Tiếng "kêu cứu" dưới chân núi Hồng!

Vụ tai nạn mới đây nhất xẩy ra vào 19h30'' ngày 22/2/2012, tại mỏ đá trên dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khiến 1 người thiệt mạng như một minh chứng thuyết phục cảnh bảo sự mất an toàn ở các điểm mỏ...

Danh thắng nổi tiếng ở xứ Nghệ, di tích lịch sử - văn hóa, một trong số ít địa danh được khắc vào bách khoa cửu đỉnh - Núi Hồng hiện đang ngày đêm rầm rầm tiếng khoan, tiếng máy và cả tiếng mìn. Các mỏ đá ở đây như đang xẻ thịt núi Hồng.

Phu đá vẫn làm việc say sưa mà không cần một trang bị bảo hộ nào
Phu đá vẫn làm việc say sưa mà không cần một trang bị bảo hộ nào

Như một quy luật tất yếu, để khai thác được đá, việc đầu tiên là phải chặt bỏ những cánh rừng thông xanh ngát đang đứng hiên ngang trên đỉnh núi. Sau đó, hàng loạt máy móc và trang thiết bị được vận chuyển đến để bóc lấp đất phong hoá tạo mỏ.

Cứ như thế, mỗi ngày rừng thông ở Núi Hồng lại mất một ít. Hàng trăm khối đá lâu nay góp phần tạo nên dãy Hồng hùng vỹ lại được chuyển đi. Song song với đó là hàng chục con người đã phải chịu những cái chết đau đớn, còn may mắn hơn thì cũng nhận lấy những thương tật vĩnh viễn đeo đẳng suốt cả cuộc đời còn lại. Tất cả nỗi đau ấy đều xuất phát từ những vụ tai nạn tại các mỏ khai thác đá ở Hà Tĩnh gây ra.

Chỉ tính từ năm 2007 đến nay theo thống kê chưa đầy đủ đã có 5 người chết, nhiều người bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn ở các mỏ đá ở khu vực này.

Dọc theo quốc lộ 8B chạy ven chân Núi Hồng, nối thị xã Hồng Lĩnh đến huyện Nghi Xuân không còn thơ mộng như vốn có mà ầm tiếng khoan, tiếng máy phát ra từ các mỏ đá. Một đoạn đường chưa đầy 3km nối giữa xã Xuân Lĩnh và phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) nhưng chúng tôi đã bắt gặp vô số biển hệu chỉ dẫn điểm khai thác, bán đá như Xí nghiệp khai thác đá Khe Chuối, Mỏ đá Công ty CP Phú Hoàng, Công ty CP Sông Mã – Xí nghiệp đá Hồng Lĩnh. Núi Hồng như đang một công trường khổng lồ chạy nước rút.

Để tìm hiểu kỹ hơn về quy trình khai thác đá ở các điểm mỏ, chúng tôi đã xâm nhập vào một trong vô vàn các điểm mỏ nằm dọc theo quốc lộ 8B. Thật bất ngờ, ngay trong tháng “An toàn lao động, phòng chống cháy nổ” những phu đá vẫn không hay biết, vẫn làm việc say sưa mà không cần một trang bị bảo hộ nào. Người khoan cheo leo trên vách, người bốc xếp dưới mỏ tay không găng, đầu ai có gì đội mấy cú thế họ hăng say làm viêc! Và phía sau họ là những vách đá sừng sững, thẳng đứng cao cả hàng chục mét không ít chỗ đã tạo thành hàm ếch.

Không phải không có những vụ tai nạn thương tâm đã xẩy ra ở các mỏ khai đá, vụ tai nạn ở khu vực Lèn Cờ (Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) là một ví dụ. Và mới đây nhất là vụ tai nạn xẩy ra vào 19h30'' đêm 22/2/2012, tại mỏ đá của Nguyễn Võ Văn trên dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khiến nạn nhân Nguyễn Tiến Dũng (SN 1951, ở xã Xuân Lĩnh, Nghi Xuân) tử vong tại chỗ như một minh chứng thuyết phục về sự mất an toàn lao động tại các điểm mỏ.

Vì miếng cơm manh áo, người lao động nghèo đem sức mình mong biến đá thành cơm đã đành nhưng các chủ mỏ, các doanh nghiệp thì sao? Phải chăng vì lợi nhuận, họ đã làm ngơ trước mỗi nguy hiểm mà những người dân nghèo đang phải đối mặt?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast