Tập trung cao nhất, chủ động ứng phó mưa lũ gắn với phòng chống dịch COVID-19

(Baohatinh.vn) - Trước tình hình mưa lũ diễn biến rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác ứng phó, đảm bảo an toàn cho Nhân dân gắn với phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Chiều 6/10, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hóa tới Phú Yên nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan.

Tập trung cao nhất, chủ động ứng phó mưa lũ gắn với phòng chống dịch COVID-19

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn, do ảnh hưởng của ATNĐ có thể mạnh lên thành bão, từ 6 - 8/10, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

Tổng lượng mưa tại khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300 - 500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt. Khu vực từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100 - 300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.

Từ ngày 9 - 12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Tập trung cao nhất, chủ động ứng phó mưa lũ gắn với phòng chống dịch COVID-19

ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và ảnh hưởng tới đất liền nước ta.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2,0 - 3,0m, biển động mạnh; khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 1,5 - 2,5m, biển động.

Tập trung cao nhất, chủ động ứng phó mưa lũ gắn với phòng chống dịch COVID-19

Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Ngoài ra, ở phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của rìa bắc rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ ngày 5/10 tới 7h ngày 6/10, trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.

Mực nước lúc 11h ngày 6/10 ở hồ Ngàn Trươi đạt 44,93/52m (dung tích 505,49/775,7 triệu m3); hồ Kẻ Gỗ 24,66/32,5m (dung tích 153,2/345 triệu m3); Sông Rác 20,12/23,2m (dung tích 76,13/124,5 triệu m3); Thượng Sông Trí 27,6/32m (dung tích 11,17/25,4 triệu m3); Kim Sơn 94,65/97 m (dung tích 12,97/17 triệu m3). Các hồ còn lại dung tích phổ biến đạt từ 75% - 95%, một số hồ đã chảy tràn.

Hồ Bộc Nguyên dự kiến xả lũ từ 8h ngày 7/10 với lưu lượng 10 – 70 m3/s.

Mực nước trên các sông tại các trạm thủy văn đang ở mức dưới BĐ1.

Trong số 3.695 tàu thuyền/14.939 lao động hiện có 14 phương tiện/92 lao động đang hoạt động khai thác tại các vùng khơi, vùng biển đã biết được thông tin và hướng đi của ATNĐ.

Số còn lại đang neo đậu tại các bến, bãi trên địa bàn và ở các địa phương khác. Số tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu tại các bến bãi trên địa bàn là 30 phương tiện/80 lao động.

Kết luận cuộc họp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định tình hình mưa bão tới đây rất phức tạp, có thể gây ra nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như: ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; do đó, yêu cầu các địa phương cần xây dựng kịch bản, phương án ứng phó sát tình huống, diễn biến thực tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Tập trung cao nhất, chủ động ứng phó mưa lũ gắn với phòng chống dịch COVID-19

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: KTĐT.

Các địa phương khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển và ven biển.

Rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để bảo đảm an toàn, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.

Chú ý phương án đảm bảo an toàn, bảo vệ sản xuất trang trại lớn, khu công nghiệp, khu vực ngập lụt sâu, khu vực nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, chủ động kịch bản xả lũ, chịu đựng cấp độ mưa...

Tập trung cao nhất, chủ động ứng phó mưa lũ gắn với phòng chống dịch COVID-19

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá: Từ ngày 6 - 8/10, Hà Tĩnh sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm. Tuy nhiên, mưa ngắt quãng, không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, đời sống người dân. Từ ngày 10 - 12/10, không khí lạnh tăng cường kết hợp với ATNĐ, Hà Tĩnh tiếp tục có đợt mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 200 – 500 mm, có nơi trên 500 mm.

Chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để tập trung cao nhất cho công tác ứng phó với diễn biến của ATNĐ và tình hình mưa lũ có thể xảy ra.

Tập trung cao nhất, chủ động ứng phó mưa lũ gắn với phòng chống dịch COVID-19

Trước tình hình mưa lũ diễn biến rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các công ty thủy lợi tổ chức kiểm tra các hệ thống tiêu úng, thoát lũ, nhất là các trục tiêu chính như: cống Đò Điệm, Trung Lương, Đức Xá, Tây Yên... để chủ động tiêu thoát lũ.

Đơn vị quản lý vận hành Nhà máy thủy điện Hố Hô cần cập nhật liên tục về ảnh hưởng của ATNĐ và mưa lớn, lưu lượng nước đổ về hồ, mực nước vùng hạ du để chủ động phương án ứng phó.

Các địa phương, đơn vị bố trí người trực 24/24h, bám sát diễn biến mưa lũ, cập nhật kịp thời mực nước các hồ đập, hồ chứa, bảo đảm an toàn cho công trình, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; kêu gọi tất cả tàu thuyền vào tránh trú an toàn; tuyệt đối không để người dân trong vùng nguy hiểm.

Các huyện miền núi tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.

Có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi sơ tán, di dời, gắn với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nhất là với các gia đình có người cách ly y tế tại nhà...

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast