Siêu bão số 14 sẽ quét dọc miền Trung, gây nguy hiểm khó lường

Sau khi vượt qua miền Trung Philippines, sáng 9/11, bão HaiYan đã và đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 14. Là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử, dự báo, bão số 14 sẽ đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ nước ta, gây nguy hiểm khó lường.

>> Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ tránh bão HaiYan

>> Hoãn tất cả các cuộc họp để triển khai công tác ứng phó với siêu bão

Theo tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 04h ngày 9/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117.3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo hướng di chuyển của siêu bão Haiyan (ảnh: TTDBKTTV TƯ)
Dự báo hướng di chuyển của siêu bão Haiyan (ảnh: TTDBKTTV TƯ)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 4 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc và đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 4 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

Trước diễn biến của siêu bão Haiyan, ngày 8/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công điện số 31/CĐ-UBND về việc chủ động triển khai các phương án ứng phó, trong đó nhấn mạnh: Yêu cầu chính quyền các huyện ven biển phối hợp với Bộ đội biên phòng, Tiểu Ban An toàn nghề cá trên biển kiểm soát, nắm chắc số lượng tàu thuyền; cấm tàu ra khơi và bằng mọi biện pháp kiên quyết kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về bờ tránh bão; kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, các chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu du lịch, bến cảng và chủ động kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ven biển, ven cửa sông trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Chính quyền các huyện, xã và các công ty thủy lợi, các nhà máy thủy điện tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện sự cố, xử lý ngay từ giờ đầu; đối với các hồ chứa lớn có tràn xả sâu như: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Thượng Sông Trí..., phải tổ chức thường trực vận hành, điều tiết xả lũ hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hạn chế ngập lụt hạ du; thực hiện chế độ thông tin cảnh báo, thông báo kịp thời quá trình xả lũ cho chính quyền và nhân dân hạ du biết, chủ động phòng tránh...

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 8/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng cùng các địa phương trong tỉnh khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; họp bàn thống nhất vận hành hồ đập lớn; kiểm tra các hồ đập nhỏ và có phương án chủ động xử lý kịp thời; chuẩn bị phương án di dời dân và đảm bảo thông suốt các tuyền đường giao thông trọng điểm.

Bắt đầu từ hôm nay (9/11), hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác triển khai công tác phòng chống bão số 14.

HÀ ANH (Tổng hợp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast