Sớm ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vì sự phát triển

Đến thời điểm này, dân số Việt Nam đã lên tới 86,9 triệu người. Tình trạng gia tăng dân số những năm gần đây kéo theo những hệ lụy, cản trở sự phát triển mà mỗi người bình thường nhất cũng dễ dàng nhận ra.

Trước hết là sự gia tăng dân số đến chóng mặt tại các thành phố, thị xã, thị trấn khiến áp lực về việc làm, nhu cầu đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, môi trường, nước sạch trở nên rất lớn. Chuyện tắc đường đã trở nên cơm bữa, tình hình quá tải tại bệnh viện, trường học, tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm mất an toàn đã thành "chuyện thường ngày" ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và nhiều đô thị khác trên cả nước. Một hệ lụy không hề nhỏ là tình trạng gia tăng của tai nạn giao thông. Người tham gia giao thông ngày càng đông, phương tiện ngày càng nhiều trong lúc số được giáo dục về văn hóa giao thông lại quá ít và quy hoạch về giao thông không theo kịp yêu cầu đã gây nên những cảnh tượng đau lòng trên khắp cả nước.

Thiếu việc làm đang là áp lực lớn trước tình trạng gia tăng dân số
Thiếu việc làm đang là áp lực lớn trước tình trạng gia tăng dân số

Nhưng có lẽ áp lực lớn nhất mà tình trạng gia tăng dân số gây ra đó chính là việc làm, thu nhập cho người lao động. Chúng ta đang có được thời kỳ cơ cấu dân số vàng vì tỷ lệ người trẻ tuổi cao so với người già và trẻ em nhưng do nền sản xuất thấp kém, quy hoạch về đào tạo nghề thiếu tính dài hơi, trình độ tay nghề của người lao động không đáp ứng được yêu cầu đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm và thiếu thu nhập ổn định cho người lao động.

Xuất khẩu lao động là con đường ngắn nhất để thanh niên các vùng nông thôn làm giàu nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, không phải ai cũng có thể xuất khẩu lao động. Các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên là những nơi thu hút khá đông thanh niên đến làm việc nhưng cũng chỉ theo mùa vụ và thực tế những lao động này giàu lên được từ các vùng này cũng rất ít. Tình trạng đói nghèo ở các vùng nông thôn, tập trung vào các gia đình đông con vẫn diễn ra, kéo theo đó là nạn thất học, suy dinh dưỡng trẻ em, dân trí thấp của nhiều vùng quê. ở đó, khái niệm về HDI (chỉ số phát triển con người), IQ (chỉ số thông minh) là rất xa vời.

Xóa đói giảm nghèo bền vững, đi tới hạnh phúc, giàu mạnh, văn minh bằng con đường giảm tỷ lệ gia tăng dân số, sinh ít con, thực hiện KHHGĐ là bài toán mà Đảng, Chính phủ đã quyết liệt giải quyết nhưng do những biến động gần đây của ngành DS-KHHGĐ, những nhập nhằng trong điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 cộng với những quan niệm, tập quán lạc hậu từ bao đời trong nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên chưa gột rửa được nên quy mô dân số trên toàn quốc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng chưa giảm, cơ cấu mất cân bằng về giới tính, chất lượng dân số còn thấp...

Những trách nhiệm nặng nề ấy đặt lên vai cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và mỗi cơ quan, đơn vị, gia đình, mỗi công dân... Các chính sách của Đảng, Chính phủ về thực hiện KHHGĐ đã được ban hành rất đầy đủ, vấn đề còn lại là thực hiện. Chỉ khi nào mỗi cá nhân và tổ chức quan tâm thực sự đến sự phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội thì khi đó mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số mới thành hiện thực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast