Tìm thầy Tùng học bơi

Đã nhiều năm nay như thế, cứ độ hè về là các em học sinh lại tìm đến thầy Tùng để học bơi. Lớp học của thầy được mở cạnh chân cầu Trung Lĩnh, nối hai xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên). Các em học bơi để phòng vệ khi đuối nước. Hơn thế nữa, các em đến lớp học còn vì nhu cầu của những tâm hồn tuổi thơ khi hè về, được vùng vẫy thỏa thích trong một môi trường yên bình, tươi xanh.

Lớp học dưới chân cầu Trung Lĩnh

Tới Cẩm Trung (Cẩm Xuyên), hỏi thăm bất kỳ người dân nào về thầy Tùng, câu đầu tiên được đáp lại là một câu hỏi: “Chị hỏi thầy Tùng để xin học bơi cho cháu à?. Sau câu hỏi ấy, không đợi chúng tôi hỏi thêm, những người dân mà chúng tôi gặp đều nhiệt tình kể về lớp học. Lớp học nằm ở chân cầu Trung Lĩnh. Thầy hoạt động tình nguyện, không lấy tiền học phí của bất cứ học sinh nào. Học sinh theo thầy học rất đông.

Từ trên cầu Trung Lĩnh, nhìn về phía Đông Bắc, cách cầu khoảng 300m, xuất hiện một dãy cờ đỏ bay phấp phới. Dãy cờ nối nhau thành một đường viền như vòng tay vươn xa ôm trọn một vạt bờ của con sông. Và trong khoảng vạt bờ ấy, từ xa đã thấy được hàng chục sải tay đang thi nhau “lướt” nước. Càng tiến lại gần, nghe tiếng còi dần một to.

4h-5h chiều (mùa hè) là thầy trò lại cùng nhau tập bơi ở khúc sông này

Tiếng còi ấy là của thầy Tùng, dùng để ra hiệu lệnh hướng dẫn học sinh. Biết sự xuất hiện của chúng tôi, thầy Tùng thổi dồn còi, tập trung học sinh ra hiệu rồi thầy lên bờ. Thầy giới thiệu luôn: “Không gian lớp học nằm trong khung dãy cờ đấy, dài 150 m, rộng 60 m. Ở dây sông dài nhưng người ta hút cát nhiều. Địa điểm này là đẹp nhất, bãi sạch, lài, đảm bảo độ an toàn cho trẻ”.

Thầy giáo Lê Văn Tùng sinh năm 1977, quê ở xã xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên; tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục thể chất, Đại học Vinh. Hiện làm Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Cẩm Trung - Liên đội liên xã đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên. Liên đội do thầy Tùng phụ trách luôn đạt thành tích cao trong hoạt động.

Thầy Tùng bắt đầu kể về học sinh. Các em trong lớp học đến từ nhiều xã, bao gồm: Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc và các xã lân cận, thậm chí có những em được bố mẹ chở từ thị trấn Cẩm Xuyên vào học; chủ yếu ở độ tuổi từ 8 đến 17 tuổi. Các em đến học bơi ở đây đều có sự đồng ý của gia đình và phải tuân thủ nghiêm túc 3 qui định: Làm theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên; không ra khỏi khu vực tập luyện; không được xuống nước khi chưa có hướng dẫn viên.

Để có lớp học đông vui và hữu ích như ngày hôm nay, thầy Tùng đã phải trải qua những thăng trầm. Xuất phát từ nỗi đau chứng kiến sự ra đi của một số học sinh vì đuối nước, thầy nảy ra ý tưởng phải làm được một điều gì đó để giúp các em tránh được tai nạn này. Nhiều hôm, một mình thầy lũi thủi đi dọc con sông rác đoạn chạy qua xã Cẩm Trung và Cẩm Lĩnh để tìm địa điểm cho lớp học bơi. Lớp học sơ khai được hình thành cạnh chân cầu Trung Lĩnh (địa điểm bây giờ) vào dịp hè 2005, dưới lời đàm tiếu của nhiều người dân. Buồn nhưng thầy thầm nghĩ, chắc là do người ta chưa nhận thức đầy đủ. Rồi mình sẽ làm cho họ hiểu. Và cứ thế, thầy lại hồn nhiên, vui vẻ, tình nguyện hoạt động.

Có công mài sắt… Giờ đây, lớp học bơi của thầy đã trở thành một địa chỉ gửi gắm niềm tin của người dân. Người dân có con trong độ tuổi đều tự nguyện đăng ký gửi con cho thầy dạy bơi trong mỗi kỳ nghỉ hè. Riêng Lễ khai giảng năm nay, lớp học đã nhận được sự quan tâm của ngành lao động, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt là phụ huynh, họ đã dành cho thầy niềm tin và sự tôn trọng. Chị Phan Thị Hồng, ở xóm 1, xã Cẩm Trung, một người dân cho thầy mượn bạt và loa máy miễn phí phục vụ lễ khai giảng cho biết: “Thầy Tùng bỏ công từ hè này sang hè khác chỉ mong cho mấy đứa trẻ biết bơi để phòng tránh đuối nước. Chúng tôi chỉ giúp đỡ thầy vài việc vặt trong lễ khai giảng thì có đáng gì. Mà đâu phải là giúp thầy, giúp cho con em đấy chứ. Ở đây sông nước nguy hiểm nên trẻ em rất cần thiết phải biết bơi. Con nhà tôi chưa đến tuổi để được đón nhận nhưng sau này chắc chắn tôi sẽ cho nó theo học.”.

Về phía các em học sinh cũng rất hài lòng. Em Nguyễn Trương Dũng, học sinh lớp 8 trường THCS Cẩm Trung cho biết: “Em theo thầy Tùng học bơi đã sang hè thứ 2. Giờ thì em đã bơi thành thạo rồi. Em đã có thể giúp thầy kèm cặp các bạn mới. Em rất vui!”.

Riêng hè 2011, lớp học của thầy Tùng có khoảng 200 học sinh, bao gồm cả nam lẫn nữ. Các em đến đây không chỉ để được học bơi mà còn được tắm mình trong một không gian tuổi thơ vô ưu và tinh nghịch. Em Phạm Thị Thảo, ở xóm 3, xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Nhà ngoại em ở thôn 1. Mỗi lần về bà em thường ra sông mò cua về luộc. Lâu nay em vẫn chưa biết bơi vì chưa có ai tập cho em. Mẹ em làm ruộng, bố làm thợ xây. Bữa đầu hè thấy các bạn rủ nhau lên đây tập bơi, em xin đi theo là bố mẹ liền ký đơn cho đi. Bố mẹ nói, học cho biết để lỡ có rơi xuống sông, xuống hói biết đường mà bơi vô. Mà đến đây cũng vui lắm! Như những hè trước, em thường chỉ biết phụ giúp bố mẹ nhưng hè này em lại được gặp rất nhiều bạn bè. Ngoài học bơi, thầy còn hướng dẫn cho chúng em về kỹ năng sống, giáo dục về đạo đức. Các anh, chị, các bạn thì rất thân thiện. Em rất thích!”.

Giúp các em phòng tai nạn đuối nước

Trên đường về nhà, chạy xe qua cầu Rác, đột nhiên thầy Tùng tấp xe về phía lề cầu và dừng lại. Thầy chỉ tay về phía khúc sông gần cầu và bảo: “Chính đoạn sông ấy, hồi trước tôi đã suýt mất mạng ở đó”. Thầy Tùng kể, lúc ấy thầy mới 9 tuổi. Một hôm, thầy ngồi trên lưng bò lội qua sông. Ra giữa dòng, tự dưng con bò nó quậy ngang mạnh và hất thầy xuống nước. Lúc ấy, có một bà mẹ gặt lúa bên bờ. Bà thấy vậy thì hoảng hốt và kêu lớn: “Con ơi, mẹ không biết bơi, con cứu nó với”… Thế rồi, không hiểu sao bỗng dưng con bò lại quay trở lại. Thế là Tùng vội nắm lấy đuôi bò và theo bò vào bờ.

Thầy Tùng cho biết, cách thời điểm đó khoảng 1 năm về trước, người mẹ ấy đã phải mất một đứa con trai vì đuối nước trên đoạn sông ấy (!)... Và sau khoảng lặng, thầy lại tiếp tục kể về những cái chết đau lòng thường diễn ra trên khúc sông. Thầy Tùng nắm rõ từng điểm đen một trên khúc sông, nào là Cầu Ngầm, bến cố Minh Ngôn, bến nương hoang, bến cô Châu Hàn, đều là những điểm hầu như năm nào cũng có trẻ bị chết đuối.

Thầy Tùng chỉ về khúc sông suýt nữa làm thầy chết đuối

Thầy Tùng đã dày công cho hoạt động phòng chống đuối nước cho trẻ trên địa bàn. Không chỉ dạy bơi tại lớp học, cứ độ hè về là thầy lại gửi thông báo về phòng chống đuối nước cho trẻ đến tất cả các xã trong vùng. Thầy tâm sự: “Người dân thường rất chủ quan. Nhất là thời điểm giao mùa, trẻ thường tụ tập rủ nhau đi tắm, nếu không có sự quản lý của phụ huynh thì rất nguy hiểm. Và thường thì khi có sự cố xảy ra rồi phụ huynh mới tỉnh ngộ. Vì vậy, mình phải chủ động để nhắc nhở phụ huynh trước. Cứ đầu hè là tôi gửi ngay thông báo đến tất cả các thôn, xóm đề nghị không cho trẻ tụ tập bơi lội khi không có người hướng dẫn”.

Tính đến nay, lớp học bơi của thầy Tùng đã có 6 năm hoạt động; mỗi năm có từ 200 đến 400 học sinh tham gia. Học sinh đến đây không chỉ được trang bị các kỹ thuật bơi thông thường mà còn được hướng dẫn các phương pháp cứu đuối và lánh nạn cơ bản khi gặp các tình huống nước chảy xiết. Điều đáng ghi nhận nữa là từ khi có hoạt động này, tại địa phương, không còn tình trạng trẻ em đuối nước diễn ra như trước đây.

Bà Bùi Thị Đào, năm nay đã 72 tuổi, mẹ của thầy Tùng vui vẻ: “Nó đi dạy bơi suốt, chiều nào cũng vậy, từ 4h chiều cho đến 6h chiều. Được cái nó biết sắp xếp thời gian, giờ nào việc nấy, việc ở trường nó cũng đảm nhận tốt, việc nhà cũng vậy nên tôi không có gì phàn nàn. Vui nhất là nó đã biết làm điều nên làm cho học sinh. Từ nhỏ lớn lên và sống ở vùng này, tôi đã chứng kiến rất nhiều cái chết vì đuối nước, nỗi đau của nó cứ đeo bám và ám ảnh mãi. Những năm sau này thì dường như không còn nữa. Tôi vui lắm!”.

Chia sẻ về tâm tư của mình, thầy Tùng mộc mạc: “Tập được càng nhiều cháu biết bơi thì càng vui. Tôi còn có mong muốn có thêm nhiều trẻ em trong vùng biết bơi hơn nữa. Vừa rồi, tôi cũng đã chủ động khảo sát một số điểm tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) và Kỳ Trung (Kỳ Anh), nơi có nguy cơ cao về trẻ em đuối nước để nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào mình tôi để triển khai hoạt động thì không thể đảm bảo được, còn rất cần sự hỗ trợ của các tình nguyện viên khác. Còn riêng bản thân tôi, không biết trước điều gì, nhưng có điều tôi khẳng định là còn điều kiện tôi sẽ còn gắn bó với hoạt động này. Và tôi thấy vui vì điều đó!”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast