"Tận diệt" chim trời

(Baohatinh.vn) - Hết mùa gặt, các loài chim trời như cò, cói, diệc… lại dạt vào đất liền để tránh bão. Và người dân nhiều vùng xem đây là dịp “trời cho” để thỏa sức biến những chú chim trời thành “thương phẩm” kiếm lời, thành những món ngon trên bàn nhậu.

Những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh đủ các loại chim được bày bán la liệt, công khai trên các tuyến đường, trong các khu chợ từ quê đến phố.

Người mua, kẻ bán chim trời tấp nập, nhưng không ai mảy may bận tâm về nguy cơ biến mất của các loài chim.

"Tận diệt" chim trời ảnh 1

Cảnh buôn bán chim trời diễn ra công khai ở chợ thị xã Kỳ Anh

Anh N.N.V (huyện Kỳ Anh) vô tư phân trần: “Đang mùa nông nhàn, tôi tranh thủ đi bắt mấy con cò, con cói bán kiếm thêm thu nhập. Người ta thi nhau bẫy chim đầy ra đấy, năm sau vẫn thấy chúng bay về, có ít hơn đâu…”

Từ những suy nghĩ được cho là vô hại đó cho thấy không ít người đang vô cảm với thiên nhiên, từng ngày hủy diệt và làm mất cân bằng hệ sinh thái.

"Tận diệt" chim trời ảnh 2

Những chú chim mắt bị khâu lại bởi chính chiếc lông của mình, giãy dụa, kêu thảm thiết

Có rất nhiều cách để người ta tận diệt chim trời như bẫy nhựa, vây lưới đuổi bắt, dùng súng hơi… Nhưng cách phổ biến nhất hiện nay là quây lưới ngoài đồng, dùng loa phát tiếng chim để dụ chúng vào lưới. Đây được cho là cách bắt chim theo kiểu tận diệt, có khi một mẻ lưới bắt được cả hàng trăm con.

Cảnh "tận diệt" chim trời diễn ra ở nhiều vùng quê Hà Tĩnh một cách ngang nghiên, công khai, thế nhưng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp xử lý, răn đe.

"Tận diệt" chim trời ảnh 3

Chim giả làm mồi của các thợ săn

Cùng với những hành vi hủy hoại môi trường, hình ảnh những chú chim bị dốc ngược, đôi mắt bị khâu lại bởi chính chiếc lông của mình, giãy dụa, kêu thảm thiết, lông lá tả tơi trong tay những người bán, kẻ mua... chính là những "phát súng lục" con người bắn vào thiên nhiên và hậu quả là chính chúng ta và các thế con cháu mai sau sẽ phải gánh chịu những phát "đại bác" mà thiên nhiên bắn trả!

Chỉ thị 359/TTg ngày 29/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang nêu rõ: Mỗi đất nước, mỗi dân tộc và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển…

Yêu cầu Bộ NN&PTNT, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast