Thiêng liêng nguồn cội

Mùa xuân Canh Dần 2010 mở ra một năm mới đấy dấu ấn đối với toàn thể dân tộc ta cũng như với mỗi người dân Hà Tĩnh. Những ngày hồi hộp đợi chờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, mỗi một người dân Việt Nam đều cảm thấy trong trái tim mình dòng máu cha ông chảy mãnh liệt hơn và tình yêu với đất nước, con người, tình yêu với Đảng hoà quyện vào cảm xúc dâng trào trước mùa xuân tươi đẹp.

1000 năm trước, với trí tuệ siêu phàm, bản lĩnh phi thường của một bậc minh quân, Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ thành Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội). Huyền thoại rồng bay lên đã minh chứng cho khát vọng lớn lao, trí tưởng tượng kỳ diệu của nhân dân cũng như vận hội mới đầy tươi sáng của đất nước.

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long! - Ảnh: Internet.
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long! - Ảnh: Internet.

Trải qua một thiên niên kỷ, Hà Nội- trái tim của cả nước luôn đập nhịp cùng trái tim của mỗi con dân nước Việt. Dù đi đến góc bể chân trời nào thì Hà Nội vẫn luôn là nỗi nhớ, niềm thương, là niềm tự hao, ngưỡng vọng, là sức mạnh để mỗi nguời biết chiến đấu hy sinh, biết cống hiến và sáng tạo vì Thủ đô ngàn năm văn hiến, vì đất nước Việt nam anh hùng: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (Huỳnh Văn Nghệ)

Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời! - Ảnh: Internet.
Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời! - Ảnh: Internet.

Yêu Hà Nội, yêu Thăng Long cũng đồng nghĩa với tình yêu đất nước ngàn năm, yêu ánh trăng mơn man đồng lúa, yêu bình binh rạng ngời mặt biến, yêu lũy tre xanh rì rào, đàn cò vẫy nắng, tiếng chim trong vườn mẹ, yêu câu ca dao thấm mặn mồ hôi, yêu những chàng Thạch Sanh dũng cảm, cô Tấm dịu hiền, yêu những con người chất phác thủy chung, cần cù lao động và nhân hậu bao dung: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông (Tố Hữu)

Đất nước, Tổ quốc, đó là tiếng gọi thiêng liêng như tiếng mẹ hiền trong trái tim của mỗi đứa con, để khi đi xa thì nhớ thương hoài tưởng, khi trở về thì sướng vui hạnh phúc. Khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên khán đài quốc tế là khi mỗi trái tim Việt Nam tràn ngập niềm tự hào khiến nước mắt rưng rưng. Còn gì thiêng liêng hơn là lòng tự tôn dân tộc! Và lúc này đây, khi cột mốc thời gian càng nhích dần đến Tết Nguyên Đán thì tiếng gọi của Tổ quốc quê hương càng mãnh liệt thiết tha. Cành đào đất Bắc, cành mai miền Nam cùng trăm ngàn hoa lá rực rỡ khoe sắc trong tiết trời ấp áp mùa Xuân càng làm cho hình ảnh đất nước, quê hương tươi đẹp và thân thương gần gũi biết bao!

Nhưng mùa Xuân Việt Nam không chỉ là mùa hoan ca của đất trời. Mùa Xuân của một đất nước từng ngập chìm trong tăm tối đau thương cách đây 80 năm đã được nhân lên sức sống mới từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Đảng đã đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo nô lệ, vượt qua nắng lửa mưa giông từ sự soi sáng của trí tuệ và bản lĩnh, sự đấu tranh và hy sinh. Tự do hoà bình cho dân tộc, cơm áo hạnh phúc cho nhân dân, đó là lý tưởng cao đẹp và duy nhất của Đảng. Và để phấn đấu cho lý tưởng ấy, biết bao đảng viên kiên trung đã chịu hy sinh ngục tù như đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… Không giống với nhiều quốc gia khác, Đảng CSVN là đảng của giai cấp công nhân đồng thời là của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Đảng là của dân và dân cũng là của Đảng. Sự trưởng thành lớn mạnh của Đảng là nhờ sức mạnh của dân và Đảng cũng đã làm hết sức mình cho dân có cuộc sống hoà bình, ấm no, giàu mạnh và hạnh phúc. “Hình của Đảng lồng trong hình của nước”. Cờ Tổ quốc, cờ Đảng đỏ rực trên những cánh đồng lúa xanh,trên những công trường xưởng máy, trường học và trên những đại lộ thênh thang trong ngày xuân tươi sáng: Đảng ta là đạo đức, văn minh/ Là ấm no, độc lập, hoà bình, tự do (Tố Hữu)

Nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ về cội nguồn sinh thành của Đảng, mỗi người dân Việt Nam khắc sâu thêm trong trái tim mình niềm yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra Đảng, rèn luyện giáo dục Đảng ta để làm tròn sứ mệnh mà nhân dân giao phó. Đã gần 120 năm Người sinh ra, mang sứ mệnh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ mới, tròn 41 năm Người đi xa, để lại di sản tinh thần vô giá và tấm gương đạo đức sáng ngời soi rọi tới mai sau. Nhớ về Người là nhớ những câu thơ mùa Xuân Người viết trong ngày rắm tháng Giêng giữa bốn bề non nước như bức hoạ bằng thơ: Rằm Xuân lồng lộng trăng soi/ Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Nhớ về Người, học theo Người từ những việc làm nhỏ nhất, để quê hương thêm mạnh giàu, đất nước thêm tươi đẹp, đó không chỉ là trách nhiệm của các đảng viên mà là mong muốn của mỗi người dân Việt Nam. Đó cũng là cách chúng ta trả nghĩa núi sông, trả ơn công lao của Đảng, công đức của Bác Hồ.

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh! - Ảnh: Internet.
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh! - Ảnh: Internet.

Mùa Xuân đang nhích những bước chân thật gần bên chúng ta, trong tiếng tách vỏ của mầm cây, trong sự khẽ khàng của ngọn gió, trong lời hò hẹn của đất trời phút giao thoa. Bên thềm năm mới, dưới chân núi Hồng 99 đỉnh uy nghi và dòng sông La ngọt ngào sữa mẹ, mỗi người dân Hà Tĩnh càng thêm tự hào đã tô đẹp thêm hình sông dáng núi, làm rạng danh truyền thống Thăng Long ngàn năm, rạng danh văn hiến, lịch sử Việt Nam, xứng đáng với lời Bác dặn: “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Và mỗi người cũng tự thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn trong năm mới để từng bước biến mục tiêu xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh trở thành hiện thực.

Tất niên 2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast