Thực trang đóng nộp BHXH ở Hà Tĩnh hiện nay

Hiện nay, vấn đề đóng nộp Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được người lao động và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng ở các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp kéo dài nhiều năm đang khiến hàng ngàn đối tượng không được tham gia và nhiều quyền lợi bị thiệt thòi.

Tỷ lệ đóng nộp thấp, nợ đóng cao...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 351 ngàn người thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật nhưng số đối tượng thực tế tham gia chỉ có gần 62 ngàn người, chiếm khoảng 17,6%. Trong số các cơ quan, đơn vị đã tham gia thì tỷ lệ người được đóng mới chiếm 64,4%, trong đó khối doanh nghiệp chỉ đạt gần 41 %. Số người được tham gia đa phần được thực hiện theo mức lương cơ bản chứ không phải theo lương thực tế. Cùng với BHXH bắt buộc thì đối tượng tham gia đóng nộp BHXH tự nguyện và Bảo hiểm thất nghiệp cũng đạt tỷ lệ rất thấp. Toàn tỉnh mới chỉ có 521 người tham gia BHXH tự nguyện và trên 20 ngàn người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.

Công nhân Nhà máy đóng tàu Bến Thủy vẫn tích cực làm việc dù quyền lợi chưa được giải quyết thỏa đáng.
Công nhân Nhà máy đóng tàu Bến Thủy vẫn tích cực làm việc dù quyền lợi chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bên cạnh tỷ lệ đóng nộp thấp thì tình trạng nợ đọng kéo dài đang có xu hướng tăng lên. Đến hết năm 2009 đang có 180 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho 3.410 người với tổng số tiền lên tới trên 7,3 tỷ đồng. Nhưng nổi cộm nhất là 17 đơn vị nợ trên 10 tháng thuộc diện khó đòi, 8 đơn vị ngoài quốc doanh nợ chây ì, khó có khả năng trả nợ, hai đơn vị phải buộc tạm dừng đóng nộp và 7 doanh nghiệp nợ từ 100 triệu đồng. Vấn đề này diễn ra ở nhiều nơi, nhiều đơn vị, kể cả những doanh nghiệp thuộc diện ăn nên làm ra như Tổng Công ty Khoáng sản &Thương mại Hà Tĩnh; đơn vị có tổ chức Đảng thuộc loại vững mạnh toàn tỉnh như xã Kỳ Tiến hay các đơn vị sự nghiệp như Trường Tiểu học Kỳ Văn, Trường Tiểu học Kỳ Trung, Trường THPT Nguyễn Huệ (Kỳ Anh)....

Các cơ quan chức năng vào cuộc thiếu hiệu quả...

Để dẫn tới tình trạng đáng báo động trên thì các cơ quan hữu quan khó có thể nói mình đã hoành thành tốt nhiệm vụ được giao và đã phối hợp hoạt động có hiệu quả. Ngành LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước trong việc thi hành pháp luật về BHXH đối với các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động, người lao động và tổ chức BHXH trên địa bàn. Nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ chỉ mới dừng lại ở công tác tham mưu cho UBND tỉnh, sao gửi các văn bảo có liên quan đến chế độ chính sách. Với việc mỗi năm phối hợp tổ chức được từ 7-10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại khoảng 70 đơn vị thì phải mất 25- 30 năm sau thanh tra lao động mới kiểm tra hết 1.920 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, chưa kể các khối khác. Vì vậy việc phát hiện, xử lý, đôn đốc, khuyến khích đóng nộp còn rất nhiều hạn chế.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH.

Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn cũng chưa thực sự làm tốt chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp và lợi ích chính đáng cho đoàn viên. Phương pháp bảo vệ đang chủ yếu dựa vào tuyên truyền hay ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động nên khó phát huy hiệu quả mỗi khi chủ sử dụng lao động cố tình trốn tránh. Những trường hợp được đứng ra bảo vệ thường cụ thể hay ở những nơi đã phát hiện vi phạm, cần phải có mặt để xử lý.

Đặc biệt, để xẩy ra tình hình phức tạp như hiện nay thì có một phần trách nhiệm lớn thuộc về ngành BHXH. Qua khảo sát tình hình thực tế thì nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chủ quản về vấn đề này chưa thực sự coi trọng người đóng bảo hiểm, chưa coi người lao động là khách hàng nên tinh thần, thái độ phục vụ còn quan liêu, hách dịch. Hoạt động của ngành chưa đi sâu, đi sát đến các đơn vị tham gia đóng nộp mà chỉ dừng lại ở thu chi, mang nặng tính hành chính và mệnh lệnh. Do đó chưa có các biện pháp tích cực, hữu hiệu và đồng bộ để khuyến khích tăng nguồn thu, truy thu, hạn chế tình trạng trốn nộp, nợ đóng...

Quyền lợi người lao động chưa được đảm bảo....

Tình trạng trốn nộp, nợ đóng, chậm đóng BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang có chiều hướng ngày một tăng thêm. Trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc để quyết thỏa đáng thì hàng chục ngàn CNLĐ hàng ngày vẫn phải chờ để được hưởng quyền lợi. Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này tại Nhà máy đóng tàu Bến Thủy trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Do nhiều nguyền nhân khác nhau nên tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Kéo theo đó việc làm, đời sống và một số chế độ chính sách đối với người lao động không được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Từ quý 4 năm 2008 đến nay nhà máy không tiếp tục đóng BHXH cho người lao động, số tiền 6% trích từ lương công nhân dùng để đóng BHXH, BHYT được doanh nghiệp dùng để trả lương cho những người còn tham gia làm việc. Với tổng số tiền nợ lên tới trên 4 tỷ đồng, nhà máy đã bị cơ quan BHXH buộc tạm dừng đóng nộp và cắt hết mọi chế độ có liên quan. Vì vậy trong thời gian qua, những người bị ốm đau, thai sản, tai nạn... đều không được hưởng chế độ theo quy định....

Đó chỉ là một trong số nhiều đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn hiện đang có người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi. Để ngăn chặn tình trạng trên kéo dài thì cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với Sở LĐ-TB& XH và LĐLĐ trong hoạt động thu, truy thu cũng như thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp vi phạm. Các cơ quan hữu quan cần tích cực tham mưu cho UBND tỉnh có các giải pháp cụ thể để chỉ đạo quyết liệt chính quyền các cấp, các ngành cùng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao....

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast