“Sống chung với lũ”... nếm đủ buồn vui

Nằm sát bên bờ sông Ngàn Phố nên xã Sơn Tân (Hương Sơn) hàng năm phải đối mặt với những trận lũ ập vào làng. Sống chung với lũ tự bao đời, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để bảo vệ người và tài sản trong mưa to, bão lớn. Mỗi lần lũ đi qua, làng xóm xác xơ, nhưng sau lũ, bằng bàn tay cần cù, họ lại nhen lên màu xanh từ những hạt phù sa đọng lại.

“Tập làm người... vùng lũ”!

Câu nói ấy nghe ra có vẻ lạ lùng đối với những người chưa bao giờ “nếm mùi” lũ lụt, còn đối với những người thường xuyên phải đối mặt với mưa bão và nước dâng như ở Sơn Tân thì đó là một triết lý sống.

Nằm sát bên sông nên cả người và gia súc luôn phải sẵn sàng sống chung với lũ
Nằm sát bên sông nên cả người và gia súc luôn phải sẵn sàng sống chung với lũ

Xã Sơn Tân nằm phía hạ lưu sông Ngàn Phố. Chả thế, Sơn Tân được mệnh danh “túi đựng nước” bởi chỉ cần vài trận mưa lớn, nước từ đại ngàn theo các sông chảy về, sông La thoát không kịp là xã Sơn Tân nước đã dâng trắng làng. Có một điều lạ hơn ở những vùng “rốn lũ” khác, nhiều người dân ở đây “khéo tay” nên biết mưu sinh bằng nghề thợ mộc. Gặp lúc nước lên, nhà nào cũng thi nhau thả thuyền 3 ván. Những chiếc thuyền gỗ dân tự đóng đảm bảo an toàn. Họ có kỹ nghệ hun lửa uốn cong mũi thuyền, dùng vỏ cây sú, cây sui để viền kín kẽ hở các mảnh ván dưới bụng thuyền. Trẻ em nơi đây lên bảy, lên mười tuổi đã biết bơi sông, chèo thuyền.

Xuống thăm xóm Tân Tiến, tôi được Trưởng thôn Trần Quốc Sử kể cho nghe về những chuyện cả làng ra quân diệt chuột trong mùa lũ. Ông Sử cho hay: “Vùng này thuộc vùng thấp trũng lại ở cận bờ sông, lắm kênh mương, cống rãnh nên chuột rất nhiều. Lụt càng to thì làng diệt được chuột càng nhiều. Năm mô không có nước ngàn đổ về, lụt nhỏ thì sản xuất lúa và màu sẽ kém đi vì nạn chuột phá…”.

Tôi đi theo ông Sử dạo trên đê Tân Long - con đê năm 2002 bị trận lũ quét gây sạt lở nghiêm trọng. Với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, giờ đây, đê Tân Long đã được xây dựng hiện đại, kiên cố với chiều dài hơn 4 km, xóa đi cảnh nơm nớp lo trôi nhà, trôi cửa ở 2 xã Sơn Long, Sơn Tân. Ông Sử nói vui: “Năm 2002, quai đê còn làm bằng đất nên chuột lên, lợi dụng lúc đê vỡ có con còn chạy được, chứ bây giờ thì đừng hòng thoát…”.

Buồn, vui mùa lũ

Ông Nguyễn Đình Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết: “Toàn xã hiện có 623 gia đình, 2.325 nhân khẩu, với diện tích đất nông nghiệp 340 ha, diện tích sản xuất lúa 150 ha. Sống chung với lũ, làm nông nghiệp ở đây cũng nhiều lúc bấp bênh. Việc gieo trồng lúa, ngô, đậu, lạc chưa có loại nào chủ động tránh được lũ. Thành thử, năm nào “trời thương”, lũ về muộn tý khi đồng đã gặt vãn; đậu, lạc hè thu đã kịp cho vào chum, vào sập thì cả làng, cả xã vui. Nếu lũ về sớm coi như mất trắng”.

Kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua địa phận xã Sơn Tân.
Kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua địa phận xã Sơn Tân.

Đối với Sơn Tân, năm nào cũng vậy, hễ mùa lũ tới lại đè lên đôi vai người dân 3 nỗi buồn: thất bát mùa màng; hạ tầng cơ sở giao thông, nhà cửa của dân bị hư hỏng nặng và ô nhiễm môi trường. Trận lũ năm 2002 xảy ra vào lúc nửa đêm. Nước từ thượng nguồn sông Ngàn Phố réo như trâu “điên”, nên nhiều gia đình chưa kịp lùa gia súc sang núi Thiên Nhẫn. Năm đó, cả xã có 60 con trâu, bò bị lũ cuốn mất; hơn 150 ha lúa hè thu chín chưa kịp gặt bị mất trắng. Sau lũ, những gia đình sống cạnh bờ sông đêm đêm lại nghe… đất lở. Hơn 10 ha đất bị lở, nhiều gia đình mất vườn tược, đất ở, trụ sở xã cũng dời xa... Tỉnh đã triển khai ngay việc xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Phố. Khi hàng vạn m3 đá, cát, thép, xi măng được “nêm chặt”, “đóng chắc” vào khoảng sạt lở này, dân làng mới thở phào nhẹ nhõm.

Năm 2010, trận lũ lớn nhất thế kỷ không chỉ “dành” riêng cho Sơn Tân, mà “phủ sóng” khắp Hà Tĩnh. Thời điểm này, Đảng ủy và chính quyền xã Sơn Tân đã lập được đội “xung kích” chống lũ cơ động, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”... Giữa đêm khuya, nước bủa vây bốn bề, cán bộ xã chở nhân viên trạm y tế đến cấp phát thuốc cho trẻ em và người già bị cảm lạnh... Những ngày nước dâng to, cán bộ huyện Hương Sơn xuống kiểm tra, họ khá ngạc nhiên khi không có con trâu, bò nào bị trôi, chỉ có mươi ngôi nhà bị bão mạnh giật đổ... Tìm hiểu ra mới biết, trâu bò vẫn ở trong nhà chòi tránh lũ... Nhà chòi tránh lũ được người dân Sơn Tân “phát kiến”, bây giờ được “nhân bản” hàng ngàn ngôi nhà trong cả nước.

Năm 2013 này, lũ chưa về, nhưng dân làng Sơn Tân đã rốt ráo chuẩn bị phòng tránh lũ. Ngay tại trụ sở UBND xã, chiếc xuồng sắt to bè được đặt trong gian phòng rộng, chỉ cần lệnh là xuất phát. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Cầm cho biết, xã đã lên danh sách cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng người. Không chỉ chủ động bảo vệ người, tài sản trong lũ mà phải có chương trình hành động quyết liệt hơn, mới hơn để khắc phục ô nhiễm môi trường khi lũ rút.

Thu đã sang, đồng làng Sơn Tân rười rượi gió xanh và sự trỗi dậy mùa vàng no ấm được sinh sôi từ những hạt phù sa lắng đọng sau nhiều phong ba bão táp. Sơn Tân đã có cuộc cách mạng lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Riêng vụ xuân 2013, với 150 ha trà xuân muộn, cho năng suất 58 tạ/ha, bình quân lương thực 700 kg/người. Có nhà chòi tránh lũ, lại có núi Thiên Nhẫn dồi dào thức ăn, phong trào nuôi bò lai sind phát triển. Nhiều hộ thu nhập 50-60 triệu đồng từ nuôi bò lai sind. Niềm vui của người dân vùng lũ được chan bằng nước mắt, mồ hôi và cũng là động lực để họ chế ngự thiên tai, gắn bó với mảnh đất thường xuyên bị lũ lụt uy hiếp.

Tháng 8/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast