Tiếp tục phổ biến, quán triệt Đề án "Dạy nghề cho lao động nông thôn" ở cấp xã trước tháng 12/2011

Sáng nay 29/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn” 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm 2011 với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng các Bộ LĐTBXH, NN&PTNT, Nội vụ, Công thương, Tài chính, T.Ư Hội nông dân Việt Nam... Tham dự hội nghị ở đầu cầu Hà Tĩnh có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện, Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo các sở, ngành đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành, thị.

Đến nay, 100% tỉnh, thành phố, 84% cấp huyện và 52% cấp xã đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn” tới cán bộ chủ chốt. UBND 53 tỉnh, thành đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong năm 2011.

Về nâng cao năng lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), cả nước đã huy động 1.452 cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT theo chính sách của Quyết định 1956. Trong đó 6 tháng đầu năm 2011 thành lập mới 14 trung tâm dạy nghề và 4 trường trung cấp nghề cấp huyện. Về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề, cả nước đã xây dựng 20 chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề, công nghệ mới cho người dạy nghề cho LĐNT; tổ chức đào tạo nhân rộng được 115 lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 2.450 giáo viên, người dạy nghề; hoàn thành 63 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 1.260 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề tạo nguồn giáo viên dạy nghề ở các trung tâm dạy nghề để dạy nghề cho LĐNT… Bên cạnh đó, BCĐ đã thí điểm các mô hình dạy nghề và cấp thẻ học nghề ở một số tỉnh, thành, bước đầu đạt được kết quả tốt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân : Mục tiêu sẽ dạy nghề cho 500.000 LĐNT theo chính sách của Đề án, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân : Mục tiêu sẽ dạy nghề cho 500.000 LĐNT theo chính sách của Đề án, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo

Sáu tháng đầu năm 2011, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 267.032 người theo chính sách của Đề án (đạt 53% kế hoạch năm). Trong đó 48,4% người học các nghề nông nghiệp, 51,6% người học các nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ gắn với việc làm và có việc làm mới sau học nghề, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành có báo cáo chỉ tiêu này thì 86% số tỉnh đạt trên 70%, 14% số tỉnh đạt dưới 70%.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 7/2011, các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và khai giảng 136 lớp đào tạo nghề cho LĐNT tại các xã, phường, thị trấn với 4.114 học viên. Trong đó, đối tượng thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người bị thu hồi đất sản xuất, người tàn tật đươc đào tạo nghề là 1.212 người; đối tượng lao động thuộc diện hộ cận nghèo là 588 người; đối tượng LĐNT khác là 2.314 người. Với các ngành nghề được đào tạo gồm Nông – Lâm - Ngư nghiệp 2.566 người, Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp 1.035 người, Thương mại - Dịch vụ 513 người. Đến nay, công tác dạy nghề cho các xã xây dựng NTM đã được triển khai 9/13 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn I với 34 lớp và 1.097 người tham gia. Đối với 35 xã xây dựng NTM giai đoạn II, đã tổ chức 21 lớp dạy nghề, với 622 người tham gia. Tính đên nay, trong số 1.689 lao động được học nghề đã có 1.325 người tốt nghiệp và 1.153 người tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề được học, chiếm 87% tổng số người được đào tạo nghề.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả bước đầu triển khai Đề án và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động khảo sát đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của ngành và địa phương mình trong tháng 9/2011 để có phương án đào tạo hợp lý. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý ban chỉ đạo các địa phương phải gắn kết được 3 bên là người học, người dậy và địa phương. Các địa phương phải chỉ đạo tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt Đề án ở tất cả các xã còn lại xong trước tháng 12/2011; lập danh sách các cơ sở dạy nghề và có thể cần huy động tham gia dạy nghề cho LĐNT.

Tại đầu cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu Đề án của một số địa phương có kết quả ở mức thấp và lưu ý qua khảo sát đối tượng tham gia học nghề ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ còn thấp nên cần phải lập kế hoạch cụ thể. Các đơn vị đào tạo phải chú ý đạt số lượng và chất lượng theo yêu cầu kế hoạch, đa dạng hoá phương pháp giảng dạy để đạt kết quả tốt nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast