Theo chân người bẫy cu kỳ

Hà Tĩnh Online - Từ Nam chí Bắc, chỉ có vùng biển Kỳ Xuân mới có loài chim cu quý hiếm này nên người ta mới gọi là cu kỳ. Từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, khi từng đàn cu di cư về vùng rừng sát mép biển giáp ranh giữa hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên tránh những trận mưa rừng xối xả thì cũng là thời điểm dân bẫy chim vào mùa thu hoạch....

Lời giới thiệu của ông Dục, chủ một quán ăn đặc sản trên bãi biển Kỳ Xuân (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) như có ma lực khiến tôi không chút đắn đo rút từ hầu bao hai tờ giấy bạc mệnh giá 100.000 đồng để được thuê chiếc du thuyền nhỏ nhắn đi xem dân bẫy cu.

Nghề gia truyền

Bình minh ửng hồng phía chân trời đằng Đông. Gió biển thổi mạnh. Con thuyền lao nhanh cắt ngang những đợt sóng dồn dập, tung bọt nước trắng xóa lên cả mạn thuyền. Sau hơn một giờ đồng hồ vật lộn với sóng biển, chỗ bẫy cu kỳ đã hiện ra trước mắt tôi. Neo thuyền cẩn thận, chúng tôi theo chân lão ngư ghé vào một chiếc lều nhỏ dựng sơ sài bên mép núi. Thì ra đây là một chiếc hầm của dân đi bẫy cu kỳ.

Dương Xuân Bình đang dán mắt vào những chú chim trời ham vui Ba chú cu mồi thay nhau vỗ cánh gọi đồng loại theo sự điều khiển của Bình Dương Xuân Bình đang dán mắt vào những chú chim trời ham vui Ba chú cu mồi thay nhau vỗ cánh gọi đồng loại theo sự điều khiển của Bình

Dương Xuân Bình đang dán mắt vào những chú chim trời ham vui

Ba chú cu mồi thay nhau vỗ cánh gọi đồng loại theo sự điều khiển của Bình

Chủ hầm là anh Dương Xuân Bình, người xóm Bắc Thắng, xã Kỳ Xuân. Bình đón chúng tôi bằng ánh mắt không mấy thiện cảm: “Mới sáng mắt ra đã bẫy được con mô mà ghé mua!”. Thì ra, Bình nghĩ chúng tôi là dân du lịch đi mua cu kỳ. Khi hiểu rõ mục đích của chuyến viếng thăm, Bình dứt khoát: “Chỉ để ông nhà báo ở lại. Còn mấy ông ra phía sau, có sẵn võng ở đó ngủ một giấc cho khỏe. Cứ xúm xít ở đây rồi xôi hỏng bỏng không”.

Bình cho biết, bẫy cu kỳ là nghề gia truyền ba đời của gia đình anh. Cha Bình sau hơn 20 năm phục vụ quân đội, rời quân ngũ, ông vẫn không quên được nghề bẫy chim. Bây giờ, sau khi truyền nghề bẫy chim cho Bình, ông lùi về “tuyến sau” an dưỡng tuổi già. Bình và gần chục anh em trong dòng tộc lại lấy nghề bẫy chim là nghề chính làm kế sinh nhai.

Trên những phiến đá lô nhô sát mép biển, từng đàn cu kỳ đang rỉa cánh. Bình bảo: “Chim trời cá nước. Một ngày cu kỳ chỉ ra tắm biển hai lần khi bình minh lên và lúc hoàng hôn xuống. Hơn 20 năm làm nghề bẫy chim, tui đã từng rong ruổi khắp nơi nhưng chỉ ở vùng biển ni mới có cu kỳ. Loài chim này có đặc điểm là lông rất bở (dễ rụng), nên không thể dùng nhạ (một thứ nhựa dính dân bẫy chim thường dùng) để đánh bắt. Cu kỳ là loài đặc sản, to hơn con chim bồ câu, thịt thơm, ngon và bổ gấp nhiều lần cu gáy. Người ốm chỉ cần ăn một chén cháu cu kỳ sẽ nhanh chóng lấy lại sức. Dân du lịch đến Kỳ Xuân một lần rồi muốn đến mãi vì không thể quên được vị thơm lừng và ngọt lịm, béo mà không ngậy của miếng thịt cu kỳ nướng than”.

Vừa giới thiệu với tôi vài nét về loài chim quý hiếm này, Bình vừa khẩn trương chuẩn bị “bãi đáp” cho những chú chim ham vui. Nơi bẫy chim là một khu đá rộng khoảng 10m2 đã được Bình dọn sạch sẽ. Ba chú chim mồi được Bình cột chân, đứng trên ba chiếc cọc tre. Đuôi của chúng cột vào ba sợi dây dù nhỏ để Bình điều khiển. Hai tấm lưới dù căng ra như hai chiếc vó, các góc nối với nhau bởi hai sợi dây dù bằng ngón tay cái. Khi giật hai sợi dây dù này, hai tấm lưới sẽ sập lại trùm kín bãi đá bẫy cu. Cả mấy sợi dây dù được Bình giấu khéo léo dưới một rãnh ngầm nối thông với chiếc hầm canh, trên rãnh được ngụy trang kín đáo bằng một lớp đá cuội.

Tận diệt cu kỳ

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch biển, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách, dân bẫy chim đang sử dụng mọi hình thức, từ bẫy sập đến súng hơi từng ngày tận diệt cu kỳ. Nguy hại hơn, việc săn bắn loài chim quý này đang trở thành một thú chơi, thu hút một bộ phận không nhỏ dân chơi thị thành đổ về đây bắn chim vào những ngày nghỉ. Thiết nghĩ, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương cần sớm vào cuộc bảo vệ loài chim quý khi còn chưa quá muộn.

“Xuống hầm!”, Bình ra lệnh khi thấy một đàn chim bay từ rừng ra. Đôi mắt Bình dán chặt vào hai chú cu kỳ đang tách khỏi đàn, chao mình ngó nghiêng những chú chim mồi đang vỗ cánh trên bãi đá oan nghiệt. Hai đồng tử của Bình nhô ra. Quai hàm của anh ta phình ra như rắn hổ mang rình mồi, răng va vào nhau ken két. Hai bàn tay Bình như một phản xạ tự nhiên giật giật liên hồi ba sợi dây dù nhỏ. Người Bình lắc lư, các động tác điêu luyện như một nghệ sĩ múa rối nước chuyên nghiệp đang điều khiển con rối.

Ba chú chim mồi thay nhau vỗ cánh chào mời. Hai con chim rừng mải chơi, không hề hay biết mối đe dọa đang rình rập, cứ chao lên lượn xuống quanh ba chú cu mồi đang nhiệt tình vẫy cánh theo nhịp giật của Bình. Tôi nhô đầu ra khỏi hầm, giơ máy ảnh định chụp cảnh tỏ tình ngoạn mục này thì ngay lập tức bị một bàn tay cứng như gọng kìm dúi đầu xuống: “Ngồi yên! Cứ thậm thò thậm thụt như chú rồi cũng chẳng còn gì để mà chụp. Hồi trước cu kỳ dạn nên dễ bẫy. Hai năm ni dân dùng súng hơi săn cu nhiều quá nên cu nhát lắm, chỉ cần thấy bóng người là chúng dông thẳng một mạch về rừng”.

Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đen sạm, căng thẳng của Bình. Hai chiếc môi Bình mấp máy như đang niệm thần chú. Hai con chim rừng lúc này đã quá say bạn tình, không chút ngần ngại sà xuống hai phiến đá trong “vùng cấm địa”.

Chiếc dây điều khiển cu mồi trên tay phải của Bình được chuyền qua tay trái. Bàn tay phải của Bình nhanh chóng nắm lấy sợi dây dù bằng ngón tay. Lấy hết sức bình sinh, Bình giật mạnh sợi dây. Soạp! Hai chiếc lưới như hai bàn tay khổng lồ sụp xuống trùm lấy đàn cu. Hai chú chim trống sa bẫy đang cố sức vùng vẫy nhưng không thể nào thoát ra được khỏi tấm lưới định mệnh.

Khuôn mặt Bình phút chốc giãn ra sau nụ cười mãn nguyện. Đôi cu vừa dính bẫy nhanh chóng được gỡ ra, Bình liền dùng chỉ khâu tịt mắt lại. “Là loài vật chuyên sống trên cây và ăn các loại quả nên cu kỳ có đôi chân và chiếc mỏ cực khỏe. Nếu để mắt sáng, chúng sẽ dùng chân và mỏ xé nát chiếc lồng này. Hôm nay nếu không có khách mua, thì ngày mai chúng sẽ được dùng thế chỗ cho 3 con cu mồi kia”, Bình giải thích khi thấy tôi tò mò trước hành động kỳ quặc này.

Hai con vật đang ở tư thế lồng lộn cắn phá bỗng trở nên hiền lành sau cú “phẫu thuật” của Bình. Qua câu chuyện của Bình tôi chợt hiểu, thì ra dân bẫy cu kỳ không giữ chim làm mồi lâu. Bằng cách thay đổi cu mồi từng ngày, chim sẽ ít bị gầy, vừa đảm bảo có chim làm mồi vừa đáp ứng kịp nhu cầu của khách.

Mặt trời càng lên cao căn hầm của Bình càng ngột ngạt. Những chú cu kỳ mải chơi trên những phiến đá mấp mô cũng thưa dần. Tôi tựa lưng vào vách hầm, mồ hôi ướt đầm vai áo. Thỉnh thoảng, một vài chú chim ham chơi lại sà xuống những “bãi đá cấm địa” được đặt khá dày quanh khu vực tôi ngồi. Chờ đợi mãi mà không thấy chúng bay lên, tôi chợt chạnh lòng khi thấy cảnh những con chim mái lẻ loi bay về phía rừng xa. Lại có thêm 3 chú chim sập bẫy của Bình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast