Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh - còn nhiều nỗi lo!

Mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh thuộc loại mất cân bằng vật chất-nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ trên tại địa phương, thành phố Hà Tĩnh đã tăng cường nhiều hoạt động về “Can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện vẫn chưa tạo được sự chuyển biến tích cực. Còn rất nhiều khó khăn trong các hoạt động.

Thành phố Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính đáng quan tâm. Năm 2009, theo kết quả điều tra, rà soát của Trung tâm dân số và KHHGĐ thành phố Hà Tĩnh, có đến 12/16 phường, xã có tỷ lệ chệnh lệch giới tính cao, từ 113-115 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.

Tại các lớp mầm non hầu hết số lượng bé nam lớn hơn bé nữ

Trước thực trạng đó, thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai đề án “Can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 12 xã, phường. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân được đặt lên hàng đầu. Tại các xã, phường, thôn, xóm, hàng năm, hàng quý đều tổ chức nói chuyện chuyên đề về tình trạng mất cân bằng giới tính và những hệ lụy của nó. Đồng thời, các nội dung về thực hiện đề án, các thông điệp về giảm thiểu mất cân bằng giới tính cũng được chuyển tải đến với người dân qua nhiều kênh khác nhau như lồng ghép tuyên truyền qua sinh hoạt Đoàn, Hội LHPN, Hội Nông dân, hệ thống pano, trên mạng lưới phát thanh của thành phố, các xã, phường… Đặc biệt, thành phố còn triển khai các hình thức tuyên truyền mang tính chiều sâu như phối hợp với phòng tư pháp tư vấn tiền hôn nhân cho các đôi nam nữ trước khi kết hôn. Mỗi năm, ít nhất mỗi xã có 120 cặp nam nữ trước khi kết hôn được tư vấn; thành lập 12 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên” tại 12 xã, phường. Mỗi CLB thu hút từ 30 đến 40 cặp vợ chồng tham gia; tổ chức các hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái của chị em phụ nữ sinh con một bề là gái; chia sẻ kinh nghiệm học tập của các cháu gái cuối cấp THCS của các gia đình sinh con một bề là gái nhằm tạo sức lan tỏa….

Cùng với các hình thức tuyên truyền trên, Trung tâm Dân số và KHHGĐ thành phố còn tư vấn cho UBND thành phố chỉ đạo xây dựng các quy ước, hương ước thôn xóm, khối phố trong đó có nội dung nghiêm cấm lựa chọn giới tính; phối hợp với phòng Y tế, Trung tâm YTDP thành phố rà soát các cơ sở y tế về CSSKSS và giới tính trên địa bàn tuyên truyền, ký cam kết thực hiện không nạo phá thai trước 12 tuần vì mục đích lựa chọn giới tính; không tiết lộ giới tính trước khi sinh…

Mặc dù đã triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, tuy nhiên, qua gần 4 năm hoạt động, kết quả mất cân bằng giới tính trên địa bàn thành phố vẫn chưa tạo được sự chuyển biến tích cực. Từ 2009 đến nay, thành phố Hà Tĩnh luôn nằm trong tình trạng chệnh lệch giới tính từ 110 - 115 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm nay, nhiều địa phương trở nên báo động đỏ về chệnh lệch giới tính như xã Thạch Trung 195 trẻ em nam/100 trẻ em nữ; phường Đại Nài 164 trẻ em nam/100 trẻ em nữ; phường Bắc Hà 140 trẻ em nam/100 trẻ em nữ; xã Thạch Hưng 130 trẻ em nam/100 trẻ em nữ…

Giám đốc Trung tâm Dân số và KHHGĐ thành phố Hà Tĩnh Trần Đình Lương cho biết: Từ đầu năm 2012, thành phố cho triển khai đề án trên toàn địa bàn (16/16 xã, phường). Mục tiêu đề án hướng tới là mỗi năm giảm một con số rất nhỏ về chệnh lệch giới tính, chẳng hạn như giảm từ 114 trẻ em nam/100 trẻ em nữ xuống 113 trẻ em nam/100 trẻ em nữ/năm. Và cứ thế hạ theo từng năm. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện đề án đã gặp rất nhiều khó khăn. Về phía người dân, qua nhiều kênh tuyên truyền, hầu hết người dân đều biết rất rõ về tình trạng này và những hệ lụy của nó. Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở mức biết để mà biết chứ chưa thay đổi hành vi. Tâm lý phải có con trai vẫn ngự trị hầu hết. Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật đã qui định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh nhưng thực tế chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề này. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều có cam kết thực hiện và từ trước đến nay các cơ quan chức năng chưa phát hiện được cơ sở nào vi phạm nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác, không một sản phụ nào thai từ 12 tuần trở lên đi siêu âm về mà lại không biết giới tính. Ngoài ra, qua thăm dò, người dân còn áp dụng rất nhiều biện pháp lựa chọn giới tính khác như thực hiện chế độ ăn uống, chọn tháng thụ thai, siêu âm rụng trứng… Đấy cũng là một trong các yếu tố khoa học được người dân lựa chọn nhưng chúng ta không thể kiểm soát được…

Như vậy, cho đến thời điểm này, bài toán về “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” trên địa bàn thành phố vẫn còn nan giải. Phải chăng, người dân chỉ mới quan tâm những nhu cầu trước mắt? Còn những hệ lụy sau này?! Thiết nghĩ, thực trạng này đang đòi hỏi thành phố một yêu cầu mới: cần phải có những giải pháp mạnh, đồng bộ hơn nữa. Đặc biệt, cần sự vào cuộc tích cực, thực chất, một cách có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của chính quyền cấp cơ sở. Có như vậy mới hy vọng tìm được lời giải cho bài toán.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast