Thiết kế ẩu, thi công sai, giám sát lơ mơ!

73 ngày trước, sự cố vỡ đập Ke 2/20 Réc ở xã Hương Trạch (xem tai đây)(Hương Khê) đã làm rúng động dư luận cả nước khi hệ lụy mà nó mang lại là 40 giờ tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam (đoạn qua Ga Gia Phố - Ga La Khê) với những thiệt hại không chỉ tính bằng tiền. Sau sự vụ này, cả tư vấn thiết kế lẫn tư vấn giám sát đều ra sức biện minh và đổ vấy trách nhiệm cho nhau. Nhưng, sự thật là cả ba đều mắc lỗi.

Sự cố vỡ đập Ke 2/20 Réc ở xã Hương Trạch:

Vén màn bí mật

Ngay sau khi sự cố xảy ra (ngày 5 - 6 - 2009), UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành niêm phong toàn bộ hồ sơ, tài liệu để làm cơ sở cho việc điều tra, xác định nguyên nhân. Ngày 16 - 6 - 2009, Hội đồng xác định nguyên nhân sự cố vỡ đập Ke 2/20 Réc gồm 5 thành viên, do kỹ sư Lê Văn Thống - Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm Chủ tịch được thành lập. Hội đồng xác định nguyên nhân sự cố đã liên hệ với Viện Kỹ thuật công trình (thuộc Trường Đại học Thủy lợi) để tiến hành công tác giám định sự cố.

Hiện trường vụ vỡ đập Ke 2/20 Rec ngày 5-6-2009

Hiện trường vụ vỡ đập Ke 2/20 Rec

ngày 5-6-2009

Quá trình vỡ đập đất do hai nguyên nhân chính. Một là đất đắp xung quanh cống không được đầm chặt nên không đảm bảo yêu cầu chống thấm (do thiết kế không quy định cụ thể chỉ tiêu đất đắp xung quanh cống; thi công không thực hiện đầy đủ quy trình đắp đất thủ công xung quanh cống và tiến hành kiểm tra chất lượng đất đắp; giám sát không theo dõi đầy đủ quá trình đắp đất quanh cống và lấy mẫu kiểm tra chất lượng đất đắp). Hai là mái hố móng bờ trái đào quá dốc nên không đảm bảo nối tiếp an toàn giữa thân đập với bờ trái (do thiết kế không ghi chú rõ ràng yêu cầu làm chân khay ở đáy đập và rãnh thoát nước ở chân hạ lưu đập (đoạn vai trái); thi công đào mái hố móng phía trái quá dốc, không làm chân khay ở đáy đập và rãnh thoát nước ở chân hạ lưu đập đoạn vai trái; giám sát không phát hiện được những sai khác của thi công so với thiết kế nên đã bỏ qua sai phạm này).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo kết luận của Hội đồng xác định nguyên nhân sự cố, đây là công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, được xây dựng ở vùng xa nên các bên liên quan đã chủ quan trong quá trình đầu tư xây dựng từ khảo sát thiết kế, thi công xây dựng, giám sát chất lượng, quản lý sử dụng. Tuy nhiên, dư luận lại không đồng tình kiểu kết luận chung chung đó. Bởi thế, cần xét lại trình tự của vấn đề mới đảm bảo tính khách quan.

Bắt đầu từ thiết kế, Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh đã mắc phải những thiếu sót sơ đẳng là trong khảo sát địa chất chưa đánh giá đầy đủ tính chất cơ lý của các lớp đá nền công trình 4a và 4b; bản vẽ thiết kế thiếu ghi chú cụ thể chỉ tiêu đất sét bọc quanh cống, quy trình đắp; thiếu ghi chú về cấu tạo chi tiết của đoạn nối tiếp vai trái đập với bờ, phần chân răng ở đáy đập, áp mái và rãnh tập trung nước ở chân mái hạ lưu đập; bố trí việc lót bạt xác rắn dưới đáy móng cống làm tách rời thân cống với nền, tạo khe hở cho nước luồn từ bên hông xuống đáy cống khi đất đắp quanh cống không được đầm chặt; thiếu bố trí một đoạn tầng lọc ngược bao quanh đoạn ống cuối cống nên dễ gây xói ngầm trong trường hợp có dòng thấm mạnh dọc thân cống.

Về phía đơn vị thi công (Công ty CP Xây dựng Thái Bình Dương), qua xem xét nhật ký thi công trong khoảng thời gian xây dựng các hạng mục liên quan đến sự cố vỡ đập tại vị trí cống cho thấy: không có ghi chép gì về việc lắp đặt ống cống mặc dù đây là công đoạn quan trọng trong quá trình thi công cống. Phần đất đắp mang cống không phải là đất sét luyện mà chỉ là đất bình thường và trong quá trình đắp đất xung quanh cống, thay vì sử dụng đầm cóc thì đơn vị này lại dùng đầm thủ công nên chất lượng đầm không đạt yêu cầu (hệ số đầm chặt chỉ đạt 0, 904 trong khi trị số khống chế của thiết kế là K =0,95). Chưa hết, hồ sơ nghiệm thu còn cho thấy, không có các biên bản nghiệm thu ống cống và khớp nối đồng như trong nhật ký đã ghi; không có chứng chỉ về chất lượng ống cống (mác bê tông, cốt thép, áp lực lớn nhất mà ống chịu được - như bản vẽ thiết kế đã ghi); không nêu rõ nơi gia công, cấu tạo cụ thể của khớp nối đồng. Như vậy, cùng với bản vẽ hoàn công không có một chi tiết nào khác so với bản vẽ thiết kế (đều là chụp lại bản vẽ thiết kế) đã chứng thực: các công đoạn thi công cống không đảm bảo quy trình kỹ thuật, thiếu kiểm soát chất lượng, đặc biệt là khâu đắp đất sét xung quanh cống nên không ngăn được dòng thấm dọc theo mặt ngoài thân cống. Liên quan đến nguyên nhân thứ hai, đơn vị thi công còn sai phạm khi mở mái núi quá dốc, không theo thiết kế đặt ra.

Tuy nhiên, sự việc liệu có bị đẩy đi quá xa nếu tư vấn giám sát (Công ty CP tư vấn giám sát và xây lắp công trình thủy lợi Hà Tĩnh) làm tròn bổn phận? Với những gì đã xảy ra, có thể khẳng định đơn vị này đã lơ là nhiệm vụ khi không theo dõi đầy đủ quá trình đắp đất quanh cống và lấy mẫu kiểm tra chất lượng đất đắp; không phát hiện được những sai khác của đơn vị thi công trong quá trình mở mái núi bờ trái với thân đập. Cho dù tại cuộc họp hội đồng vào ngày 7 - 8 vừa qua, Công ty CP tư vấn giám sát và xây lắp công trình thủy lợi Hà Tĩnh tiếp tục biện minh: " ất sét đắp quanh cống đã được đơn vị thi công nhào trộn, nhặt hết dăm sỏi", nhưng với những "tang chứng vật chứng" rành rành thật khó để lẩn trốn trách nhiệm.

Đến đây, không thể bỏ quên trách nhiệm của chủ đầu tư (UBND huyện Hương Khê) việc giám sát, nghiệm thu công trình; việc kiểm tra quản lý sử dụng công trình. Và, còn có một đơn vị liên quan nhưng ít được nhắc đến là trách nhiệm của Sở NN&PTNT trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế công trình. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, nếu "chốt chặn" này báo lỗi được từ đầu thì có thể đơn vị tư vấn thiết kế đã kịp thời điều chỉnh các thiếu sót cần có.

Lời kết

Với dung tích thiết kế trên 100 ngàn m3 nước, giá trị xây dựng trên 2, 7 tỷ đồng, hồ Ke 2/20 Réc rất nhỏ so với những công trình thủy lợi đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh ta nhưng không vì thế mà những người có trách nhiệm được phép chủ quan, lơ là. Sự cố vỡ đập Ke 2/20 Réc không chỉ là bài học lớn trong việc quản lý đầu tư công trình thủy lợi nói riêng mà còn là dịp để soát xét lại vấn đề quản lý chất lượng các công trình XDCB nói chung. Để không bao giờ xảy ra sự việc tương tự, dư luận đang chờ một phán xét phân minh từ UBND tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast