Tiếp tục quản lý chặt tại khu neo đậu, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi

Do ảnh hưởng của bão, trong 6h qua, ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất...

* 1 tàu cá ở Kỳ Anh đang mất liên lạc với đất liền

>> Hà Tĩnh: 3.885 tàu cá trên biển đã tiếp nhận thông tin

Nhân dân xã Thạch Kim (Lộc Hà) hối hả phòng, chống mưa bão
Nhân dân xã Thạch Kim (Lộc Hà) hối hả phòng, chống mưa bão

Tại Hà Tĩnh, lượng mưa đo được tính đến 13h ngày 7/8/2013 tại các trạm thủy văn như sau: Linh Cảm 53mm, Sơn Kim 6,8mm, Sơn diệm 17mm, Chu Lễ 35mm, Hòa Duyệt 40mm, Hà Tĩnh 81mm, Kỳ anh 168mm, Hương Khê 29mm, Hương Sơn 21mm, Vũ Quang 23mm, Cẩm Nhượng 132mm, Thạch Đồng 104mm, Sông Rác 140mm, Kim Sơn 120mm, Kẻ Gỗ 115mm.

Dự báo trong 6 giờ tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Mực nước trên các triền sông có xu hướng lên chậm.

Thực hiện các công điện khẩn số 13, 14 của BCH PCLB-TKCN tỉnh, các địa phương, đơn vị đã và đang tích cực tiển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của mưa bão. Các địa phương ven biển như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đã hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Tàu thuyền neo đậu an toàn tại Cảng Cửa Sót
Tàu thuyền neo đậu an toàn tại Cảng Cửa Sót

Tại huyện Hương Sơn, nơi đập Khe Mơ đang thi công dở dang, UBND huyện Hương Sơn đã chỉ đạo BQL các dự án XDCB huyện cử 3 người túc trực tại chỗ; huy động 30 cán bộ, công nhân của đơn vị thị công túc trực 24/24h; chuẩn bị 3 máy đào, 8 ô tô, 2 máy ủi, 10.000 m2 bạt xác rắn, 100 rọ thép, 20 m3 đá hộc, 200 bó cành cây, 1.000 bao tải để sẵn sàng ứng phó. Tính đến chiều 7/8, BQL các dự án XDCB huyện đã chỉ đạo xả hết nước và lập phương án mở tràn tạm để ứng cứu khi cần thiết…

Là đơn vị quản lý nhiều hồ đập lớn trên địa bàn các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, từ sáng nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã tăng cường kiểm tra ở những vị trí xung yếu để kịp thời xử lý các sự cố dù chỉ là những vết nứt, những lỗ hổng nhỏ ở các thân đập. Trước đó, tại Hồ Kẻ Gỗ, hồ Bộc Nguyên, đơn vị đã tập kết tại chân công trình các loại vật tư như: đá hộc, cát, sỏi, rọ thép, bao tải.. Ngoài ra, người dân và chính quyền địa phương cũng chuẩn bị sẵn 1.200 cây tre, 700 m2 phên tre, 1.900 bao tải, 2 xuồng máy. Với những công trình trọng điểm tại huyện Kỳ Anh đã được “bao bọc” với lực lượng gần 600 người, 10 ô tô các loại, 2 chiếc thuyền máy và hàng trăm tấn vật tư thiết bị sẵn sàng đối phó với mưa bão...

Đập Khe Mơ bị vỡ trong trận lũ lịch sử năm 2010
Đập Khe Mơ bị vỡ trong trận lũ lịch sử năm 2010

Tính đến chiều 7/8, dù bão số 6 chưa gây ảnh hưởng lớn trên địa bàn nhưng đã có sự cố với một tàu cá ở Kỳ Anh. Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Kỳ Anh, ở vùng biển phía Nam đảo Sơn Dương, tàu cá (có 3 người trên tàu) công suất 18CV của ông Phạm Kỷ ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi do sóng to, gió lớn và mất phương hướng, không thể vào bờ cần được cứu hộ. Các lực lượng cùng với tàu của Vương quốc Bỉ đang thi công tại KKT Vũng Áng sử dụng sóng radar quét để dò tìm nhưng chưa xác định được vị trí tàu bị nạn.

Trong điều kiện sóng to, gió lớn, lại mất liên lạc nên không xác định được tọa độ cụ thể của phương tiện gặp nạn, do đó công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCLB và TKCN đã có văn bản đề nghị Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn có phương án giúp đỡ tỉnh trong công tác cứu hộ tàu cá nêu trên. Thời tiết trên biển rất xấu nên công việc tìm kiếm tàu cá mất liên lạc này đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Lê Bắc - Chánh Văn phòng BCH PCLB-TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị trước mắt cần tiếp tục quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền tại khu neo đậu và nhằm đề phòng hoàn lưu của bão, ngày mai tiếp tục nghiêm cấm việc ra khơi của tàu thuyền, đặc biệt là tích cực tổ chức tìm kiếm 3 người bị nạn trên tàu cá ở Kỳ Anh. Bên cạnh đó, cần bố trí lực lượng thường trực để chủ động tiêu thoát nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa hè thu, hoa màu và diện tích nuôi trồng thuỷ sản; hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua sông, suối, ngầm, bến đò ngang, nhất là nghiêm cấm việc vớt củi trong mưa lũ.

Văn phòng BCH PCLB-TKCN tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư huy động lực lượng, phương tiện để bảo vệ an toàn các công trình đang thi công dang dở; đặc biệt là đối với các hồ chứa chưa vượt lũ; kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thuỷ điện; thực hiện nghiêm các qui trình vận hành hồ chứa, hồ thuỷ điện; không tích nước đối với các hồ không đảm bảo an toàn, nhất là các hồ chứa nhỏ.

Theo Văn phòng BCH PCLB tỉnh, hồi 13 giờ ngày 7/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Thanh Hóa khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11...

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ - Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast