Thành công Dự án IMPP - Nỗ lực từ nhiều phía

(Baohatinh.vn) - Những tưởng IMPP (dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh) kết thúc, tỉnh ta phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Nhưng không, các dự án khác đã và đang xuất hiện. Nếu nói đó là sự nỗ lực của UBND tỉnh trong việc “hút” các nguồn vốn nước ngoài cũng đúng, nhưng thành công từ dự án IMPP mới chính là yếu tố thuyết phục các nhà đầu tư triển khai các dự án kế tiếp.

IMPP – nền tảng tạo nên những chính sách hợp lý

Qua hơn 6 năm thực hiện (2006) với tổng mức đầu tư 18,355 triệu USD với 4 tiểu hợp phần, có thể khẳng định IMPP đã rất thành công trong việc thực hiện tổng quan của dự án: góp phần cải thiện thu nhập bền vững cho người nghèo tại vùng nông thôn Hà Tĩnh. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm từ 33,4% (2006) xuống còn 15,4% (2011). Đặc biệt, dự án đã tạo ra sự thay đổi ấn tượng về tốc độ giảm nghèo. Tốc độ giảm nghèo chung của cả nước từ 20% (2006) xuống còn 12% (năm 2011), giảm 8%; trong khi đó, tốc độ giảm nghèo của 50 xã vùng dự án ở Hà Tĩnh cao hơn gấp 3 lần.

Các chuyên gia IFAD đánh giá cao các sản phẩm thu được từ các mô hình kinh tế ở Hà Tĩnh
Các chuyên gia IFAD đánh giá cao các sản phẩm thu được từ các mô hình kinh tế ở Hà Tĩnh

Bên cạnh tác động lớn đến phương thức sản xuất thông qua việc phổ biến mô hình kinh tế tập thể (tổ, nhóm); cải thiện năng suất, giảm chi phí và tăng vị thế đàm phán cho người sản xuất, dự án còn tích cực tham gia vào quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chung của tỉnh và cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Từ vị trí 57/64 (2007), đến năm 2011 tăng 50 bậc và xếp vị trí thứ 7 trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đặc biệt, Hà Tĩnh xếp thứ hạng cao nhất về hệ số gia nhập thị trường. Đây là một khích lệ lớn, bởi mục tiêu xuyên suốt của dự án là tăng cường và cải thiện tiếp cận thị trường của địa phương.

IMPP còn tạo điều kiện hỗ trợ địa phương ban hành một loạt các chính sách để nâng cao chất lượng lao động nông thôn; tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Không chỉ bó hẹp trong vùng dự án, IMPP đã có những tác động nhất định đối với cải cách thể chế của Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, với việc nhân rộng mô hình MoSEDP (lập kế hoạch phát triển KT-XH theo định hướng thị trường), Hà Tĩnh trở thành điểm đến học tập và chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp này. Mặc dù trong quá trình triển khai dự án không tránh khỏi những sai sót, nhưng nghe lời chia sẻ của nguyên Giám đốc IFAD tại Việt Nam - bà Asuko mới hay đó chính là nền tảng vững chắc thuyết phục nhà đầu tư triển khai các dự án tiếp theo. “Thành công của dự án IMPP đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về các cộng sự tâm huyết, năng động và sáng tạo. Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng mãi mãi trong trái tim tôi”.

Các dự án mới mở ra lịch sử sang trang mới

Sau hơn 2 năm tích cực tiếp cận, vận động nhà tài trợ và thực hiện các bước đi để có được những cam kết cụ thể, Chính phủ Vương quốc Bỉ đã đồng ý tài trợ không hoàn lại khoản vốn 7,8 triệu EURO cho Hà Tĩnh để thực hiện dự án IWMC. Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại tỉnh Hà Tĩnh” có tổng nguồn vốn đầu tư 8.800.000 EUR, trong đó, Chính phủ Vương quốc Bỉ 7.800.000 EUR và đóng góp của Chính phủ Việt Nam là 1.000.000 EUR.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Italia Nguyễn Hoàng Long và Chủ tịch IFAD Kanago F.nwanze ký hợp đồng Dự án SRDP Hà Tĩnh - Quảng Bình tại Rome.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Italia Nguyễn Hoàng Long và Chủ tịch IFAD Kanago F.nwanze ký hợp đồng Dự án SRDP Hà Tĩnh - Quảng Bình tại Rome.

Với mục tiêu tổng quan hỗ trợ phát triển thể chế của tỉnh Hà Tĩnh về quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH tại Hà Tĩnh, dự án đã thiết kế các nội dung hoạt động và các bước đi một cách khoa học, thiết thực, nhằm tạo nên những tác động rộng lớn và bền vững cho việc nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH. Trong thời gian 6 năm, dự án tiến hành nhiều hoạt động hiệu quả để hướng tới 4 mục tiêu cụ thể: tăng cường năng lực của chính quyền về lĩnh vực BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quy hoạch đô thị (1.405.000 EUR); xây dựng chiến lược tổng thể về BĐKH (990.000 EUR); triển khai các hoạt động thí điểm ưu tiên thích ứng với BĐKH (4.042.800 EUR); tăng cường sự tham gia của cộng đồng (660.000 EUR).

Chiến lược tổng thể về BĐKH ở Hà Tĩnh gắn với chương trình hành động cụ thể sẽ được xây dựng từ các giải pháp ứng phó linh hoạt và năng động, phù hợp với chiến lược quốc gia và chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, gắn với chiến lược này, dự án sẽ tiến hành nghiên cứu thủy văn và mô hình hóa lưu vực sông Rào Cái với tất cả các tác nhân tác động đến điều kiện ngập lụt của TP Hà Tĩnh, đồng thời phân tích tác động của BĐKH ảnh hưởng đến tài sản và sinh hoạt của cộng đồng dân cư tại lưu vực sông Rào Cái để xây dựng các mô hình dự báo cho kịch bản phát thải trung bình trong các khung thời gian dự báo; điều chỉnh quy hoạch tổng thể TP Hà Tĩnh và TX Hồng Lĩnh trên cơ sở quy hoạch sẵn có.

Dự án IWMC Hà Tĩnh chính thức khởi động vào tháng 11/2013, là cơ hội lớn để tỉnh tranh thủ nguồn đầu tư ODA của Chính phủ Bỉ tiếp tục thực hiện mục tiêu chủ động ứng phó với BĐKH, trong đó chú trọng đến quản lý tài nguyên nước và quy hoạch đô thị. Dự án này dựa trên bộ máy dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh (IMPP) trước đây với nền tảng vững chắc là đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và phương pháp điều hành khoa học, sáng tạo.

Không dừng lại ở đó, năm 2014, IFAD 3 với tên gọi “Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh” (SRDP) cũng sẽ được triển khai. Những dự án từ nguồn tài trợ nước ngoài đã, đang và sẽ tạo đà giúp kinh tế Hà Tĩnh tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast