Tình người khỏa lấp nỗi đau

Chưa bao giờ người dân Hà Tĩnh lại phải trải qua những đau thương, mất mát như những ngày này. Hai cơn lũ liên tiếp đã vắt kiệt sức, xoá sạch mọi nỗ lực của hàng ngàn người dân và biến những làng mạc, đồng quê vốn đã nghèo, nay trở thành vùng đất trắng…

Quê tôi là mảnh đất quanh năm luôn phải đối diện với biết bao khắc nghiệt của thiên tai. Cứ mỗi mùa lũ kéo về, cả nhà lại lo chạy nạn, lo chống chọi với thiên tai để rồi sau mùa lũ lại bắt đầu xây dựng lại từ hai bàn tay trắng.

Cõng mẹ chạy lũ
Cõng mẹ chạy lũ

Ngay từ thuở nhỏ, lũ trẻ chúng tôi đã được người lớn dạy bơi, truyền đạt những “kinh nghiệm xương máu” để tìm cách sinh tồn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Cho đến bây giờ, câu chuyện chống lũ vẫn khắc sâu trong tâm khảm với biết bao nỗi day dứt, chạnh lòng.

Ngày ấy, cả làng tôi chẳng nhà nào có tivi hay đài cát - sét để xem, nghe dự báo thời tiết. Cứ vào mùa mưa, những người già bằng kinh nghiệm của mình quan sát các loài cây cỏ, động vật, kể cả màu mây, ráng trời để “mách” lại cho con cháu chuẩn bị. Làng có một chiếc trống được đặt trong nhà các cụ cao niên, nhiều kinh nghiệm nhất. Mỗi khi có mưa lớn, nhà nhà cứ theo tiếng trống mà thực hiện.

Nếu trống đổ một hồi dài khoan thai tức là mọi người bình tĩnh kiểm tra giằng néo nhà cửa, tích trữ lương thực, thực phẩm cũng như các dụng cụ cần thiết chuẩn bị chống lũ. Hồi trống thứ hai vẫn khoan thai nhưng ngắn hơn, nghĩa là mọi nhà đưa người già, trẻ em, trâu bò, lợn gà ra đầu làng để di tản lên vùng cao.. . Cho đến khi nước lũ rút, trống lại buông hồi nhặt, hồi khoan như nửa mừng, nửa lo.

Nắm cơm nghĩa tình
Nắm cơm nghĩa tình

Từ trong cơn hoạn nạn, nhờ có sự đoàn kết, con người mới chống chọi lại với thiên tai, địch hoạ. Cũng chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo nên phẩm chất khác biệt của con người Hà Tĩnh. Trong hoạn nạn muôn người như một, không toan tính chuyện riêng tư, thiệt hơn, không phân biệt sang hèn, địa vị, tất cả cùng đồng sức đồng lòng, mình vì mọi người. Và, phẩm chất ấy thêm một lần toả sáng trong hai trận lũ kinh hoàng vừa qua.

Chuyện cô giáo Trần Thị Hoa ở xã Hương Thuỷ, huyện Hương Khê, chỉ vì lo ướt hết sách vở, đồ chơi của các cháu mà bất chấp nguy hiểm vượt lũ đến trường để rồi ra đi mãi mãi đã làm tất thảy mọi người xót thương, xúc động. Mới đây, nghe tiếng kêu cứu của hành khách trên chiếc xe 48K-5868 trôi ra giữa sông Lam, anh Nguyễn Văn Chung (19 tuổi) ở thôn 9, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân không chút do dự lao ra giữa dòng nước cuồn cuộn để cứu người…

Sẻ chia mất mát
Sẻ chia mất mát

“Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, hơn ai hết, những người dân vùng lũ thấu hiểu cặn kẽ câu nói ấy. Bởi vậy mới có chuyện chị em phụ nữ xã Hương Long, huyện Hương khê góp nhau từng ống gạo nấu lên để mang đến cho những chị em khác đang sống trong cảnh đói khát. Hay chuyện những gia đình nhận được tiền, hàng cứu trợ đem về góp lại rồi chia đều cho các gia đình khác trong xóm… Tất cả đều xuất phát từ một suy nghĩ dản dị nhưng thật sâu sắc: ai cũng hoạn nạn cả, mình có thì chia cho mỗi người một ít.

Trong khó khăn muôn người như một. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành, địa phương băng qua sóng dữ đến với bà con vùng lũ từ những ngày đầu tiên để lại bao tình cảm thân thương. Các đồng chí bất chấp nguy hiểm cùng chia sẻ với những mất mát, cùng lo với nỗi lo của bà con. Chính sự quên mình đó đã mang đến cho người dân sự động viên to lớn và một lần nữa làm sáng thêm truyền thống đoàn kết, gắn bó của người dân Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh là miền quê “chảo lửa túi mưa”. Nhưng, người Hà Tĩnh vốn có truyền thống đoàn kết, cần cù, thông minh hiếu học, chịu thương chịu khó. Chính những phẩm chất tốt đẹp, thấm đẫm tình người đó đã thắp sáng thêm nghị lực, niềm tin, khoả lấp những mất mát đau thương trong thiên tai, địch hoạ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast