Tàn phá rừng đầu nguồn Vườn Quốc gia Vũ Quang

Trong vai những nhà nghiên cứu lịch sử khám phá thành luỹ cụ Phan Đình Phùng, chúng tôi mới lọt qua được “hàng rào” dày đặc các lực lượng chức năng bảo vệ Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) để tiếp cận những trảng rừng đầu nguồn đang bị chặt phá vô tội vạ. Gỗ quý hiếm từ rừng đặc dụng phòng hộ bị triệt hạ ngang nhiên ngay trước mũi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

->Rừng quốc gia Vũ Quang vẫn tiếp tục bị tàn phá

->Video Clip: Tàn phá rừng Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh)

“Hàng rào bảo vệ” Vườn Quốc gia!

Mặc dù đã nguỵ trang khá kín đáo nhưng khi có mặt tại bìa rừng nằm cuối con đường Tỉnh lộ 5 sát biên giới Việt – Lào, nhóm phóng viên chúng tôi vẫn gặp không ít phiền hà trước những con mắt của một số người tự nhận là đại diện cơ quan công quyền. Hai người tự xưng là cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang sau khi chất vấn chúng tôi đủ điều, không khai thác được thông tin gì hữu ích, họ nhanh chóng biến mất sau những lùm cây đầy bí ẩn.

Rừng đầu nguồn Vườn Quốc gia Vũ Quang bị chặt phá ngổn ngang! Gỗ rừng tập kết tại một nhà dân ở xã Hương Quang - Vũ Quang!
Rừng đầu nguồn Vườn Quốc gia Vũ Quang bị chặt phá ngổn ngang!
Rừng đầu nguồn Vườn Quốc gia Vũ Quang bị chặt phá ngổn ngang! Gỗ rừng tập kết tại một nhà dân ở xã Hương Quang - Vũ Quang!

Gỗ rừng tập kết tại một nhà dân ở xã Hương Quang - Vũ Quang!

Ít phút sau, một người mang cảnh phục xuất hiện, tự giới thiệu là công an xã Hương Quang (Vũ Quang), căn vặn chúng tôi: “Các anh ở báo nào lên đây, sao không trình báo chính quyền sở tại?”. Bất đắc dĩ, chúng tôi phải trình chứng minh nhân dân và giải thích đã được sự đồng ý của Đồn biên phòng 567 cho phép đi thực địa “nghiên cứu lịch sử” ở khu vực biên giới, ông cán bộ công an xã hậm hực bỏ đi với ánh mắt đầy nghi hoặc. Qua một vài chi tiết xã giao ban đầu ấy, chúng tôi càng củng cố thêm thông tin về chuyện các lực lượng chức năng ở đây bảo kê cho lâm tặc phá rừng đầu nguồn Vườn Quốc gia Vũ Quang là có căn cứ!

Ngoài những giá trị về tài nguyên, sinh học, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, là nơi chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng và tướng quân Cao Thắng chọn đặt đại bản doanh, tụ binh dấy nghĩa trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp.

Vườn Quốc gia Vũ Quang có diện tích hơn 55 nghìn héc-ta, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (trên 39 nghìn héc-ta) và phân khu phục hồi sinh thái (gần 16 nghìn héc-ta). Vườn nằm trong hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, thuộc khu hệ rừng kín thường xanh á nhiệt đới, có diện tích tự nhiên chiếm hơn 96%, trong đó rừng nguyên sinh chiếm khoảng 70%. Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh lớn tồn tại ở phía Bắc Việt Nam, là nơi nghiên cứu khoa học có giá trị về rừng và động, thực vật rừng nhiệt đới với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, như: Sao La, Chà Vá chân nâu, Voọc gáy trắng, Vượn má vàng..;Trầm hương, Pơmu, Cẩm Lai, Song Bột...

Hiện BQL Vườn Quốc gia Vũ Quang có 81 lao động thường xuyên làm việc, trong đó có 67 biên chế chính thức và 14 nhân viên hợp đồng. Ngoài lực lượng lao động hành chính, Vườn có 10 đội, trạm trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, trải đều trên 3 huyện: Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn, trọng tâm là huyện Vũ Quang. Cùng với lực lượng này, trên địa bàn Vũ Quang còn có Hạt kiểm lâm, Đồn biên phòng 567 cùng chính quyền và các lực lượng chức năng của huyện đều có trách nhiệm bảo vệ rừng, tạo nên một hệ thống “hàng rào bảo vệ” khá hùng hậu, nhưng thực tế chưa phát huy được hiệu quả!

Tàn phá rừng đầu nguồn!

Men theo con đường mòn chi chít vết chân trâu và trơn lỳ thành rãnh sâu hoắm lâm tặc dùng để kéo gỗ từ rừng ra, chúng tôi ngược về phía đường biên giới Việt – Lào, lọt sâu vào vùng lõi Vườn QG Vũ Quang. Con đường này là đường tuần tra của lực lượng bộ đội biên phòng. Gần chục chiếc xe máy được nguỵ trang kín đáo dấu dưới những tán lá rừng nguyên sinh.

Không quá khó để tận mắt chứng kiến những cánh rừng nguyên sinh với vô số cây gỗ quý bị “xẻ thịt lột da”. Nhiều cây cổ thụ hai người ôm không xuể, bị lâm tặc triệt hạ chưa kịp tẩu tán, nằm ngổn ngang một quảng rừng. Cạnh những gốc cây vết cưa đã thâm mốc, vô số cây mới bị đốn ngã, lá vừa bị úa chưa kịp rụng, chứng tỏ tình trạng khai thác gỗ trái phép nơi đây đã diễn ra khá lâu và có hệ thống. Đ. - một “lâm tặc bản địa” vừa giải nghệ, là người dẫn đường cho chúng tôi, bảo: “Mới chỉ là màn dạo đầu, chưa nhằm nhò chi so với trong kia đâu!”.

Con đường tuần tra biên phòng được lâm tặc sử dụng trâu kéo gỗ thành lối mòn sâu hoắm!
Con đường tuần tra biên phòng được lâm tặc sử dụng trâu kéo gỗ thành lối mòn sâu hoắm!

Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Đ. cho biết, ngày hôm nay lực lượng lâm tặc ở đây tạm dừng khai thác để vận chuyển gỗ ra điểm tập kết ở bìa rừng. Đ. bảo, trước đây lâm tặc phá rừng kiểu “cò con”, tức sáng vác rìu vào rừng, chặt hạ được ít gỗ chiều lo mang ra hết. Khai thác kiểu ấy không năng suất, hơn nữa dễ bị phát hiện do ngày nào cũng phải đối mặt với các lực lượng kiểm tra ở vòng ngoài. Chiến thuật mới được lực lượng lâm tặc áp dụng hiện nay là sử dụng thiết bị hiện đại tập trung khai thác một lượng lớn, sau đó tổ chức vận chuyển gỗ ra bìa rừng và tìm mối cho về xuôi. Số gỗ khai thác được thường để phân tán dọc ven suối, không tập kết thành bãi như trước đây để tránh sự rủi ro.

Theo sự chỉ dẫn của Đ., chúng tôi tiếp tục ngược sâu vào trong rừng lõi. Càng vào sâu, tình trạng chặt phá rừng càng trở nên nghiêm trọng. Có những khu vực rừng nguyên sinh rộng đến hàng héc-ta bị phá nham nhở. Đ. kể tiếp: “Tất cả đã được “nối mạng” hết trơn rồi, chứ nếu không mấy ông kiểm lâm và chính quyền địa phương mà làm nghiêm, thì cái tăm cũng không lọt chớ đừng nói đến chuyện cây gỗ to như ri...”.

Đ. vừa dứt lời đã nghe tiếng hục hặc bước chân trâu phía trước. Chúng tôi ngước lên phát hiện hai chú trâu mộng đang hì hụi kéo 5 phiến gỗ tiến lại gần, mỗi phiến dày khoảng 25cm, rộng khoảng 60cm đã được cưa máy xẻ vuông thành sắc cạnh. Phát hiện có người lạ, gã quản trâu liền cho trâu dừng và nhanh chóng tháo gỡ các phụ kiện “giải phóng” hai chú trâu. Trong tích tắc, gã biến mất giữa rừng già hun hút. Nhận định tình hình có thể bất an, chúng tôi giơ máy ảnh chụp nhanh mấy tấm hình rồi luồn rừng trở ra.

Ý kiến của cơ quan chức năng

Từ Vườn QG Vũ Quang chỉ có 2 con đường có thể tuồn gỗ lậu về xuôi, hoặc theo Tỉnh lộ 5, hoặc theo sông Ngàn Trươi. Cả hai tuyến giao thông này có đến 3 trạm kiểm soát, 01 đội kiểm tra cơ động của Vườn Quốc gia, lực lượng kiểm lâm, 1 đội tăng cường công an huyện, Đồn biên phòng 567 cùng chính quyền 2 xã Hương Quang, Hương Điền… đều có trách nhiệm phối hợp bảo vệ rừng. Thế nhưng những phiến gỗ lậu vẫn có thể lọt qua 2 “cửa ải” về xuôi và những cánh rừng đầu nguồn không ngừng bị tàn phá.

Không chỉ cây rừng bị tàn phá, các loại thú rừng trong Vườn QG Vũ Quang cũng bị săn bắn, bày bán công khai ngay trước cổng trụ sở UBND xã Hương Quang - Vũ Quang!
Không chỉ cây rừng bị tàn phá, các loại thú rừng trong Vườn QG Vũ Quang cũng bị săn bắn, bày bán công khai ngay trước cổng trụ sở UBND xã Hương Quang - Vũ Quang!

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang cho rằng: Trách nhiệm bảo vệ rừng thuộc về chủ rừng, tức BQL Vườn QG Vũ Quang, tuy nhiên, việc phối hợp các thành phần có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là: Vườn QG, Hạt Kiểm lâm, Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương còn nhiều bất cập. Các lực lượng này mới chỉ dừng lại ở việc thống nhất ý kiến trong giao ban, hội báo, còn thực tế vẫn còn xẩy ra tình trạng mạnh ai nấy làm. Mặc dù được thành lập từ năm 2002, nhưng đến nay, Vườn QG Vũ Quang đang hoạt động với tư cách pháp nhân chưa đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm soát của Vườn QG Vũ Quang bắt giữ gần 45m3 gỗ lậu, phá huỷ hơn 72m3 tại rừng; lực lượng kiểm lâm bắt giữ 15m3, còn các lực lượng khác vẫn “án binh bất động”.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang, ông Trần Đức Táo cũng thừa nhận việc chặt phá vườn quốc gia là có nhưng “không có sự rộ lên như các nơi khác!”. Còn về phần trách nhiệm của mình, ông Táo cho rằng, kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, chủ yếu là “nắm tình hình, còn việc quản lý, bảo vệ thuộc về BQL Vườn QG Vũ Quang!”.

Đã nhiều lần cánh nhà báo chúng tôi vượt qua sào chắn của Vườn Quốc gia ở thị trấn Hương Đại bằng giấy giới thiệu của UBND huyện Vũ Quang, khi có mặt ở thành cụ Phan cách đó gần ba chục cây số đường rừng đều được các lực lượng chức năng “đón tiếp, hướng dẫn tham quan” rất chu đáo, và tuyệt nhiên không bao giờ cánh nhà báo bị “lạc bước” vào những vùng “nhạy cảm”! Tại sao sự phối hợp khá ăn ý của các ngành chức năng nhằm đối phó với báo chí để bưng bít thông tin không được phát huy trong công tác quản lý, bảo vệ rừng? Câu hỏi này xin được dành phần trả lời cho các cơ quan chức năng ở huyện Vũ Quang!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast