Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng?

(Baohatinh.vn) - Chạm vào mối quan hệ đặc biệt với những chi tiết kịch tính, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đang được phát sóng trên kênh VTV1 đã làm dậy lên làn sóng bình luận, tranh cãi nhiều chiều của khán giả.

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều cho rằng: Đừng làm méo mó hình ảnh biết bao người mẹ chồng đáng trân trọng và mẹ chồng - nàng dâu khi đã có tình yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu sẽ là câu chuyện đẹp đẽ, xúc động.

thuong nhau cung the nang dau me chong

Ảnh minh họa từ internet

Bà Trần Thị Thoan (Sơn Thủy - Hương Sơn): Điều luân lý dạy con, tôi học được từ mẹ chồng

21 tuổi, tôi về làm dâu nhà mẹ. Mẹ tôi là Đàn, còn chồng tôi tên là Việt, hơn tôi 3 tuổi. Chưa trọn tuần trăng mật, thì anh ấy ra chiến trường. Hồi đó, xóm Tàu Sơn, xã Sơn Thủy ai cũng đói nghèo. Riêng gia cảnh mẹ tôi lại khá hơn. Tôi cứ canh cánh nỗi lo mình còn non trẻ, dễ xẩy ra những mâu thuẫn trong gia đình. Nhưng cho tới bây giờ, tôi đã vào tuổi 65, còn mẹ tôi đã thành người thiên cổ từ lâu rồi, tôi vẫn thấm đẫm tính nhân văn của mẹ chồng tôi.

Tôi về làm dâu, mẹ bắt đầu huấn luyện cho tôi biết nấu ăn. Ngày ấy, đun nấu bằng củi, mẹ hướng từ khâu đong gạo mỗi bữa để đủ cả nhà ăn, rồi điều khiển ngọn lửa để nồi cơm hấp khoai được chín đều. Càng ngày, tôi càng tâm phục, khẩu phục mẹ tôi, bởi bà có đức tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm không ai bằng. Trưa, biết tôi đi làm đồng về vừa nắng nóng, vừa mệt, mẹ đã chuẩn bị sẵn một bát nước ngải cứu cho tôi uống.

Sống với mẹ hàng chục năm trời, nhưng tôi chẳng thấy bao giờ mẹ có một giấc ngủ trưa. Nhưng nếu như buổi trưa tôi không chịu ngủ, ra ngoài vườn cuốc cỏ cùng mẹ, thì bị mẹ “cấm vận” và bắt tôi ngủ để có sức chiều đi làm đồng. Mẹ không chỉ dạy tôi biết trồng cây chuối, vun bụi trầu, làm giàn cho mướp bầu leo dây, mà còn dạy cách giao tiếp với bề trên. Mỗi lần đến giáp hạt, nhà tôi trồng được cả một đồi sắn, mẹ lại bảo tôi đưa sắn đến cho bà Túc, ông Chiu, bà Thú, ông Thế, ông Tùng… để giúp họ vượt qua cơn đói tháng 3… Tôi nghĩ những việc làm của mẹ chồng tôi chính là điều luân lý thiêng liêng nhất để tôi tiếp tục dạy cho con cháu sau này.

Chị Nguyễn Thanh Tâm (xã Kỳ Tân - Kỳ Anh): Mẹ hết gay gắt, tức giận vô cớ với tôi từ bao giờ!

Ai cũng bảo, lấy con trai một khổ trăm đường. Chồng tôi - con trai một, đứa con duy nhất của mẹ. Ngày mới về làm dâu, tôi cảm thấy rất hụt hẫng, bởi, nhà tôi vốn đông anh em, sống chan hòa, san sẻ, yêu thương. Nhà anh, chỉ có một mẹ, một con, thêm tôi như thêm bức “tường rào” trong mối quan hệ tình cảm mẹ con anh.

Đôi lúc mẹ nói gay gắt vô cớ, tôi im lặng. Đi chợ, thấy con cá tươi ngon, mua về cho mẹ, mẹ bảo “mang về bên nhà mà ăn”, tôi lặng lẽ mang về… Đã không ít lần, tôi bức xúc đấu tranh với chồng về những chuyện này. Cũng có rất nhiều người nói vào, nói ra không tốt. Nhưng với mẹ, tôi vẫn luôn giữ một nguyên tắc “không hỗn” và cố gắng để hiểu mẹ chồng hơn. Tôi tự nhủ, chỉ bằng sự chân thành, xem mẹ anh cũng như mẹ mình thì mọi việc sẽ dần ổn.

Nuôi con, tôi càng nhận thấy, mẹ đã rất giỏi. Một mình mẹ đã nuôi anh trưởng thành, chắc không hề đơn giản? Rồi đến lượt cháu, mẹ cũng đã chăm lo cho nó. Suốt thời gian tôi mang bầu cho tới lúc sinh con, có phải chỉ mỗi mình tôi lo lắng cho con tôi được “vuông tròn” đâu. Mẹ đã không nói ra thôi, chứ mẹ cũng đã lo cho cháu có kém gì.

Từ đó, tôi càng hiểu và thương mẹ nhiều hơn. Những việc tôi làm cho mẹ, dù chỉ là việc nhỏ nhưng không phải vì bổn phận nữa mà từ tấm lòng yêu thương chân thành, mong mẹ được vui. Mẹ cũng hết gay gắt, tức giận vô cớ với tôi!

Chị Bùi Thị lý (phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh): Mẹ và tôi vẫn gắn bó với nhau, dẫu vợ chồng đã ly hôn

Hôn nhân của tôi là một câu chuyện buồn. Mẹ chồng là người hiểu biết nên khi vợ chồng tôi đứng bên bờ vực tan vỡ, bà thường xuyên tâm sự, động viên tôi suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định. Bà rất công bằng trong cách nhìn nhận mọi việc, không bênh vực những việc làm sai trái của con trai mình. Thời điểm đó, tôi không dám tâm sự với bố mẹ đẻ nhưng với mẹ chồng, tôi có một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Dù đã ly hôn nhưng 3 năm nay, tôi vẫn cho cháu đi về thăm ông bà nội thường xuyên. Ông bà cũng rất quan tâm đến cuộc sống của hai mẹ con. Những lúc tôi bận công việc hoặc đi công tác, bà vẫn đón cháu về chăm sóc chu đáo; gọi điện nhắc tôi giữ gìn sức khỏe.

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu hậu ly hôn như chúng tôi có lẽ không nhiều, nếu không muốn nói là hiếm có. Dù trên danh nghĩa, chúng tôi không còn là người một nhà nhưng tôi luôn trân trọng tình cảm đó.

Bà Ngô Thị Hoài (thị trấn Nghèn, Can Lộc): Mẹ chồng thời nay cần “hiện đại hóa” chính mình

Cuộc sống mẹ chồng, nàng dâu trong gia đình tôi rất đầm ấm vì bản thân tôi luôn xem con dâu như con đẻ, không phân biệt. Đối với dâu trẻ, khi mới về nhà chồng còn nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm thì bản thân người mẹ như tôi luôn cố gắng bày dạy, quan tâm thay vì bắt bẻ chi ly, tạo khoảng cách giữa 2 mẹ con. Bản thân tôi nội trợ ở nhà nên cũng thường giúp đỡ, tạo điều kiện cho các con yên tâm đi làm. Có thời gian thì 2 mẹ con cùng nhau làm việc nhà, sửa soạn nhà cửa, trò chuyện, shopping…

Tôi nghĩ, thời nay, không chỉ những nàng dâu mới phải cố gắng tìm cách hội nhập với gia đình chồng, giữ gìn nền nếp gia phong mà những người mẹ chồng như chúng tôi cũng cần “hiện đại hóa” chính mình để hiểu được tâm tư, tình cảm lẫn những khó khăn, vất vả của phụ nữ trẻ hiện đại. Chỉ trên cơ sở thương yêu, thì mới làm con dâu tin tưởng, dễ dàng uốn nắn cho con theo những chiều hướng tốt và có như vậy mới vượt qua những mâu thuẫn hẹp hòi muôn đời giữa mẹ chồng, nàng dâu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast