiền lương.

Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn và đổi mới cơ chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội mới được hơn một năm nên chưa có nhiều kết quả.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình một lần nữa giải thích việc khó bố trí đủ nguồn cho cải cách tiền lương, và sẽ trình Trung ương cụ thể về đề án tiền lương vào một thời điểm thích hợp, để có thời gian triển khai có kết quả các giải pháp đã được Trung ương thông qua.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, trong thời gian tới (khi Trung ương chưa thông qua Đề án cải cách chính sách tiền lương), Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các công việc liên quan đến công tác tiền lương.

Cụ thể, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội từng bước điều chỉnh tiền lương cho phù hợp.

Phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập) theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện, môi trường hoạt động bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; nhà nước thực hiện phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ ngân sách nhà nước thông qua các đơn vị sự nghiệp công sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách; giá dịch vụ sự nghiệp công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí,...

Trên cơ sở các nguyên tắc chung của Nghị định nêu trên, các Bộ quản lý chuyên ngành xây dựng Nghị định đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập của ngành mình cho phù hợp.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thông qua vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện bảo đảm để thực hiện.

Về công tác quản lý biên chế, theo Bộ trưởng Nội vụ, hàng năm, việc xác định và bổ sung, điều chỉnh biên chế công chức trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, địa phương. Kế hoạch biên chế công chức hàng năm của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ luôn đề nghị tăng từ 9-11% so với số biên chế công chức giao của năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng đề án vị trí việc làm để làm cơ sở xác định biên chế công chức theo quy định của pháp luật, khi thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2012 và năm 2013, Bộ Nội vụ đã đề nghị giữ cơ bản ổn định tổng biên chế công chức đã giao trong năm trước. Từ tháng 8/2011 đến tháng 11/2013, biên chế công chức cơ bản không tăng, giữ ổn định số biên chế công chức đã giao và điều chỉnh trong năm 2011.

Theo Vũ Hạnh/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast