Sống mãi tuổi hai mươi

(Baohatinh.vn) - Dẫu những cựu thanh niên xung phong (TNXP) quê Hà Tĩnh ở đơn vị N23 và N25 Đoàn 559 bây giờ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng tôi vẫn gọi họ là “anh”, “chị” bởi tâm hồn và trái tim họ vẫn bừng bừng sức sống tuổi xuân. Họ hát về mình như một thời đã hát, họ yêu thương đồng đội như một thời đã yêu. Biết bao nhiêu câu chuyện cảm động tôi được họ kể lại trong chuyến về thăm lại đồng đội nơi nghĩa trang.

Sống mãi tuổi hai mươi ảnh 1
Thăm lại đồng đội nơi nghĩa trang

“Đời mình là một khúc quân hành”

Trong nhiều chuyến công tác, chuyến đi này để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ về tình cảm đồng đội thiêng liêng giữa các cựu TNXP quê Hà Tĩnh thuộc Đại đội N23 và N25 Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) trong những ngày đánh Mỹ với người đã khuất. Đã bốn thập kỷ đi qua, các chàng trai, cô gái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thuở ấy bây giờ tóc đã pha sương, vậy mà ánh mắt, nụ cười vẫn tươi tắn, đằm thắm như tuổi đôi mươi. Ai cũng đội mũ tai bèo, quần áo màu xanh lá cây. Không ít những cựu TNXP ngực gắn huân, huy chương đỏ rực.

Chị Nguyễn Thị Đài - đoàn trưởng thông báo lịch trình: “Mở đầu qua Vũng Chùa - Đảo Yến thắp hương mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau đó tới Nghĩa trang TNXP Thọ Lộc, Hang 8 cô đường 20 Quyết Thắng, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vĩnh Mốc”. Một chương trình đi khép kín trong 2 ngày. 4h sáng xuất phát nên cả đêm ấy, không người nào ngủ trọn giấc, thế nhưng, vừa lên xe được mươi phút thì tiếng hát dậy lên, đưa họ về với ký ức xa xôi: Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sỹ... Khi chị Đài trao chiếc mi-crô và giới thiệu từng cá nhân lên đọc thơ, kể chuyện và hát cho nhau nghe, gương mặt ai cũng rạng rỡ. Bài thơ nào, bài hát nào họ cũng trình diễn tự nhiên, say nồng xúc động.

Tôi chăm chú lắng nghe một bài thơ lục bát khá dài, có xen lẫn tiếng nấc của cựu nữ TNXP Dương Thị Hiểu. Khi chị Hiểu đọc đến hai câu thơ cuối: Em về tóc ngả màu mây/Còn anh trẻ mãi như ngày chiến chinh, không khí trong xe bỗng lặng đi vì xúc động. Những giọt nước mắt lăn trào hai mi mắt của người phụ nữ này tự nhiên lan nhanh sang gò má của các cựu TNXP khác. Từ phía bên phải hàng ghế thứ ba, tiếng chị Hào nói to: “Đề nghị o Hiểu kể lại chuyện tình yêu của mình đi!”. Tưởng như chị Hiểu từ chối, nhưng tôi thấy chị đã lấy lại bình tĩnh và kể rất hồn nhiên: Tôi quê ở Cẩm Thành (Cẩm Xuyên). Trong thôn tôi hồi ấy có anh Dương Minh Hòa đã ngỏ lòng yêu tôi. Gia đình tôi nghèo lắm, còn gia đình anh Hòa khá giả hơn. Đã có lần anh Hòa tâm sự thật lòng với tôi: “Dẫu anh phận con út, hai anh trai đã ở chiến trường, nhưng thế nào rồi anh cũng nhập ngũ, anh không thể bình tâm ở nhà như thế này được. Vì thế, Hiểu nhận lời yêu anh đi, để anh nói với cha mẹ làm lễ bỏ trầu...”. Tôi về thưa chuyện với gia đình nhưng cha mẹ tôi đang còn nấn ná chỉ vì nhà mình khổ quá. Vài tuần sau thì anh Hòa lên đường nhập ngũ, một tháng sau, tôi đi TNXP...

Mối tình của chúng tôi chỉ qua những bức thư. Tình cờ, một hôm, tôi cùng đồng đội đang làm đường tại khu vực dốc U Bò (Quảng Bình) thì gặp anh Hòa cùng đơn vị hối hả hành quân vào Đà Nẵng. Chúng tôi chỉ kịp chào nhau, anh cũng hay thẹn thùng nên không dám nắm tay nhau. Hai tháng sau, tôi nhận được tin anh Hòa hy sinh. Ba năm sau, một đồng đội cũ của anh cho tôi biết: Trước lúc hy sinh, chiếc ba lô của anh còn nguyên vẹn những phong thư của tôi và kỷ vật chiếc khăn tay có thêu đôi chim bồ câu tôi tặng anh ngày lên đường.

Mối tình thứ hai của tôi là với anh Lê Hồng Vân, một pháo thủ khỏe mạnh, hoạt bát và sôi nổi. Trận địa pháo của anh Vân nằm trên một ngọn đồi cao thuộc khu vực Khe Nét (Quảng Bình), cách đơn vị tôi hai cây số nhưng chưa đầy một năm thì anh Vân cũng hy sinh...”. Chị Hiểu bộc bạch: “Tuy mất mát và đau đớn trong tình yêu, nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều so với những đồng đội khác. Tôi trở về quê hương xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Ba con tôi giờ đã khôn lớn và trưởng thành, trong lúc đó, nhiều chị em cảnh ngộ éo le, đáng thương lắm.

Sống mãi tuổi hai mươi ảnh 2
Nén nhang tưởng nhớ đồng đội.

Nước mắt ngày gặp lại

Ngồi trên xe, không ít cựu TNXP trong đoàn đã nhắc tới một người tên Mỹ Cầm. Có người khen: “Mỹ Cầm hồi ấy xinh gái lắm, tóc bao giờ cũng tết đuôi sam, hàm răng trắng, đều như hạt ngô”. Chị Lê Thị Hải kể: “Ở đơn vị tôi hồi nớ, Mỹ Cầm được mọi người xem như em út. Mỹ Cầm hát hay, múa đẹp nên trở thành hạt nhân văn nghệ nòng cốt. Lúc hy sinh Mỹ Cầm mới mười tám tuổi, chưa có người yêu”. Tôi hỏi chị Hải:

- Mỹ Cầm quê ở đâu, hy sinh trong trường hợp nào?

Chị Hải cho biết: “Cô ấy quê ở thị xã Hà Tĩnh, hôm đó vừa đi biểu diễn văn nghệ về, nửa đêm thì lên cơn sốt rét ác tính, chúng tôi trở tay không kịp. Cách đó một ngày, Cầm được kết nạp Đảng. Chúng tôi đưa tang Mỹ Cầm, từ đại đội trưởng đến đội viên đều khóc như mưa…”.

Xe ô tô bon bon trên con đường rải thảm nhựa, sau gần một tiếng đồng hồ thì dừng bánh tại Nghĩa trang TNXP Thọ Lộc (Quảng Bình). Trời đang lất phất mưa, bỗng tạnh ráo. Gió hiu hiu thổi, lẫn trong gió là mùi hương từ các mộ chí bay man mác. Nghĩa trang Thọ Lộc có 168 ngôi mộ sáng ngời, tăm tắp như trong đội hình chờ mệnh lệnh ra trận. Nhiều cây cảnh được tỉa tót, những bóng cây cao đã trùm lên làm mát lòng người nơi chín suối. Như có một sự linh thiêng nhắn nhủ từ trước, chị Đài, chị Hào và các chị trong đoàn vừa thắp nén nhang tri ân trên đài tưởng niệm, đi khoảng mươi bước về phía bên trái thì một người đã reo lên: “Các đồng chí ơi! mộ Mỹ Cầm đây rồi!”. Tất cả dừng lại. Tôi ngạc nhiên vì trên hàng trăm bia mộ chỉ có họ tên, quê quán, ngày sinh, năm mất... chứ không ai có di ảnh, riêng bia mộ Mỹ Cầm lại có, trong di ảnh vẫn ánh lên đôi mắt huyền và nụ cười sáng như nắng ban mai.

Dường như thế giới âm dương không cách biệt, Mỹ Cầm đang lắng nghe từng tiếng nói yêu thương của đồng đội. Chị Vòng ngồi xuống bên mộ, giọng nghẹn ngào: “Cầm ơi! Em sống khôn, thác thiêng. Các chị, các anh hôm nay về với em đây này, các chị nhớ giọng em hát, nhớ tiếng em cười. Nhớ cả lúc em khiêng cả hộp đạn, mồ hôi chảy ướt vai, nhớ lúc mẹ ở nhà gửi cho em một chùm bồ kết, em chỉ dành riêng cho mình một quả và san sẻ hương thơm ấy cho mọi người...”.

Chị Hải từ nãy đến giờ mắt đỏ hoe, rưng rưng lấy bàn tay vuốt lên di ảnh như thuở xưa chị em từng ngồi chải tóc cho nhau, thủ thỉ: “Chị đọc thơ cho Mỹ Cầm nghe nha, bài thơ cũ của anh Nguyễn Xuân Can - Đại đội trưởng viết tặng em lúc hy sinh. Em chưa kịp nghe, chị còn giữ nó như một kỷ vật”. Bài thơ như một nén tâm nhang khắc họa sâu hình ảnh Mỹ Cầm và đồng đội. Từng câu thơ tái hiện lại địa danh lịch sử, tái hiện những ngày đầy gian khổ, ác liệt nhưng không nao núng tinh thần. Miếng lương khô bẻ đôi, bát măng rừng, rau tàu bay sẻ nửa. Tình cảm ấy lại dâng trào qua những bài thơ viết dưới mưa bom, chớp đạn. Cội nguồn sâu thẳm đó là những viên đá lát cho sức mạnh con đường Quyết Thắng - Trường Sơn làm nên những chiến công huyền thoại.

Trong đoàn đi hôm ấy, anh Lê Quốc Bỉnh cũng tìm được mộ chí 4 đồng đội đã dũng cảm làm nhiệm vụ “cảm tử quân” để thông đường cho xe ra tiền tuyến. “Hôm nớ vào ngày 19/5/1968, tôi vừa ngủ dậy thì một đồng chí đi làm đường trong đêm về gọi giật giọng: “Cậu phải lên gấp bởi máy bay Mỹ vừa ném xuống cung đường bọn tớ làm một quả bom từ trường, đơn vị lại phải cho xe bộ đội qua trong hai giờ tới”. Hồi đó, tôi được đơn vị cử dự lớp bồi dưỡng kỹ thuật phá bom và đã phá được nhiều quả bom từ trường an toàn.

Tôi đang chuẩn bị đi làm nhiệm vụ thì đại đội trưởng ngăn lại: “Hôm nay, cho đồng chí Bỉnh nghỉ lấy sức đã, cả tuần ni đồng chí đi ngày, đi đêm mệt quá rồi, tôi phân công cho đồng chí Hợi và 3 đồng chí nữa lên “giải phóng” quả bom ấy. Đồng chí Hợi cũng biết phá bom từ trường mà”. Tôi nằm ở nhà nhưng lòng vẫn hướng về cung đường nơi đồng đội đang làm nhiệm vụ. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, nghe 3 phát súng nổ, tôi khấp khởi mừng thầm vì đây là hiệu lệnh đường đã thông, xe qua an toàn. Nhưng 30 phút sau, nghe tiếp 4 phát súng nổ, tôi giật thót người và nghĩ đến sự cố không hay. Tôi chạy vội ra hiện trường thì gặp ngay cô y tá đứng cách chỗ anh Hợi và 3 anh vừa hy sinh 100 mét. Cô y tá cho tôi biết, các anh vừa khiêng quả bom từ trường dời đi chỗ khác thì phát nổ. Tôi và đồng đội túa ra nhặt xương thịt 4 người được khoảng 2 kg, gói vào túi ni lông, bỏ vào 4 cỗ quan tài. Chiều ấy, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu rồi mai táng cho 4 đồng chí”.

Mới đó mà đã 4 thập kỷ, ông Bỉnh bây giờ đã bước vào tuổi 70. Hôm nay, trước vong linh đồng đội, ông cảm thấy mình như người có lỗi với quá khứ. Ông Bỉnh nói: “Anh Hợi và 3 đồng chí này xứng đáng anh hùng lắm!”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast