Thạch Kim: Chủ động các phương án phòng chống bão lụt

Có chiều dài tiếp giáp với cửa sông, cửa biển gần 3km, địa hình bất lợi cho công tác phòng chống bão biển nên xã Thạch Kim ( Lộc Hà - Hà Tĩnh) đã từng phải hứng chịu nhiều trận bão lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về đất ở, tài sản, nhà cửa của nhân dân. Vì thế, việc chủ động các phương án phòng chống bão lụt luôn được xã Thạch Kim quan tâm và đặt lên hàng đầu.

Cảng cá Thạch Kim luôn là chỗ neo đậu an toàn của tàu thuyền. Ảnh: Văn Định

Anh Lưu Văn Thành - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ, với diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra, thời gian qua chúng tôi đã sớm củng cố BCĐ phòng chống bão lụt của xã với 21 thành viên, đồng thời thành lập 6 tiểu ban tại 6 đơn vị thôn xóm do các đồng chí bí thư chi bộ, thôn trưởng làm trưởng ban. Cùng với việc chủ động phương châm 4 tại chỗ, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, tránh tình trạng chủ quan trong bà con, ngư dân cũng được chính quyền hết sức chú trọng” .

Thực hiện chủ trương ấy, thời gian qua Ban văn hoá xã đã đẩy mạnh các hoạt động duy tu và sửa chữa hệ thống truyền thanh để phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục và để thông tin, điều hành khi có bão xảy ra . Công tác hậu cần không chỉ đảm bảo nguồn quỹ phòng chống lụt bão, ngân sách dự phòng để phục vụ tại chỗ mà còn thể hiện qua việc chuẩn bị tốt các cơ số thuốc để phục vụ phòng, cấp cứu trong và sau khi bão. Chủ động bảo vệ cơ sở vật chất, có phương án cấp cứu, xử lý các bệnh nhân khi có bão đến, xử lý môi trường sau bão…BCĐ phòng chống lụt bão xã cũng đã tổ chức kiểm tra các đoạn đê kè, đường xung yếu để nâng cấp trước mùa mưa bão. Các phương án lấy đất ở từng vị trí định sẵn, chuẩn bị bao, bì… cũng đã được hoàn tất.

Là địa bàn nơi đầu sóng ngọn gió của vùng biển cửa, Thạch Kim có 5 địa điểm đặc biệt nguy hiểm khi bão xảy ra. Đó là vùng Kè chắn sóng thôn Long Hải; Kè chắn sóng thôn Xuân Phượng; Mũi gò, Bến Hoa Thành và Bến Giang Hà với 265 hộ dân, 1.242 khẩu sinh sống. Nên công tác chuẩn bị cho việc di dời dân đến địa điểm an toàn trong tình huống triều dâng đã được xã lên kế hoạch rõ ràng, đồng thời phân công trách nhiệm cho từng cán bộ trong BCĐ trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình ở từng đơn vị thôn xóm. Đối với các phương tiện trên sông, biển - trong tình huống khi có tin bão xa, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão sẽ thông tin đến các hộ gia đình còn có tàu, thuyền đánh cá trên biển vận động trở về đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời nắm chắc số tàu, thuyền trên biển báo cấp trên để có phương án cứu hộ, cứu nạn. Khi có bão đến, các thuyền được phân công nhiệm vụ thường trực ứng cứu phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kỹ thuật, hậu cần và vị trí cơ động để sẵn sàng làm nhiệm vụ, điều hành các tàu thuyền tránh bão neo đậu đến vị trí tập kết theo quy định.

Bên cạnh tinh thần chuẩn bị sẵn sàng, huy động tối đa các lực lượng tại chỗ, xã Thạch Kim cũng không ngừng đẩy mạnh công tác phối hợp với trạm kiểm soát, đồn biên phòng 164 cương quyết không cho tàu, thuyền ra khơi khi có tin thông báo bão hoặc gió mùa. Ngoài việc thông báo cho ngư dân nắm chắc các quy định của nhà nước về các tín hiệu cảnh báo và tổ chức ứng cứu, các phương tiện khi ra khơi khai thác thuỷ hải sản cũng phải trang bị đầy đủ dụng cụ cứu nạn, đăng ký tần số liên lạc của máy bộ đàm với các phương tiện để liên hệ, kịp thời thông báo điểm neo đậu các phương tiện đang tránh gió, bão về địa phương…

Hiện tại, công tác chuẩn bị phòng chống bão lụt ở Thạch Kim đã được hoàn tất. Cùng với sự chủ động trong các phương án, xã cũng đã chuẩn bị 20 tàu, thuyền công suất từ 20 - 48CV và bố trí nhân lực từ 5-12 người/ thuyền. Khi có tình huống xấu xảy ra, Ban phòng chống lụt bão xã, huyện và tỉnh sẽ bố trí 8 tàu trực tiếp tìm kiếm, cứu nạn trên biển, 5 tàu tiếp tế, vận chuyển, 3 tàu cơ động nắm tình hình và 2 tàu trực tại chỗ ở Cửa Sót. Anh Thành còn cho biết thêm : “Đối với lực lượng ứng cứu người và tài sản trên địa bàn, chúng tôi cũng đã huy động 4 xe ôtô, 180 người, 60 xe thồ , 60 cuốc xẻng, 120 áo và phao cứu sinh”. Tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai của chính quyền địa phương, ý thức của người dân cùng với kế hoạch xây dựng tuyến đê kè Kim, Bằng với chiều dài 2,9km với tổng đầu tư của nhà nước gần 14 tỷ đồng đang được xúc tiến trên địa bàn sẽ là tín hiệu vui góp phần mang lại sự bình yên cho cuộc sống của ngư dân vùng biển cửa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast