Tăng cường xã hội hóa việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường

Chiều 14/6, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 tổ chức cuộc họp để đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua và thống nhất nội dung, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình chủ trì cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị cần chú trọng hơn nữa việc điều tra, rà soát cụ thể các vùng ô nhiễm, từ đó xây dựng phương án, báo cáo UBND tỉnh để có đánh giá đồng bộ, toàn diện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị cần chú trọng hơn nữa việc điều tra, rà soát cụ thể các vùng ô nhiễm, từ đó xây dựng phương án, báo cáo UBND tỉnh để có đánh giá đồng bộ, toàn diện

Trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh bị ô nhiễm do hậu quả chiến tranh và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Dư lượng hóa chất BVTV sử dụng trong một số ngành y tế, nông nghiệp vào những năm của thập kỷ 70 đã làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân trong các vùng bị ô nhiễm.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 112 điểm tồn lưu hóa chất BVTV, trong đó có 11 điểm ô nhiễm nặng cần ưu tiên xử lý theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2012-2018.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015. Với vai trò là đơn vị thường trực, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương lập nhiều dự án nhằm khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Tiêu biểu như các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại trường tiểu học Khánh Lộc, xã Khánh Lộc (Can Lộc); xóm 8, xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên); thị trấn Kỳ Anh… đã được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng đối với kho tồn dư hóa chất BVTV tại Phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) của Chi cục BVTV, Sở TN&MT đã phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức bốc số thuốc tồn dư đưa đi xử lý, tiêu hủy.

Cùng đó, Sở cũng phối hợp với Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường khảo sát, triển khai xây dựng Dự án "Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam" do UNDF/GEF tài trợ để thu gom, xử lý hóa chất BVTV tồn lưu tại thôn Bảo Lộc, xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà…

Được biết, nguồn vốn do Trung ương đã cấp để triển khai thực hiện chương trình thời gian qua là hơn 36 tỷ đồng, bằng với nguồn vốn đối ứng của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chương trình vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn do đa số các vùng bị nhiễm đều nằm trong khu dân cư, trường học, nhà văn hóa thôn…; nguồn kinh phí của địa phương bỏ ra đối ứng với trung ương để thực hiện chương trình tương đối lớn trong khi ngân sách của địa phương còn eo hẹp; công nghệ thu gom và xử lý hóa chất chưa; tiến độ triển khai các dự án còn chậm, chưa bài bản; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả …

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn ghi nhận những kết quả bước đầu của các địa phương, đơn vị trong việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Để chương trình đạt kết quả tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị cần chú trọng hơn nữa việc điều tra, rà soát cụ thể lại về các vùng ô nhiễm từ đó xây dựng phương án, báo cáo UBND tỉnh để có đánh giá đồng bộ, toàn diện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các giải pháp thực hiện và tác hại của hóa chất BVTV; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm các dự án đã hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án đang làm; xây dựng phương án khoanh vùng và có biển báo nguy hiểm đối với các vùng bị ô nhiễm; xã hội hóa nguồn lực để tăng kinh phí thực hiện chương trình, các địa phương cần chủ động huy động nguồn lực để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường thuộc dạng cấp bách.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc thì phải báo cáo lên các cấp thẩm quyền để có giải pháp xử lý kịp thời; việc đưa công nghệ xử lý ô nhiễm phải hết sức chặt chẽ, đúng quy trình, hiệu quả; lãnh đạo các địa phương nơi có vùng bị ô nhiễm phải phối hợp tốt với Ban chỉ đạo chương trình; huy động, kêu gọi các dự án để kết quả chương trình được nâng cao hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast