Tin “cò” làm chế độ chính sách: Tiền mất, tật mang!

Theo tố cáo của người bị hại , lợi dụng chính sách của chính phủ trong việc rà soát bổ sung hỗ trợ chế độ đối với người có công với cách mạng, một đối tượng đã tìm gặp hàng chục cựu chiến binh ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân dụ dỗ làm chế độ thương binh rồi ôm hàng trăm triệu đồng bỏ trốn. Không những thế đối tượng này còn lừa cả người đi xuất khẩu lao động để kiếm hàng ngàn USD.

Bỏ tiền mua quyết định “dởm”

Ông Trần Văn Thọ đang kể lại sự việc.
Ông Trần Văn Thọ đang kể lại sự việc.

Cuối năm 2008, một người đàn ông dáng vẻ lịch thiệp, sang trọng về vùng bãi ngang xã Xuân Liên ( Nghi Xuân) tìm gặp những cựu chiến binh. Ông ta giới thiệu là Nguyễn Trọng Vân (trú xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân đã “chạy” cho hàng trăm người được hưởng chế độ thương binh. Ông Trần Văn Thọ (SN 1945, trú xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân), năm 1967 từng tham gia tại chiến trường Trị Thiên với nhiều mảnh đạn bom bi găm khắp người. Năm 1989 cơn bão số 9 đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa của gia đình ông, trong đó có một số quyết định xuất nhập ngũ. Nghe ông Thọ trình bày xong, ông Vân bảo: “Tôi có người nhà làm ở tỉnh đội nên mấy cái giấy tờ đó chỉ là chuyện nhỏ. Nếu muốn bác sẽ là thuơng binh bậc 3, mỗi tháng được nhận chế độ 700 ngàn đồng”. Ông Thọ nghe xong mừng quá hỏi nếu “lo” được thì hết bao nhiêu tiền? “Thấy hoàn cảnh gia đình bác khó khăn tôi lấy 14 triệu đồng”- ông Vân trả lời.

Để tạo niềm tin ông Vân còn “khoe” đã từng “chạy” cho người này được hưởng chế độ thương binh, người kia nhận được chế độ chất độc màu da cam…Vốn là ngư dân chân phác, sống nhờ vào con cá, con tôm nên khi nghe nói vậy, ông Thọ không chút đắn đo về bàn với vợ. Nhà nghèo không có tiền buộc vợ ông phải tháo đôi hoa tai bằng vàng bán được hơn 4 triệu đồng, số tiền còn thiếu phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng. Sau khi giao tiền, ông Thọ bảo ông Vân viết cho cái giấy biên nhận. Nghe vậy ông Vân gạt phăng: “Tôi giúp bác là vì tình nghĩa , nếu bác không tin tôi thì cầm tiền về. Nghe “ân nhân” nói vậy, ông Thọ sợ bị đổi ý nên không dám nói gì thêm. Khoảng một tháng sau ông Vân mang đến cho ông Thọ một tờ quyết định phục viên được phô tô công chứng.

Các nạn nhân trình bày việc bị ông Nguyễn Trọng Vân lừa làm chế độ thương binh.
Các nạn nhân trình bày việc bị ông Nguyễn Trọng Vân lừa làm chế độ thương binh.

Còn ông Hoàng Văn Hoạch (SN 1954, trú thôn Linh Vượng, xã Xuân Liên) nghe chuyện nhiều cựu chiến binh nhờ ông Vân làm chế độ thương binh nên cũng tìm gặp để tìm hiểu. Mỗi lần gặp, ông Vân vẫn thường khoe để làm được chế độ thương binh cho nhiều người vì có người nhà làm ở tỉnh đội. Ông Hoạch kể: “ Khi tôi đưa giấy ra quân cho ông Vân xem, ông Vân lắc đầu bảo: “ Cái này kiểu gì cũng phải sửa lại cấp bậc thượng sỹ chứ cấp sĩ quan bây giờ mới làm chế độ thì ai tin. Nghe vậy tôi đồng ý giao toàn bộ giấy tờ để ông Vân mang đi sửa, làm hồ sơ thương binh với giá 15 triệu đồng. Vài ngày sau, ông Vân mang về cho ông Hoạch một tờ quyết định phục viên nhàu nát với cấp bậc thượng sỹ. Từ đó đến nay, đã nhiều lần ông Hoạch đi tìm ông Vân nhưng vợ ông ta cho biết đã sang nước Đức với con.

Cầm tờ quyết quyết định phục viên trên tay, ông Hoạch mếu máo: “Trong chiến tranh chúng tôi đã trải qua biết bao nhiêu lần mưa bom bão đạn không sợ chết. Thế mà bị mắc lừa mua một tờ giấy nhàu nát với giá 15 triệu đồng để rồi làm khổ gia đình”.

Theo ông Hoàng Văn Hoạch, để có tờ giấy quyết định ra quân giả mạo này ông phải trả cho ông Vân 15 triệu đồng.
Theo ông Hoàng Văn Hoạch, để có tờ giấy quyết định ra quân giả mạo này ông phải trả cho ông Vân 15 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, riêng ở xã Xuân Liên có hơn 20 người nộp tiền cho ông Vân để làm chế độ thương binh nhưng tiền thì mất, tật vẫn mang. Sau khi thu bình quân mỗi người 15 triệu đồng, ông Vân bỏ trốn khỏi địa phương. Hàng chục cựu chiến binh mòn mỏi chờ đợi sau khi cầm trên tay toàn quyết định giả phải “mua” với giá hàng trăm triệu đồng.

.

Sang Tây…để ngồi tù

Đến bây giờ anh Nguyễn Văn Phải (SN 1974, trú xóm Lâm Vượng, xã Xuân Liên) vẫn chưa hết bàng hoàng về chuyến xuất ngoại kinh hoàng cách đây 2 năm. Cuối năm 2008, nghe tin anh Phải đang có ý định đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài nên ông Nguyễn Trọng Vân tìm đến. Sau khi khoe khoang có hai đứa con đang làm ăn khấm khá bên nước Đức, ông Vân nói nếu muốn sang đó ông ta có đường dây đưa sang. Anh Phải kể: “Ông Vân nói với tôi là để sang Đức tôi phải đóng 11 ngàn USD. Nhưng trước mắt phải đóng 5 ngàn USD, số còn lại sang đến nơi thanh toán đủ. Sang đó, tôi không cần phải lo lắng đi tìm việc làm mà con ông ta sẽ tìm việc cho”.

Sau khi đóng 5 ngàn USD cho ông Vân, anh Phải được ông ta đưa cho một vé máy bay bay sang Nga. Khi máy bay sang đến Nga, anh Phải được hai người đến đón về một căn nhà hoang nằm hẻo lánh ở trong rừng. Ở lại đây 9 ngày đêm, những người này đưa anh Phải cùng hơn 30 người khác chui lên thùng một chiếc xe container rồi chở lên hướng biên giới Belarus để tìm cách sang Ba Lan rồi từ đó sang nước Đức. Tuy nhiên, chiếc xe bị cảnh sát Belarus phát hiện không cho qua biên giới. Anh Phải và nhóm 30 người quay trở lại căn nhà hoang sống tiếp 9 ngày. “Suốt 9 ngày chúng tôi ăn uống kham khổ, không có nước để tắm rửa. Những ngày này cuộc sống của chúng tôi khổ gấp trăm lần ở tù” – Anh Phải nhớ lại.

Tiếp đó, anh Phải và nhóm 30 người trên nhiều lần được hai đối tượng người Việt Nam tìm cách đưa qua khỏi biên giới nhưng đều bị đuổi về Nga. Do quá khổ sở, anh đã tìm cách điện về cho gia đình ông Vân đòi lại 5 ngàn USD để mua vé máy bay về nước nhưng không được chấp thuận. Sau đó, những đối tượng trong đường dây dẫn nhóm anh Phải sang Ucraina để rồi tìm cách sang Đức. Nhưng nhóm này bị cảnh sát Ucraina bắt giam ròng rã 6 tháng trời. Đến tháng 7-2009, cảnh sát Ucraina mới thả mọi người ra. Anh Phải cho biết: “Ra tù, tôi điện thoại về cho gia đình gửi tiền sang mua vé máy bay để về nước. Khi về nhà, nhiều lần tôi đã tìm đến ông Vân đòi lại tiền nhưng ông ta không chịu trả. Hoàn cảnh gia đình lâm vào cảnh nợ nần nên vợ chồng cãi nhau”.

Anh Nguyễn Văn Phải đang kể lại hành trình đóng 5 ngàn USD để rồi bị bắt giam 6 tháng trời trên đất khách quê người.
Anh Nguyễn Văn Phải đang kể lại hành trình đóng 5 ngàn USD để rồi bị bắt giam 6 tháng trời trên đất khách quê người.

Cùng xã với anh Phải có anh Thái cũng nộp cho ông Vân 13 ngàn USD để sang Đức làm việc. Nhưng anh Thái cũng chỉ được đưa sang đến Nga và sống cuộc sống như đày đoạ ở đó rồi bị đuổi về. Với số tiền hơn 200 triệu đồng vay ngân hàng không có trả nên anh Thái phải tiếp tục vay mượn họ hàng để sang Đài Loan làm công nhân kiếm tiền trả cho ngân hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Lịch – Chủ tịch UBND xã Xuân Yên cho biết, năm 2010, UBND xã cũng đã nhận được đơn tố cáo của hai người dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) về việc ông Nguyễn Trọng Vân lừa họ đưa đi xuất khẩu lao động. Nhưng thời gian đó ông Vân đã trốn biệt tăm khỏi nơi cư trú nên không thể xác minh để xử lý được.

Lời kết

Sự việc xẩy ra đã 3 năm, hàng chục cựu chiến binh bị lừa mất hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không đứng ra tố cáo đối tượng vì thiếu bằng chứng. Theo họ thì ông Vân quá ma mãnh nên khi nhận tiền ông ta không bao giờ viết giấy biên nhận. Nếu ai thích thì làm còn không thì thôi. Hơn nữa địa điểm giao tiền chỉ ở nhà riêng nên ngoài vợ con ông không ai biết được để làm chứng. Ông Trần Văn Nhượng - ở xóm Linh Vượng một nạn nhân chia sẻ: “Với bản chất thật thà, chất phác có phần thiếu hiểu biết của những người dân nghèo nên chúng tôi rất dễ bị “mắc bẩy”. Bầy giờ cũng chỉ biết “ngậm bò hòn thấy ngọt” mà thôi. Mất tiền đổi lại được bài học đáng nhớ. Mong sao các cơ quan chức năng vào cuộc trả lại sự công bằng cho người lương thiện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast