Thiêng liêng Tết Việt...

(Baohatinh.vn) - Trong hành trình của mỗi dân tộc đều có những khoảnh khắc đáng nhớ ghi dấu lịch sử khai quốc, mở nước... Trong cuộc đời mỗi con người đều có những khoảnh khắc thiêng liêng, khi mà riêng chung hòa làm một, vũ trụ và con người xích lại gần nhau trong sự giao thoa, cộng cảm khó nói thành lời. Với người Việt Nam, khoảnh khắc đó chính là lúc giao thời giữa năm mới và năm cũ, là ngày cuối cùng và ngày đầu năm quần tụ trong tình yêu thương ấm áp của gia đình, dòng tộc, xóm giềng, bầu bạn.

Chẳng biết Tết Nguyên đán có từ bao giờ nhưng hàng ngàn năm nay, khi đất trời từ giá lạnh đổi sang ấm áp, cây cối thay lộc, đào mai, mơ mận… thi nhau bung nụ thì cũng là lúc con người không thể tĩnh tại mà cứ bâng khuâng, rạo rực, đợi chờ. Ba trăm sáu mươi lăm ngày như dồn lại trong mấy ngày cuối cùng của tháng chạp. Bao lo toan sắm sửa cũng chỉ vì “ba ngày Tết”. Bao hò hẹn lứa đôi bầu bạn cũng chờ đến tết. Bao ước mong kỳ vọng cũng gửi cả vào những giờ phút đầu tiên của năm mới. Rồi thăm viếng, đón đưa. Rồi sắp đặt, sửa soạn. Rồi sắm sanh, trang trí. Rồi điện thoại, nhắn tin… Thời gian sao mà chật chội. Năm mới, cái gì cũng phải tinh tươm và mới mẻ. Từ ngôi nhà, con ngõ; từ chiếc áo, tấm quần; từ bàn ghế, ấm chén; giò chả, bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ, hương hoa, bánh trái… cứ chộn rộn hẳn lên.

Thiêng liêng Tết Việt... ảnh 1

Các ông đồ viết câu đối ở chùa Hương Tích. Ảnh: Anh Thư

Tết Việt thực ra đã khởi đầu từ cái ngày 23 tháng chạp tiễn ông Táo về trời. Có lẽ vì sinh ra trong một nước sản xuất nông nghiệp, nhà bếp trở thành tâm điểm sự sống và sự sum vầy, nhất là trong những ngày giá lạnh nên người Việt có sự tích về ba ông đầu rau, rồi có tục thờ thần bếp (ông Táo). Xưa thì là một cây hương tưởng nhớ cắm ở góc bếp, nay là bàn thờ nhỏ đủ hương đăng, hoa quả và trầu nước. Nhà nào có điều kiện thì thêm cả cỗ xôi thịt và cỗ áo giấy, tiền vàng làm lễ tiễn ông Táo về trời báo với Ngọc Hoàng về một năm làm ăn và tu nhân tích đức của gia chủ. Để ông Táo về được trời thì phải có con cá chép vượt vũ môn. Trùng hợp với tư tưởng nhà Phật, lại thêm lễ phóng sinh. Chính vì vậy mà những năm gần đây, cứ đến 23 tháng chạp là cá chép được bán rất nhiều ở các chợ. Cái không khí hư hư, thực thực của lễ tiễn ông Táo về trời và chất nhân văn của việc phóng sinh khiến con người ta muốn làm nhiều việc tốt và luôn tin tưởng ở các tập tục. Điều này làm cho tết Việt thêm linh thiêng và đậm đà bản sắc.

Nhưng với người Việt Nam, thời khắc thiêng liêng, hội tụ nhiều tâm tưởng và cảm xúc nhất vẫn là chiều ba mươi, đêm giao thừa và sáng mồng một tết. Đó là khoảng thời gian kết thúc năm cũ, mở ra năm mới, mọi nợ nần phải trả xong, mọi sắp đặt, sắm sửa phải hoàn thành, sẵn sàng đón giờ khắc sang canh và giờ phút đầu tiên tinh khôi của năm mới. Chính vì vậy, người ta mong mọi điều tốt đẹp trong những thời khắc này. Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà (Nguyễn Công Trứ); Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới/ Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào (Hồ Xuân Hương). Xưa vì đói nghèo nên trẻ con, người lớn đều mong đến hai ngày này để hưởng thụ cả về vật chất và tinh thần: thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Trẻ con ước ao tấm áo mới, đồng xu lì xì, người già mong có thêm than củi để sưởi khi cái lạnh chưa tan. Và dù ai nghèo khó đến mấy thì chiều ba mươi, nhà nào cũng có cái thủ lợn, giò lợn hoặc chí ít là cân thịt mỡ treo trong nhà. Vì thế mới có câu ca dao châm biếm thầy bói khi phán: Số cô chẳng giàu thì nghèo. Chiều ba mươi Tết thịt treo trong nhà.

Ngày nay, đời sống đã giàu có, no đủ, nhiều vật phẩm ngon, đẹp được sắm sửa cho “ba ngày tết’ nhưng vẫn không thể thiếu được bánh chưng, giò chả, dưa hành, hoa đào, hoa mai, bánh mứt, hương trầm… Và chiều ba mươi, bàn thờ phải được quét dọn, sửa sang, bày biện hương hoa, lễ vật, mâm cúng tinh tươm để mời tổ tiên, ông bà về đón tết đoàn viên với con cháu. Tâm điểm của ngôi nhà lúc ấy là gian thờ. Bao nhiêu trân trọng, thành kính, biết ơn được thể hiện trong từng cử chỉ bày biện lễ vật, trong lời khấn rì rầm và nén hương thắp lên bàn thờ. Tưởng như ông cha về hiện diện chứng kiến cuộc sống của cháu, con. Lời tâm sự, lời nhớ thương và lời hứa cũng được bày tỏ để cháu, con nguôi ngoai nỗi nhớ người xưa. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam đã làm nên mỹ tục thờ cúng tổ tiên, làm cho những khoảnh khắc quý giá của ngày tết thêm thiêng liêng và rất sâu đậm. Đây cũng chính là bản sắc Việt Nam không thể trộn lẫn với các dân tộc.

Thiêng liêng Tết Việt... ảnh 2

Hội xuân. Ảnh: Văn Bảy

Sau lễ cúng trang nghiêm là rộn ràng bữa cơm tất niên trong tình gia đình ấm cúng, đoàn tụ. Người già lấp lánh ánh mắt nhìn con cháu quây quần, trẻ nhỏ đùa vui lăng xăng khoe áo mới, người cha, người mẹ gật đầu hài lòng nhìn con cái trưởng thành. Có thể có đứa chưa giàu, có đứa chưa ngoan, vì vậy, ngày cuối cùng năm cũ, cha mẹ, anh em thêm lời bày vẽ, sẻ chia để mong sang năm mới, mọi người đều có những thay đổi tốt đẹp. Đứa con nào ở xa không về được, lòng mẹ cha đều thấp thỏm. Những cuộc gọi và tin nhắn đã giúp họ bày tỏ tình cảm với nhau. Bao nhiêu người lặn lội, vất vả tàu xe, máy bay cũng chỉ để về kịp cúng tất niên và ăn bữa cơm chiều ba mươi. Người ta hay gọi tết đoàn viên là vì vậy.

Một nét độc đáo của tết Việt nữa là dù giàu hay nghèo, xưa hay nay thì tập tục: Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy vẫn được duy trì qua nhiều đời, thể hiện phong cách của người Việt, một dân tộc luôn coi trọng đạo hiếu và đạo học. Ngày đầu quý giá và thiêng liêng nhất phải dành cho ông bà, mẹ cha, anh em họ hàng quyến thuộc rồi đến thầy, cô giáo. Đây cũng là nét rất khác với nhiều quốc gia, dân tộc.

Tết Việt - hai tiếng thiêng liêng và ấm áp trong trái tim hàng chục triệu người con, dù ở trong lòng Tổ quốc hay còn sống khắp nơi trên hành tinh trái đất. Đó là tài sản tinh thần của nhiều thế hệ đang được gìn giữ và trao truyền lại cho con cháu mai sau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast