“Tôi đang sống cả phần đời của những đồng đội đã hy sinh”

(Baohatinh.vn) - Chiều muộn, bên ấm chè thơm và nồi khoai lang mới luộc, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đức Tường (thôn Tri Khê, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) mới sắp xếp được thời gian kể cho tôi nghe câu chuyện đời nhiều gian truân của mình. Ông vừa kết thúc một ngày vất vả với thời gian biểu kín mít: Sáng đi khám lấy thuốc định kỳ ở bệnh viện; trưa về lo cơm nước chăm sóc vợ ốm và con bị tật nguyền; chiều làm 4 “cuốc” xe tải đổ hàng vật liệu xây dựng.

70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 (1947-2017)

Năm 1967, ông Nguyễn Đức Tường (SN 1948) nhập ngũ (đơn vị C1 D22 Binh trạm 32 Đoàn 559) trong thời điểm cả nước đang dồn toàn lực chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Đơn vị của ông làm nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường trên đường Trường Sơn, vận chuyển nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam.

toi dang song ca phan doi cua nhung dong doi da hy sinh

Nghề lái xe đã theo ông Tường từ những năm tháng chiến tranh đến cuộc mưu sinh thời bình.

Từ lính lái xe giỏi, sau huấn luyện, ông được chuyển sang đơn vị pháo trực tiếp bảo vệ tuyến đường 28 - một trong những vị trí chiến lược mà địch thường xuyên tấn công. “Trung đội 1 của chúng tôi có 37 chiến sỹ, cắm chốt ở những điểm trọng yếu, luôn trong tầm ngắm của quân địch. Gian khổ, ác liệt, cái chết luôn cận kề nhưng anh em ai cũng lạc quan, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng” - ông Tường bùi ngùi nhớ lại.

Rồi ông say sưa kể về trận đánh ác liệt 3 ngày đêm khi trung đội pháo của ông bị địch phát hiện và phát lệnh bủa vây tiêu diệt. Chúng dùng bom bi nổ chậm rồi bỏ mìn vướng, mìn lá làm hàng rào ngăn đường rút lui của quân ta, sau đó, từ nhiều phía liên tục dội bom suốt 3 ngày. Dẫu vậy, anh em vẫn quyết tâm bám trận địa, bắn trả quyết liệt. Cầm cự đến ngày thứ 3, cả trung đội gần như tê liệt, thì may mắn được lực lượng bộ đội ta kịp thời ứng cứu, mở đường đưa những anh em bị thương đi cấp cứu.

Trong trận đánh này, nhiều đồng đội đã hy sinh, còn ông Tường bị bom vùi lấp, bị thương ở vùng đầu và chân, phải chuyển về tuyến sau điều trị. Đến năm 1972, vì không còn đủ sức khỏe chiến đấu, ông được điều về công tác ở Trạm Thương binh 1 Hà Tĩnh.

Năm 1974, ông kết duyên cùng bà Lê Thị Uyên, lúc đó là một thợ may ở HTX Thạch Châu. “Trở về với cuộc sống thời bình, tôi càng thấm thía nỗi mất mát của biết bao đồng đội. Họ không còn được chứng kiến ngày đất nước đã tắt khói lửa chiến tranh, không được biết đến nỗi đau, niềm hạnh phúc của một cuộc sống bình thường. Và tôi tự nhủ, mình phải sống cho cả phần đời của những người đã ngã xuống cho đất nước bình yên”.

Trở về với đời thường, với ông Tường cũng như nhiều thương binh khác, chẳng khác nào một “trận chiến” mới. Để nuôi 4 đứa con ăn học, ông đã thử sức với đủ nghề: Lái xe, bán vôi, khai thác than, mở quầy hàng tạp hóa, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp… Các con dần trưởng thành, có người đã thành đạt trong sự nghiệp, đứa yên ổn chồng con, nhưng cuộc đời không cho ông niềm hạnh phúc trọn vẹn.

Người con trai thứ 3 đến tuổi trưởng thành thì bệnh thần kinh càng nặng thêm. Nhiều hôm, vợ chồng ông phải dắt nhau đi lánh nạn, chờ con hết cơn phá phách, mới lặng lẽ trở về thu dọn nhà cửa. Vợ ông vì không chịu đựng được nỗi đau này đã lên cơn tai biến mạch máu não và phải chịu cảnh ngồi xe lăn 8 năm trời. Gánh nặng cuộc sống đè nặng khi ông một mình bươn chải nuôi vợ và con trai, nhưng với người lính đã bị nhiễm chất độc da cam như ông, “không gì đau đớn hơn khi chứng kiến con của mình phải hứng chịu những mất mát không thể bù đắp nổi” - ông Tường trải lòng.

Từ 8 năm nay, sau khi vợ bị bạo bệnh, con trai thường xuyên phải đi điều trị bệnh thần kinh, ông Tường quyết định chuyển sang nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Đầu tiên là mua chiếc xe tải cũ với những mối hàng nhỏ, sau đó, dần liên kết với các doanh nghiệp cung ứng lớn, mở rộng thị trường. Có lượng khách hàng ổn định, ông phát triển thêm nghề đúc gạch táp lô, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Đến nay, ông đã có trong tay 2 chiếc xe tải với tải trọng 5 tấn, cung ứng cho hàng chục mối hàng, doanh thu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng.

Nói về tấm gương sáng của CCB trên mặt trận mới, Chủ tịch Hội CCB xã Thạch Sơn - Nguyễn Công Sơn cho biết: “Người dân nơi đây quý trọng thương binh Nguyễn Đức Tường không chỉ vì ông là tấm gương vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình mà còn bởi ông luôn có tấm lòng nghĩa tình với đồng đội, luôn đùm bọc người nghèo khó và sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ địa phương trong xây dựng NTM. Ông Tường thường chia sẻ với thế hệ trẻ: Phải biết quý trọng từng phút giây của cuộc sống hòa bình và sống xứng đáng với những người đã hy sinh xương máu để làm nên nhịp đời mới hôm nay... ”.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast