Theo nguồn thủy lợi xem... ô nhiễm!

Mùa lúa trổ đòng đòng, những con kênh ăm ắp nước chảy xuôi về đồng ruộng. Lúa no nước, mướt mát xanh. Trẻ con thôn quê cũng được dịp nô đùa, bơi lội thỏa thích. Có ngờ đâu, ở phía thượng nguồn, các tuyến kênh đang “oằn mình” mang nỗi đau” ô nhiễm...

Dưới cái nắng cuối xuân, trục kênh chính của Trạm bơm Linh Cảm đoạn giáp ranh 2 xã Mỹ Lộc, Xuân Lộc (do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý) như bức bối hơn bởi một lượng rác khổng lồ. Nào lá cây, bao bì và cả xác gà, vịt tấp lại lâu ngày, tất cả xốc lên mùi xú uế nồng nặc. Cách đó tầm dăm chục mét, phía dưới cống xi-phông Bãi Dịa, ngoài rác thải còn ứ lại cả xác 1 con bò đang trong thời kỳ phân hủy, ruồi nhặng vây kín!

Kênh chính Linh Cảm đang oằn mình vì rác.
Kênh chính Linh Cảm đang oằn mình vì rác.

Anh Võ Tá Nhân - công nhân thủy nông, Cụm C10 - Cửa Thờ - Trại Tiểu (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) cho biết: “Hầu như tháng nào Công ty cũng chỉ đạo CBCNV nạo vét kênh mương, vớt rác, làm vệ sinh môi trường trên các tuyến kênh. Vào mỗi đợt bơm tưới thì chúng tôi làm thường xuyên vì rác theo dòng nước trôi về càng nhiều, gây ứ đọng, tắc nghẽn tại xi-phông, khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng”.

Được biết, số rác thải này chủ yếu là rác sinh hoạt do người dân vứt trực tiếp xuống lòng kênh trôi từ thượng nguồn Đức Thọ về. Trước khi đến vùng này, con kênh đã đi qua các xã Quang Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc và tiếp tục cấp nước tưới cho 3 xã Đồng Lộc, Trung Lộc và Thượng Lộc.

Ông Lê Công Xuân - Cụm trưởng Cụm C10 cho biết: “Không chỉ ô nhiễm nguồn nước tưới, mỗi khi bơm tưới rất tốn điện do dòng chảy bị tắc nghẽn, đặc biệt là tại các cống tưới và vùng cuối kênh. Bên cạnh đó, do không có bãi tập trung nên rác vớt lên cũng chỉ biết tập kết 2 bên bờ kênh. Một trận mưa lớn là đâu lại vào đấy”.

Chạy dọc theo con kênh từ thượng nguồn đổ về xuôi vài trăm mét, chúng tôi lại nhìn thấy những túi ni-lông đựng đầy rác thải nối đuôi nhau dập dềnh trên dòng nước, còn cán bộ công ty thủy lợi lại cần mẫn vớt rác bên cầu, cống và nơi chúng có khả năng mắc lại. Nhưng cũng chẳng được lâu, rác lại từ đâu chảy về, đoạn trên sạch thì đoạn dưới ô nhiễm. Nơi tuyến kênh kiên cố, rộng rãi thì còn đỡ, phải chỗ chật hẹp, xuống cấp thì lòng kênh trở thành bãi rác. Đây cũng là thực trạng chung ở tất cả các tuyến kênh thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta.

Từ lâu, những người sống gần khu vực này thường coi lòng kênh là nơi xả rác lý tưởng, thậm chí là “tẩu tán” xác động vật chết. Dường như họ nghĩ giản đơn rằng, nước sẽ mang tất cả những gì bẩn thỉu ra khỏi khu vực sống của mình. Quen tay rồi thành tập quán, lòng kênh đang ngày càng nặng mình hơn bởi rác thải.

Chị Bùi Thị Năm (Thạch Tân, Thạch Hà) - một người sống gần tuyến kênh chính Kẻ Gỗ (do Công ty THHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý) cho biết: “Ngày xưa, mùa nước về, trẻ con tha hồ bơi lội, người lớn tranh thủ giặt giũ; thậm chí lấy nước nấu ăn trong mùa hạn hán nhưng bây giờ thì không dám nữa vì kênh bẩn quá. Có người còn vứt cả bì rác xuống kênh ấy chứ!”.

Đống rác khổng lồ này xuất hiện trên đê sông Nghèn từ mấy năm nay tiềm ẩn dịch bệnh cho nguồn nước sinh hoạt của người dân
Đống rác khổng lồ này xuất hiện trên đê sông Nghèn từ mấy năm nay tiềm ẩn dịch bệnh cho nguồn nước sinh hoạt của người dân

Không chỉ mất vẻ đẹp mĩ quan môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt, hiện trạng này còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng và vật nuôi.

Ông Trần Bá Tý - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) cho biết: “Cẩm Hòa là xã nằm cuối kênh tưới Kẻ Gỗ nên thường xuyên phải chịu cảnh ô nhiễm. Muôn hình vạn trạng loại rác, cứ phía trên thượng du có dịch bệnh gì là xã bị lây nhiễm bệnh đó. Có muốn tránh cũng không được vì nước là môi trường lây bệnh nhanh nhất”.

Chưa thể khẳng định dịch tai xanh ở lợn trong những ngày qua ở Cẩm Hòa là do lây lan từ nguồn nước ô nhiễm nhưng chắc chắn bệnh dịch này sẽ diễn biến phức tạp nếu người dân còn thiếu ý thức cộng đồng.

Cũng liên quan đến tiềm ẩn bệnh dịch, bờ đê sông Nghèn (Can Lộc) hữu tình là thế mà cũng bị bãi rác khổng lồ chiếm chỗ từ nhiều năm nay. Nước sông Nghèn không chỉ theo những tuyến kênh về đồng ruộng mà còn là nguồn cho Nhà máy Nước Can Lộc, phục vụ nước sạch cho người dân. Được biết, chính quyền đã quy hoạch bãi rác mới, mong rằng, người dân khu vực này sớm thoát khỏi cảnh “sống chung với rác”, trả lại môi trường sinh thái trong lành cho dòng sông.

Kênh thủy lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sản xuất cũng như cuộc sống của con người. Để tăng hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường nguồn nước thủy lợi, thiết nghĩ, các địa phương và ngành chuyên môn cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, thay đổi hành vi, ý thức của người dân. Đồng thời, đầu tư, nâng cấp theo các tiêu chí NTM để các công trình thực sự hiệu quả và bền vững hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast