Thương người hơn cả thương thân

Gánh nỗi vất vả, cực nhọc của gia đình mình chưa đủ người phụ nữ này còn đang cưu mang chăm sóc 2 đứa con bị nhiễm chất độc màu da cam của người hàng xóm khi bố mẹ các cháu qua đời. Bất chấp mọi phiền hà thiếu thốn, chị chấp nhận tất cả vì trong mình chị có một trái tim tột đỉnh yêu thương. Nghĩa cử cao đẹp này đã khắc sâu vào tâm khảm mọi người. Chị là Nguyễn Thị Lan trú tại xóm Phượng Sơn xã Trường Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh

Phóng sự

Trọn chữ hiếu đạo làm dâu

Vừa vác cuốc lên vai chuẩn bị đi ra đồng làm cỏ lúa thấy khách đến nhà chị Lan dừng lại để tiếp. Với đôi mắt nhân hậu, dáng người mảnh mai, búi tóc gọn gàng, nước da trắng trẻo thoạt nhìn không ai nghĩ chị là nông dân chân bùn tay lấm. Thế nhưng người phụ nữ này lo toan mọi công việc trong gia đình lại đảm đang sản xuất tới 1 mẫu ruộng mỗi vụ thu hoạch hơn 2 tấn lúa.

Chị Lan đang sửa lại quần áo cho Lương.
Chị Lan đang sửa lại quần áo cho Lương.

Đối với phận làm dâu chị Lan đã làm đúng thiên chức người con, người vợ, người mẹ có hiếu với gia đình. Kể từ khi bước chân về làm dâu nhà cụ Nguyễn Xuân Ba, dầu bận mấy thì bận chị Lan không bao giờ làm trái ý bố chồng. Ngoài chuyện cơm ngon canh ngọt hàng ngày chị vẫn chăm lo chu đáo cho cụ một ấm nước chè om sẵn trước khi đi làm. Hé lộ chuyện nhà chuyện cửa, chú Hiếu em ruột chồng chị Lan tâm sự " Chú ơi không ai khổ như chị dâu nhà em mô bởi hoạ vô đơn chí giáng xuống đây nên chị Lan chỉ biết nhẩn nhục chịu đựng ". Anh Nguyễn Xuân Trung chồng chị Lan thời trẻ khoẻ mạnh và ham thích hoạt động xã hội. Anh Trung được địa phương tín nhiệm đưa vào làm cán bộ văn hóa xã Trường Lộc. Hai vợ chồng cưới nhau sống hạnh phúc và sinh hạ được 2 đứa con. Đang vun đắp tổ ấm với nhiều dự định còn dang dở thì bổng dưng anh Trung bị mắc bệnh tiểu đường. Kể từ ngày ấy trở đi sức khoẻ của anh Trung suy sụp hẳn. Dầu chị Lan cố tình chạy chữa cho chồng hết bệnh viện này đến ông lang nọ, nhưng căn bệnh quái ác không thuyên giảm. rồi anh Trung mất. Chị lầm lũi thay anh nuôi con, nuôi bố già và cầu nguyện hồn anh yên giấc nơi chín suối. Thế nhưng hiểm họa lại rình rập và đè nặng vào vai chị. Anh Trung mất chưa được ba năm thì chú Hiếu đang đi làm thợ xây ở trong Nam về lại tiếp tục đổ bệnh. Vẫn là căn bệnh giống người anh ruột mình. Đau xót hơn vợ anh bị tai nạn vừa mất để lại hai đứa con đang độ tuổi ăn tuổi học. Không lao động được Hiếu kể và khóc vừa trách số phận hẩm hiu của mình vừa quá thương chị dâu đã nuôi mình lại phải nuôi con mình. Bây giờ cả gia đình nhà chị có đến 8 miệng ăn, 4 đứa nhỏ cắp sách đến trường ...

Gánh bất hạnh nuôi con hàng xóm

Tôi từ trong nhà chị Lan bước ra xem vườn bỗng trông thấy một người đàn ông đang nằm nghỉ trưa trên chiếc võng dưới tán cây cọ xoè ra im ắng. Anh đã ngoài ba mươi tuổi, trên tay anh điếu thuốc lá đang còn cháy dở. Chị Lan gọi: " Lương ơi vào đây để chuẩn bị tắm nào, nước đun nóng rồi ". Vừa nói chị Lan vừa lấy quần áo, dầu gội để làm công tác vệ sinh thân thể cho Lương. Lương nhếch mép nhìn tôi cười một nụ cười vô hồn trong đôi mắt ngây dại. Chị Lan bảo: " Tội nó quá chú ơi ngần ấy tuổi rồi mà nhiều lúc tôi phải dỗ như con trẻ. Nó con đầu bác Nguyễn Xuân Tam là sĩ quan quân đội về hưu ở sát cạnh bờ rào nhà tôi, cả hai vợ chồng nhà bác Tam đã mất gần hai chục năm rồi, ông bị ung thư và bà bị tai biến mạch máu não.." Chị Lan tâm sự tiếp: "Ông ấy sinh bốn người con thì bị nhiễm chất độc cả bốn , duy chỉ có cháu gái Nguyễn Thị Huệ còn khôn hơn anh chị chúng và thân thể không dị tật nên được đơn vị cũ đưa đi nuôi dưỡng. Còn cháu Hương chị của Huệ sinh ra đã khèo tay khèo chân, gia đình ông Tam nuôi được 10 tuổi Hương lâm bệnh ung thư máu và mất..". Hàng xóm thương nhau lúc tắt lửa tối đèn, ngày anh Trung chồng chị còn sống cả hai gia đình vẫn thường xuyên lui tới thăm nhau.. Lúc gia đình ông Tam cạn gạo có gia đình chị Lan đỡ đần.Cùng cảnh phụ nữ chị Lan càng thấu hiểu sự day dứt đau khổ của một người mẹ khi nhìn những đứa

Lương đang năm nghỉ trên võng

Lương đang năm nghỉ trên võng

con mà bất hạnh đè lên chúng từ thưở mới cất tiếng khóc chào đời. Sau ngày bà Hiền theo ông Tam về "bên kia thế giới " cảnh nhà ông Tam lại càng bi đát hơn, trong ngôi nhà cô đơn trống vắng hiện diện còn hai đứa trẻ tật nguyền mất hẳn chốn nương thân. Khi chưa có một trung tâm tổ chức từ thiện nào đứng ra cưu mang, nuôi dưỡng biết tìm ai đưa phao cứu sinh bây giờ?. Người máu mủ ruột rà phía gia đình ông Tam tuy thương cháu nhưng không thể cáng đáng chuyện đưa các cháu về nuôi bởi một nhẽ họ cũng gánh nặng lớp thê nhi trong tổ ấm mình. Sau đám tang bà Hiền vợ ông Tam vài tuần lễ, một hôm nằm bên chồng chị Lan nói với anh Trung: " Không hiểu sao em thấy thương hai đứa nhỏ nhà ông Tam quá, nửa đêm nghe nó kêu nó khóc là em không ngủ được. Thôi ta chịu khổ đi anh ạ dẫu tiền trợ cấp về chính sách của chúng chẳng đáng là bao nhưng ta nhận nuôi chúng để lại phúc đức cho đời ". Anh Trung đồng ý viết đơn lên chính quyền địa phương xã Trường Lộc xin nhận nuôi dưỡng hai đứa con của gia đình ông Nguyễn Xuân Tam. Lúc đó Nguyễn Xuân Lương mới 14 tuổi và đứa út Nguyễn Xuân Tuyến mới 6 tuổi. Nuôi nấng những đứa trẻ bình thường lành lặn đã khiến bao bà mẹ vất vả nữa là nuôi nạn nhân chất độc màu da cam.

Dường như trời đã trao phép lạ thần kỳ cho người phụ nữ này một đức tính nhẫn nhục hơn cả những nhân vật trong cổ tích. Hơn 15 năm nuôi con người hàng xóm là cả một " đoạn trường" gian nan.

" Chú biết không, cháu Lương ấy à không bị xệch mồm gù lưng nhìn điển trai đấy nhưng bị bệnh thần kinh bẩm sinh, ăn không nhớ bữa đi ra khỏi ngõ là không biết lối để quay về nhà". Cứ mỗi lúc thời tiết thay đổi Lương lại lên chứng động kinh. Những lúc Lương la hét rồi lên cơn co giật, cả nhà phải giữ cháu lại ở giường không thì Lương vù chạy, đầu sẽ va vào bất cứ chướng ngại vật nào. Lương hiền lành không đập không phá nhưng lại hay thích kiểu "chim sổ lồng bay".. Có hôm trước khi đi làm đồng chị Lan đã chuẩn bị một bát cháo trứng ngon cho Lương ăn, rồi trải chăn gối để Lương nằm ngủ, cửa đóng cài cẩn thận nhưng khi chị về thì cửa đã mở toang .. Lương biến đi lúc nào không hay. Lo quá chị mượn cả mấy người trong xóm đi tìm Lương. Suốt một ngày ròng rã họ phát hiện đuợc Lương đang ngâm mình dưới một con khe nước bẩn ở cuối xã Trường Lộc, áo quần ướt sũng đầu tóc bùn bê bết, đôi chân bầm tím và mấy con đỉa đang còn bám chặt hút máu..

Nuôi Lương mới khổ một, nuôi Tuyến (người em trai của Lương ) còn khổ gấp mười lần. Chất độc da cam ngấm sâu vào cơ thể Tuyến từ lúc mới định hình thai nhi, vừa lọt lòng mẹ Tuyến đã dị tật bẩm sinh. Đầu em to phình ra, chân tay hình gấp khúc, miệng luôn há hốc với hàm răng vàng ố lởm chởm .. Không có khả năng vận động Tuyến chỉ ăn nằm một chỗ..Từ ngày có thêm Tuyến về trong nhà, chị Lan dường như ngủ ít hơn bởi Tuyến thường có tật thức giấc và tự cười một mình tự nói lảm nhảm một mình vào lúc nửa đêm. Những lúc đó Tuyến bắt chị Lan phải bật đèn điện sáng để nhìn.. Hồi Tuyến mới lên 10 tuổi bỗng dưng cả người em nổi lên chi chít những mụn đỏ rồi ngưng thành mủ, đến lúc vỡ ra như tổ ong. Được một người quen mách bảo chị đã kiên trì hái lá cây rừng về tắm cho cháu suốt ba tháng ròng rã, quả nhiên căn bệnh về da của Tuyến biến mất.. Tuy vậy nỗi lo về Tuyến vẫn là nỗi lo thường nhật đối với chị từ việc dùng thìa để bón cơm bón cháo, việc thuốc thang khi Tuyến lên cơn hen suyễn, việc vệ sinh giặt giũ giường chiếu. Tập cho em không nằm bất động một chiều, chị Lan mỗi ngày phải xoay trái xoay phải cho Tuyến ba bốn lượt.. Cực nhất mỗi lần chuyện Tuyến "đi cầu". Vì hệ thần kinh không điều khiển được hệ tiêu hoá nên hai ba ngày Tuyến mới đi một lượt. Chị Lan bảo tôi: " Nhiều lúc phân trong người cháu vón lại , không thoát nổi, bụng lại trướng phình lên em phải dùng xà phong rửa tay thật kỹ và đưa ngón tay mình móc vào hậu môn cháu.. ". Nghe chị nói thản nhiên như đang trồng khoai cấy lúa ở ngoài ruộng mà tôi sửng sốt trước tình thương vô bờ của chị. Chị đã bao đêm thức trắng, chị đã bao ngày lặng lẽ chăm sóc 2 đứa con của người lính quá cố nhưng chưa ai ghi danh. Chị Lan chưa bao giờ nghĩ tới mình, chị muốn sống Đẹp và điều thiêng liêng nhất " Sống là Cho đâu chỉ nhận riêng mình "

Tôi tận mắt chứng kiến một bữa ăn đạm bạc của người phụ nữ nông dân này chỉ có rau lang luộc với cá khô. kho .Bếp đun nấu vẫn chiếc kiềng ba chân cổ truyền và những bó củi mục chị gom nhặt từ đồi núi bãi sông. Một chiếc xe đạp cũ mèm tất tả ngược xuôi.. Chị Lan tâm sự thật lòng rằng đang còn sức khổ mấy cũng chịu được, chỉ lo một nỗi nhà đang quá nghèo.. Chỉ day dứt nhất chú Hiếu em chồng đang bạo bệnh, không hiểu rồi qua nổi không?. Xoay xở mãi vẫn chưa đủ tiền mua thuốc cho chú, lại còn chuyện chăm sóc con người hàng xóm nữa. Chị cũng muốn con cái mình đủ điều kiện học tập như bạn bè của chúng.Ước mơ giản dị thế thôi nhưng chị cần lắm những tấm lòng cảm thông và chia sẽ để thắp sáng hơn nữa ngọn lửa tình thương .

1- 2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast