Thấy gì từ mô hình một cửa liên thông ở Kỳ Anh?

Với nhiều người dân, có thể họ còn chưa biết đến khái niệm “một cửa liên thông” là gì. Nhưng những lợi ích thiết thực từ mô hình này thì nhiều người đã thấy rõ.

Cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách làm thủ tục vay vốn. Ảnh MT
Cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách làm thủ tục vay vốn. Ảnh MT

Được thành lập từ năm 2005, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Kỳ Anh (Huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) cho đến nay đã qua hơn 4 năm hoạt động. Với mô hình giao dịch một cửa, bộ phận này đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu của công việc, cũng như tạo được niềm tin trong nhân dân. Từ những thành công của mô hình giao dịch một cửa tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả này, tháng 4 năm 2008, thị trấn Kỳ Anh trở thành đơn vị áp dụng thí điểm mô hình một cửa liên thông đối với 2 lĩnh vực địa chính- xây dựng và lao động- thương binh- xã hội. Đây là 2 lĩnh vực phức tạp mà trước đây, người dân rất vất vả trong việc đi lại để làm thủ tục, vì nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Nhưng nay, khách giao dịch chỉ cần đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn, nộp hồ sơ và được hẹn ngày đến lấy.

Dân mừng

Với nhiều người dân: có thể họ còn chưa biết đến khái niệm “một cửa liên thông” là gì. Song những lợi ích thiết thực từ mô hình này thì nhiều người đã thấy rõ. “Trước đây phải đi làm chỗ này, chỗ nọ, giờ chỉ cần mang hồ sơ lên đây, họ đưa giấy hẹn và đến ngày lên nhận kết quả thôi. Không chỉ bản thân mình mà tôi khảo sát những người sống xung quanh, họ cũng đều công nhận như vậy”. Ông Trần Xuân Phưng, khách đến giao dịch ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Kỳ Anh vui vẻ cho hay.

Hiện nay trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã có 34 đơn vị áp dụng, thực hiện mô hình một cửa liên thông này. Nhiều đơn vị dù đang còn gặp phải khó khăn trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, song không vì thế mà lơ đãng với mô hình một cửa liên thông.

Ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh: trụ sở làm việc của xã mất gần một nửa diện tích để giải phóng mặt bằng làm đường vào khu tái định cư. Hội trường cũ được chia nhỏ ra thành nhiều phòng làm việc cho cán bộ, công chức của xã. Còn hội trường mới được dựng lên tạm bợ bằng những tấm tôn lạnh. Dẫu còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả vẫn được ưu ái dành những điều kiện làm việc thuận lợi nhất. Ông Trần Bình Thạnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên, Kỳ Anh cho biết: “Xã ưu tiên những cán bộ công chức thực hiện nhu cầu giao dịch hàng ngày của nhân dân. Công việc tuy có bề bộn thật nhưng vẫn thực hiện đầy đủ theo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa mọi phiền hà cho nhân dân.”

Người dân được hướng dẫn tận tình trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

Tính đến hết năm 2009, cải cách hành chính theo cơ chế một cửa liên thông ở huyện Kỳ Anh tiếp nhận 692 hồ sơ và đã giải quyết được 665 hồ sơ. Cơ bản các thủ tục đều thực hiện kịp thời gian hẹn nên đã tạo được uy tín đối với khách đến giao dịch. Qua gần 2 năm thực hiện ở huyện Kỳ Anh cho thấy: cơ chế một cửa liên thông giúp cho cán bộ, công chức giải quyết công việc một cách chủ động hơn, sắp xếp công việc khoa học hơn. Người dân thì giảm được thời gian và đỡ tốn kém chi phí cho việc đi lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Bá Song, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho rằng: “Trong điều kiện huyện đang được tập trung đầu tư để phát triển kinh tế, việc thực hiện cải cách hành chính theo mô hình một cửa liên thông sẽ góp phần làm giảm bớt khâu trung gian, giúp người dân thuận tiện trong giao dịch, giải quyết công việc hàng ngày; cũng như tạo sự thông thoáng, nhanh gọn, đơn giản cho các đơn vị, cơ quan, chủ đầu tư.”.

Xã lo, huyện trăn trở

Cái được, những hiệu quả từ cơ chế một cửa liên thông mang lại là như vậy, song để thực hiện theo đề án thì không dễ dàng gì. Kỳ Anh cũng giống như nhiều địa phương khác: còn gặp những vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế này. Về cơ bản, cơ chế một cửa liên thông hiện nay không phải đã giảm được phiền hà đi lại, mà chỉ là công chức của xã gánh phần việc đi lại giúp người dân mà thôi.

Chu đáo. Ảnh minh họa

Anh Võ Văn Phương, Công chức Địa chính- Xây dựng xã Kỳ Liên, Kỳ Anh cũng là cán bộ kiêm nhiệm hoạt động giao dịch một cửa liên thông của xã chia sẻ: “Ở phòng Tài nguyên môi trường và Chi cục Thuế có ngày giao dịch chênh nhau, không thống nhất, nên đi lại vất vả. Dân chỉ một lần đến nộp hồ sơ, chờ ngày hẹn rồi lấy kết quả. Còn cán bộ xã phải đi 3,4 lần. Vì thủ tục đúng quy trình là mình phải nộp hồ sơ cho phòng TNMT, phòng TNMT thẩm định xong, mình phải bổ sung hồ sơ đến Thuế, rồi mang về thông báo cho dân nộp lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất v.v.., Họ nộp xong mình lấy hóa đơn mang lại trình phòng TNMT mới ra thủ tục cần thiết mà dân giao dịch.” Với anh Phương và những cán bộ của bộ phận giao dịch một cửa xã Kỳ Liên, khoảng cách đến trung tâm huyện chỉ trong khoảng 15km. Nhưng có những địa phương nằm xa trung tâm hơn 30km, thì để giải quyết được hồ sơ cho người dân theo cơ chế liên thông, chi phí xăng xe đi lại và quỹ thời gian bỏ ra là không nhỏ. Thế nhưng, thực tế từ khi thực hiện cơ chế một cửa liên thông cho đến nay, những công chức kiêm nhiệm này chưa hề có một khoản phụ cấp nào, ngoài đồng lương ít ỏi của công chức cấp xã.

Trong câu chuyện với phóng viên chúng tôi, chị Dương Thị Vân Anh, Phó phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh trăn trở: “Hiện nay cán bộ cơ sở lương thấp, phải kiêm nhiệm công việc ở bộ phận giao dịch một cửa, mà phụ cấp không có nên rất khó để đảm bảo cho anh em làm việc công tâm. Trong khi đó cơ chế, điều kiện làm việc lại không thuận lợi, anh em ở cơ sở phải đi lại nhiều lần, nên việc đảm bảo lịch hẹn cho người dân cũng khó khăn.”

Từ thực tế thực hiện cơ chế giao dịch một cửa liên thông ở huyện Kỳ Anh cho thấy: Cần có sự phối hợp của các ngành trong lĩnh vực thực hiện liên thông. Hay nói cách khác, các ngành trong những lĩnh vực mà các địa phương áp dụng cơ chế một cửa liên thông cũng phải cải cách hành chính, cũng phải thực hiện cơ chế một cửa liên thông này. Làm được như vậy, thì việc cải cách hành chính mới đồng bộ, cán bộ xã với đồng lương ít ỏi, không phải gánh phần việc đi lại của nhân dân như hiện nay. Và có như vậy, thì cơ chế một cửa liên thông mới được thực hiện theo đúng ý nghĩa thực sự của nó./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast